Khẳng định tầm nhìn và khát vọng vươn lên
Báo cáo chính trị trình Đại hội đại biểu lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020-2025) Đảng bộ thành phố Hà Nội được Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng trình bày tại phiên khai mạc diễn ra sáng 12-10 cho thấy tầm nhìn, trí tuệ và khát vọng vươn lên của Thủ đô. Trong vòng từ 5-10 năm tới, Hà Nội phấn đấu phát triển nhanh, bền vững, trở thành thành phố xanh, thông minh, hiện đại; phát triển năng động, hiệu quả, có sức cạnh tranh khu vực và quốc tế.
Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng trình bày Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội khóa XVI tại Đại hội. Ảnh: Viết Thành
3 mốc thời gian, 20 chỉ tiêu cụ thể
Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc của tập thể Bộ Chính trị với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về công tác chuẩn bị Đại hội đại biểu lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020-2025) Đảng bộ thành phố Hà Nội ngày 19-9-2020, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho rằng, yêu cầu đặt ra đối với Hà Nội không thể như với các địa phương khác, mà phải cao hơn các địa phương khác. Hà Nội phải đi đầu, mẫu mực, làm gương về tất cả mọi phương diện, lâu nay đã quyết tâm rồi, Đại hội này cần có bước chuyển biến mới - đây là yêu cầu khách quan. Góp ý vào Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội XVII Đảng bộ thành phố, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng đề nghị, tầm nhìn của Hà Nội phải cao hơn, xa hơn; phải vượt ra ngoài cả nước hướng tới cạnh tranh với các thành phố trong khu vực châu Á và trên thế giới... Đây cũng là sự mong muốn, kỳ vọng chung của đông đảo cán bộ, nhân dân cả nước dành cho Hà Nội.
Tiếp thu tinh thần đó, đặc biệt trên cơ sở thực tiễn khách quan và phân tích khoa học, Thành ủy Hà Nội đã thống nhất mục tiêu, tầm nhìn trong Báo cáo chính trị trình Đại hội đại biểu lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020-2025) Đảng bộ thành phố Hà Nộitheo 3 mốc thời gian. Đó là: Đến năm 2025, xây dựng Đảng bộ thành phố có năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu cao và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tiêu biểu; phát triển nhanh và bền vững Thủ đô theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh, hiện đại, có sức cạnh tranh cao trong nước và khu vực; cơ bản hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa, GRDP/người đạt 8.300-8.500 USD. Đến năm 2030, Hà Nội trở thành thành phố “xanh - thông minh - hiện đại”; phát triển năng động, hiệu quả, có sức cạnh tranh khu vực và quốc tế; hoàn thành công nghiệp hóa Thủ đô; GRDP/người đạt 12.000-13.000 USD. Đến năm 2045, Hà Nội có chất lượng cuộc sống cao; kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, bền vững; là thành phố kết nối toàn cầu, có sức cạnh tranh quốc tế, GRDP/người đạt trên 36.000 USD.
Có thể thấy, với mục tiêu trên đây, Hà Nội đã khẳng định khát vọng vươn lên; từng bước nâng cao sức cạnh tranh, hướng tới cạnh tranh với các thành phố trong khu vực và trên thế giới. Đó là bước tiến về tư duy tầm nhìn.
Hà Nội đã khẳng định khát vọng vươn lên; từng bước nâng cao sức cạnh tranh, hướng tới cạnh tranh với các thành phố trong khu vực và trên thế giới.
Cụ thể hóa mục tiêu đến năm 2025, Báo cáo chính trị nêu 4 nhóm chỉ tiêu với 20 chỉ tiêu chủ yếu trên các lĩnh vực, trong đó 6 chỉ tiêu kinh tế; 6 chỉ tiêu văn hóa - xã hội; 5 chỉ tiêu quy hoạch, đô thị, nông thôn và môi trường và 3 chỉ tiêu xây dựng Đảng. Đáng chú ý, tốc độ tăng trưởng Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân giai đoạn 2021 - 2025 là từ 7,5-8,0%. Cơ cấu kinh tế đến năm 2025 bao gồm: Dịch vụ chiếm 65,0-65,5%; công nghiệp và xây dựng chiếm 22,5-23,0% và nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 1,4-1,6%.
Cũng 5 năm tới, thành phố dự kiến phấn đấu đạt tỷ lệ trường công lập đạt chuẩn quốc gia từ 80-85%; có tỷ lệ 30-35 giường bệnh/vạn dân, 15 bác sĩ/vạn dân; duy trì 100% xã, phường, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế; tỷ lệ thất nghiệp thành thị dưới 3%; không còn hộ nghèo và hộ tái nghèo theo tiêu chuẩn của thành phố. Hà Nội cũng dự kiến thực hiện và đạt 100% số huyện đạt chuẩn nông thôn mới; 40% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 20% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới cấp thành phố... Tỷ lệ đô thị hóa đạt từ 60-62%. Tỷ lệ diện tích phủ kín của các quy hoạch chung, quy hoạch phân khu là 100%. 100% hộ dân thành thị và nông thôn được cung cấp nước sạch.
