Khẳng định và nâng tầm thương hiệu Áo dài Huế

Từ lâu Huế là một địa danh mang vẻ đẹp riêng biệt, là nơi sản sinh, nuôi dưỡng chiếc Áo dài truyền thống Việt Nam. Qua thời gian, chiếc Áo dài xứ Huế đã trở thành một nét riêng độc đáo, đậm bản sắc, có sức lan tỏa. Áo dài Huế cần được xác lập một chiến lược để khẳng định và nâng tầm thương hiệu. Phóng viên Báo Công Thương đã có cuộc trò chuyện với nghệ nhân - nhà thiết kế (NTK) Áo dài Đặng Quốc Viết Bảo - Phó chủ tịch Hội May thêu thời trang tỉnh Thừa Thiên Huế.

Theo anh, so với các tỉnh, thành trong cả nước, Áo dài Huế có đặc trưng và khác biệt gì?

Huế được biết là nơi khởi nguồn của Áo dài hàng mấy trăm năm trước, từ thời chúa Nguyễn Phúc Khoát (1744) và thời vua Minh Mạng (1828) đã có công định chế áo dài. Mỗi tà Áo dài là một tác phẩm nghệ thuật, là cốt cách, tâm hồn Huế. Áo dài tôn vinh hình ảnh phụ nữ Huế, ngược lại, nét dịu dàng đằm thắm của người con gái Huế, cùng không gian cổ kính của thành quách cung điện, của những ngôi cổ tự khiến Áo dài ở Huế cũng vì thế mà để lại ấn tượng khó phai.

Nghệ nhân - nhà thiết kế Áo dài Đặng Quốc Viết Bảo

Nghệ nhân - nhà thiết kế Áo dài Đặng Quốc Viết Bảo

Huế là miền đất giàu giá trị văn hóa lịch sử, mỹ thuật triều Nguyễn, mỹ thuật Huế đạt đến độ tinh hoa, phong phú kiểu thức. Huế còn được biết là cái nôi của các làng nghề truyền thống, người thợ Huế có tay nghề lành nghề, đường may, đường cắt sắc sảo mang phong cách đặc thù riêng. Dù được mệnh danh là thành phố di sản, nhưng Huế là thị trường tiêu thụ hàng hóa từ các tỉnh thành khác du nhập. Vải áo dài Huế nằm trong tình trạng vậy, người thợ lệ thuộc vải, mẫu mã chỉ dừng ở mức độ cắt may gia công với đường may, mũi chỉ đẹp.

Huế cần làm gì để lưu giữ và phát huy truyền thống phụ nữ mặc Áo dài?

Thời gian gần đây, chính quyền đã có chiến lượt xây dựng Huế Kinh đô Áo dài và Thủ phủ ẩm thực, và đã xem Áo dài và ẩm thực định vị văn hóa và du lịch Huế. Dưới sự chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở văn hóa và thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế, Lễ hội Áo dài Huế 2020 - Huế Kinh Đô Áo dài đã được tổ chức thành công vào ngày 19/12/2020 khi lần đầu tiên 10 đơn vị may mặc, nghệ nhân, nhà thiết kế sinh sống và làm việc tại Huế cùng các nghệ sỹ tại Huế trình diễn những bộ sưu tập mà họ sáng tạo.

Bên cạnh đó, Huế cần đưa Áo dài vào học đường, giáo dục truyền cảm hứng đến học sinh, sinh viên hình ảnh chiếc Áo dài. Tăng cường sử dụng mặc thường xuyên trong môi trường nhà trường, giảng đường. Đối với môi trường nhà nước công sở cần linh động khi sử dụng Áo dài là trang phục sử dụng, hạn chế sử dụng các chất liệu có nguồn gốc từ tỉnh thành khác. Cần có sự tham gia thiết kế mẫu của các nhà thiết kế chuyên nghiệp tại Huế để tư vấn thiết kế mẫu mã, ưu tiên những đơn vị, cơ sở có uy tín năng lực sản xuất tại Huế, qua đó cũng gián tiếp giúp cho người lao động công ăn việc làm.

Ngoài ra vai trò truyền thông các hoạt động về Áo dài, tổ chức các cuộc thi dành cho phụ nữ gắn liền với hình ảnh chiếc Áo dài để Áo dài phải mang tính đại chúng. Ngoài các lễ Festival thường niên, chúng ta cần các hoạt động về sự kiện Áo dài hoặc kết hợp sự kiện khác nhiều lần hơn trên một năm. Chọn lọc và thương mại hóa các chương trình biểu diễn Áo dài kết hợp các loại hình nghệ thuật biểu diễn khác tại các không gian di sản.

Hiện nay, Áo dài được biến tấu theo những thể thức khác nhau, hướng đi nào để áo dài Huế tạo nên dấu ấn riêng trong đời sống hiện đại? Anh có gợi ý gì không về phong cách cũng như phương pháp bảo tồn Áo dài xứ Huế?

