Khẳng định uy tín trường Đảng đào tạo cán bộ báo chí - truyền thông 'vừa hồng, vừa chuyên'
Tự hào về truyền thống 60 năm hình thành và phát triển Học viện Báo chí và Tuyên truyền (BC&TT) càng thôi thúc cán bộ, giảng viên, học viên cùng suy ngẫm và hành động để xây dựng nhà trường trở thành cơ sở đào tạo mẫu mực, xứng đáng là một trường Đảng, đi đầu về chất lượng đào tạo. Đây là kỳ vọng của PGS, TS Phạm Minh Sơn, Giám đốc Học viện BC&TT mà phóng viên Báo Quân đội nhân dân ghi nhận được nhân dịp nhà trường kỷ niệm 60 năm thành lập và đón nhận Huân chương Độc lập hạng Ba.
Phóng viên (PV): Nhìn lại lịch sử, điều gì mà ông thấy ấn tượng về truyền thống của nhà trường?
PGS, TS Phạm Minh Sơn: Kể từ ngày thành lập đến nay, tuy có nhiều lần bổ sung chức năng, nhiệm vụ, với nhiều tên gọi khác nhau phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ của từng giai đoạn cách mạng song Học viện BC&TT vẫn luôn là trường Đảng. Hiện nay, học viện được lựa chọn xây dựng thành trường trọng điểm trong hệ thống giáo dục quốc dân, trực thuộc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.
Nhà trường tự hào đã đào tạo cho đất nước hơn 70.000 cán bộ có trình độ cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ trong lĩnh vực lý luận chính trị, công tác tư tưởng, báo chí-truyền thông... Những cựu học viên của nhà trường dù công tác ở bất cứ lĩnh vực nào cũng có điểm chung là bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt, năng lực chuyên môn cao, nỗ lực cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân.
Sự phát triển mạnh mẽ của Học viện BC&TT được tạo dựng từ nhiều yếu tố, song cốt lõi là sự nỗ lực hết mình vì sự nghiệp trồng người của các thế hệ cán bộ, giảng viên. Một truyền thống quý báu khác là sự đoàn kết trên dưới một lòng của các thế hệ cán bộ, giáo viên, học viên nhà trường, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, đạt nhiều thành tựu vẻ vang.
PV: Như ông vừa nhấn mạnh, "Học viện BC&TT là một trường Đảng", điều này phải chăng đặt ra yêu cầu đối với cán bộ, giảng viên, sinh viên nhà trường phấn đấu để “vừa hồng, vừa chuyên”?
PGS, TS Phạm Minh Sơn: Mục tiêu đào tạo người học sau khi tốt nghiệp “vừa hồng, vừa chuyên” luôn được nhà trường chú trọng. Tính chất trường Đảng thể hiện nội dung chương trình, mục tiêu đào tạo, yêu cầu chuẩn đầu ra, đạo đức của cán bộ giảng dạy... Nhà trường bên cạnh đào tạo kiến thức, kỹ năng còn quan tâm rèn luyện người học nâng cao phẩm chất chính trị, giữ vững lập trường tư tưởng. Thông qua các hoạt động đoàn thể và xã hội, các phong trào thi đua, nhà trường tạo điều kiện để sinh viên rèn luyện phẩm chất đạo đức, lý tưởng cách mạng. Điều này lý giải cho con số gần 1.000 sinh viên trở thành đảng viên trong 5 năm gần đây, là trường đại học có số lượng lớn đoàn viên được xét kết nạp và chuyển Đảng chính thức.
Muốn có người học “vừa hồng, vừa chuyên” thì tiên quyết, đội ngũ cán bộ, giảng viên nhà trường phải có chuyên môn sâu rộng, đạo đức trong sáng để nêu gương. Hiện nay, nhà trường tích cực thực hiện Phong trào thi đua “Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh thi đua thực hiện văn hóa công sở” với mục tiêu xây dựng văn hóa công sở, chuẩn mực đạo đức để có nhiều tập thể, cá nhân được công nhận là “tập thể kiểu mẫu”, “cán bộ trường Đảng mẫu mực”.
PV: Được biết, một trong những công việc nhà trường đang tích cực triển khai là kiểm định, đánh giá các chương trình đào tạo. Ông có thể cho biết tầm quan trọng của vấn đề này?
PGS, TS Phạm Minh Sơn: Từ năm 2018, nhà trường tiến hành kiểm định, đánh giá chất lượng đào tạo và dự kiến sẽ kiểm định toàn bộ chương trình. Có hàng chục tiêu chí để kiểm định liên quan đến cơ sở vật chất, nội dung chương trình, chất lượng đội ngũ giảng viên... Giáo dục đại học tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao, góp phần phát triển đất nước cho nên bảo đảm chất lượng giáo dục thông qua kiểm định là rất quan trọng. Qua kiểm định, nhà trường mới có cơ sở thực chứng để xác định đã đạt được và chưa đạt được tiêu chí nào. Việc kiểm định không chỉ để công nhận chất lượng đào tạo của nhà trường mà quan trọng hơn là để giúp cải tiến chất lượng liên tục và toàn diện. Chẳng hạn, Học viện BC&TT hay bất cứ trường đại học nào cũng cần đầu tư cơ sở vật chất bảo đảm chất lượng giáo dục nhưng đầu tư vào hạng mục nào, tránh dàn trải, tránh lãng phí thì phải dựa vào kiểm định làm cơ sở.
PV: Trước sự thay đổi nhanh chóng của khoa học-công nghệ tác động đến lĩnh vực BC&TT, nhà trường đã chuẩn bị gì để thích ứng, bảo đảm nâng cao chất lượng dạy và học, thưa ông?
PGS, TS Phạm Minh Sơn: Nhà trường hiện nay đang được Đảng và Nhà nước giao đào tạo một số chuyên ngành phục vụ hệ thống chính trị: Triết học Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ nghĩa xã hội khoa học, lịch sử Đảng... Ngoài truyền đạt kiến thức kinh điển cho học viên, nhà trường thường xuyên tổ chức các hoạt động hội thảo, tọa đàm, tập huấn, sinh hoạt chuyên đề... mài giũa lý luận sắc bén để đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới. Trong đó, chú trọng đào tạo người học sử dụng các phương tiện truyền thông hiện đại, phục vụ đắc lực các nhiệm vụ khác nhau trong công tác tư tưởng, lý luận chính trị.
Với riêng đào tạo lĩnh vực báo chí, quá trình chuyển đổi số báo chí đang diễn ra mạnh mẽ và nhanh chóng, đặt ra yêu cầu với nhà trường không ngừng nâng cao chất lượng nội dung chương trình, với phương châm là đào tạo theo nhu cầu xã hội. Tuy nhiên, làm báo là làm cách mạng; chính vì thế, nhà trường luôn chú trọng giảng dạy về pháp luật, đạo đức nghề nghiệp để các nhà báo tương lai tuân thủ đúng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Sự phát triển của truyền thông số, nhất là mạng xã hội tạo ra sức ép lớn với người làm báo, buộc phải thay đổi từ phương tiện đến cách thức làm báo. Nhà trường với vị thế là cơ sở giáo dục đi đầu trong đào tạo báo chí, vì thế phải thay đổi để trang bị cho người học chuyên môn vững chắc, nhất là truyền lửa để yêu nghề báo, làm báo một cách chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!