Đảng bộ thành phố dự kiến phấn đấu,kết nạp mới hằng năm đạt từ 9.000-10.000 đảng viên; tỷ lệ đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ hằng năm trên 75% và tỷ lệ tổ chức Đảng hoàn thành tốt nhiệm vụ hằng năm trên 75%.
5 định hướng lớn và nhiệm vụ trọng tâm, 3 khâu đột phá
Để thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu nêu trên, Báo cáo chính trị nêu rõ 5 định hướng lớn và nhiệm vụ trọng tâm, 3 khâu đột phá và 14 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong giai đoạn 2020-2025. Đây đều là những nội dung đã nhận được sự nhất trí cao của các cấp, các ngành từ trung ương đến cơ sở, của các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo, các chuyên gia, nhà khoa học, trí thức, văn nghệ sĩ và các tầng lớp nhân dân Thủ đô thông qua 10 hội nghị lấy ý kiến, đặc biệt là kết luận của Bộ Chính trị trong cuộc làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội ngày 19-9-2020.
Đối với những định hướng lớn và nhiệm vụ trọng tâm, Báo cáo chính trị xác định đầu tiên phải là tiếp tục tạo chuyển biến mạnh mẽ về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị thực sự trong sạch, vững mạnh, tiêu biểu, bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; thí điểm tổ chức thành công mô hình chính quyền đô thị, củng cố chính quyền nông thôn. Hà Nội sẽ đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; nâng cao năng lực, tính tiên phong, gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý và người đứng đầu; chủ động đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; kiên quyết phòng, chống, ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí… Củng cố và tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng bộ.
Hà Nội vẫn xác định khâu đột phá đầu tiên là ưu tiên hiện đại hóa, phát triển nhanh và đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội, xây dựng một số công trình tiêu biểu, không gian kiến trúc cảnh quan đặc sắc, mang đặc trưng của Thủ đô. Thành phố tập trung phát triển đồng bộ hạ tầng giao thông kết nối đô thị trung tâm với khu vực ngoại thành, các đô thị vệ tinh, các tỉnh, thành phố trong vùng Thủ đô. Phát triển mạnh hạ tầng số, hạ tầng công nghệ thông tin, hạ tầng dữ liệu…, kết nối liên thông, đồng bộ và thống nhất, tạo nền tảng phát triển kinh tế số, xã hội số. Khâu đột phá thứ hai là tiếp tục đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách; tăng cường công tác tổ chức thực thi pháp luật, nâng cao hiệu quả quản trị xã hội, quản lý đô thị; cơ bản hoàn thành xây dựng chính quyền điện tử, tiến tới chính quyền số. Thành phố sẽ tạo chuyển biến mạnh mẽ về kỷ luật, kỷ cương, ý thức, trách nhiệm, chất lượng và hiệu quả phục vụ doanh nghiệp và nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Hà Nội cũng sẽ đề xuất Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật Thủ đô tạo thể chế thuận lợi để xây dựng, phát triển Thủ đô nhanh và bền vững.
Khâu đột phá thứ ba là phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, nhân lực quản lý xã hội, quản trị kinh tế, nhân lực ngành văn hóa, du lịch… Hà Nội sẽ xây dựng và phát triển hệ sinh thái học tập sáng tạo, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; thu hút, trọng dụng nhân tài trong và ngoài nước, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế. Thành phố sẽ thúc đẩy phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong toàn xã hội; khai thác, phát huy tối đa tài nguyên chất xám, nguồn lực trí tuệ của đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học, đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ trên địa bàn thành phố; khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc, ý chí tự lực, tự cường và khát vọng xây dựng Thủ đô thành nơi đáng sống. Hà Nội cũng sẽ đề cao ý thức, trách nhiệm, đạo đức xã hội, sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật; đưa văn hóa và con người Hà Nội thực sự trở thành giá trị tinh thần to lớn, nguồn lực quan trọng quyết định phát triển Thủ đô.
Đây là những nội dung được Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố tập trung xem xét, thảo luận để thông qua; xây dựng chương trình hành động để thực hiện. Tất cả vẫn còn ở phía trước, nhưng với thành tích hoàn thành và hoàn thành vượt mức 16/16 chỉ tiêu trong Nghị quyết Đại hội XVI trong bối cảnh rất khó khăn, nhiều thách thức 5 năm qua, có niềm tin vững chắc rằng, Đảng bộ và nhân dân Hà Nội sẽ tiếp tục đạt được những thành tựu to lớn hơn, tạo ra bước chuyển mới như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã chỉ đạo.