Trong bối cảnh hiện tại với nhiều sự đổi mới của thời đại, chiếc Áo dài được nhiều nhà thiết kế, nghệ nhân đưa ra những xu hướng thiết kế mới từ thay đổi chất liệu, kiểu dáng, hoa văn trang trí với nhiều phương pháp kỹ thuật mới, cũng như áp dụng các phong cách thời trang vào chiếc Áo dài, điều đó chứng tỏ chiếc Áo dài vẫn rất “nóng’’ và được người dân Việt Nam xem trọng. Để chiếc Áo dài Huế tạo dấu ấn riêng trong đời sống hiện tại, theo tôi cần phát huy hình ảnh chiếc áo dài ngũ thân, chiếc áo dài truyền thống trong đời thường và linh hoạt sử dụng phù hợp với công năng làm việc. Sử dụng các phương pháp trang trí để đưa hình ảnh, văn hóa Huế trên tà áo dài đảm bảo mỹ học. Hạn chế sử dụng các chất liệu có nguồn gốc từ tỉnh thành khác và cần có vai trò của Nhà thiết kế, cùng nhà quản lý trong việc tạo ra các mẫu áo đồng phục, mẫu áo thiết kế có gắn với thương hiệu Áo dài Huế. Bên cạnh đó thành lập trung tâm, ngôi nhà Áo Dài Huế và phụ kiện đi kèm Áo dài như nón lá, guốc, trang sức để trưng bày, quảng diễn, trình diễn các hoạt động đến sản phẩm Áo dài và trình diễn.

Chiếc Áo dài xứ Huế đã trở thành một nét riêng độc đáo, đậm bản sắc, có sức lan tỏa

Chiếc Áo dài xứ Huế đã trở thành một nét riêng độc đáo, đậm bản sắc, có sức lan tỏa

Nghiên cứu, chọn lọc các show diễn Áo dài nghệ thuật tại các không gian di sản để thương mại hóa, góp phần thúc đẩy các ngành dịch vụ đi kèm. Cần có quy định về Áo dài Huế, áo dài cung đình, tránh lạm dụng chữ cung đình trong Áo dài, cũng như cần nghiên cứu lại các trang phục sử dụng để khách trải nghiệm phong cách hoàng cung để chụp hình.

Các tỉnh thành hiện đều có những lễ hội áo dài, khuyến khích phụ nữ mặc Áo dài. Được biết, anh đã nhiều lần tham dự Festival Huế, vậy điểm nhấn của Áo dài xứ Huế qua các lễ hội như thế nào?

Qua các lần Festival Huế, tôi được Ban tổ chức mời tham dự khi đại diện tỉnh nhà, tôi thấy ưu điểm của Lễ hội Áo dài đầu tư chuyên nghiệp tạo nhiều điều kiện thuận lợi và đã tạo bệ phóng xây dựng tên tuổi của các nhà thiết kế Việt Nam góp phần lan tỏa hình ảnh Huế đến các tỉnh thành và quốc tế. Từ đó đã tạo nhiều kinh nghiệm cho một số NTK Huế có kinh nghiệm làm việc, xây dựng thương hiệu và dần dần khẳng định được vai trò chủ thể của mình.

Làm thế nào để phát huy giá trị văn hóa Huế trong xây dựng thương hiệu Áo dài?

Chúng ta nên hạn chế sử dụng các chất liệu có nguồn gốc từ tỉnh thành khác. Quy định lại khái niệm Áo dài Huế, Áo dài cung đình. Bên cạnh đó, nên sử dụng hình ảnh, hoa văn văn hóa, mỹ thuật Huế đưa lên chiếc Áo dài đảm bảo tính mỹ học, chất lượng và giá cả phù hợp. Cần có sự tham gia thiết kế mẫu của các nhà thiết kế chuyên nghiệp tại Huế để tư vấn thiết kế mẫu mã, ưu tiên những đơn vị, cơ sở có uy tín năng lực sản xuất tại Huế. Qua đó cũng gián tiếp giúp cho người lao động công ăn việc làm. Lấy kinh nghiệm từ Công ty Viết Bảo BQ, tôi đã sử dụng công nghệ in nhuộm kỹ thuật số kết hợp với họa sỹ, nhiếp ảnh gia để tạo ra các mẫu vải Áo dài dựa trên mỹ thuật triều Nguyễn và hội họa Huế. Tôi chỉ nhập nguyên liệu thô (nền trắng) ở nhà cung cấp uy tín và thực hiện in nhuộm, trang trí tại Huế. Sản phẩm đã được thị trường Huế chấp nhận và phản hồi tốt.

Hầu Tỷ (Thực hiện)

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/khang-dinh-va-nang-tam-thuong-hieu-ao-dai-hue-152182.html