Khẳng định vai trò của Hợp tác xã Việt Nam trong việc xây dựng và phát triển chuỗi giá trị nông sản xuất khẩu

Các tham luận tại Hội thảo đã nêu bật những thuận lợi và khó khăn hiện nay của Hợp tác xã (HTX) khi tham gia vào chuỗi giá trị xuất khẩu; Một số giải pháp thúc đẩy xây dựng và phát triển chuỗi giá trị đối với HTX Việt Nam; Vai trò của HTX Việt Nam trong việc xây dựng và phát triển chuỗi giá trị nông sản xuất khẩu...

Quang cảnh Hội thảo

Ngày 14/10, tại Ninh Bình, Liên minh HTX Việt Nam phối hợp với Viện FNF (CHLB Đức) tổ chức Hội thảo “Xây dựng và Phát triển chuỗi giá trị nông sản xuất khẩu – Sự tham gia của khu vực Hợp tác xã Việt Nam”.

Dự Hội thảo có đồng chí Nguyễn Văn Thịnh, Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam; Viện FNF (CHLB Đức); đại diện lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương và đại diện lãnh đạo 22 tỉnh, thành phố và hơn 100 đại biểu đại diện cho Liên minh HTX Việt Nam, Liên minh HTX các tỉnh thành.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, đồng chí Nguyễn Văn Thịnh, Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam cho biết: Kinh tế tập thể, HTX phát triển rộng khắp, đã và đang trở thành phương thức tổ chức hoạt động kinh tế, đời sống của xã hội văn minh, phù hợp với xu hướng phát triển của kinh tế bao trùm, kinh tế chia sẻ trên thế giới, các thành viên trong xã hội đều hưởng lợi, không ai bị bỏ lại phía sau. Hội thảo “Xây dựng và phát triển chuỗi giá trị nông sản xuất khẩu - Sự tham gia của khu vực Hợp tác xã Việt Nam” sẽ là diễn đàn để các HTX có thể chia sẻ những tâm tư, vướng mắc của mình khi tham gia chuỗi giá trị và đưa ra những kiến nghị, đề xuất về chính sách đối với khu vực HTX, đồng thời làm rõ vai trò của HTX Việt Nam trong việc xây dựng và phát triển chuỗi giá trị nông sản xuất khẩu.

Đồng chí Nguyễn Văn Thịnh, Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam phát biểu khai mạc

Phát biểu chào mừng, Giáo sư, Tiến sỹ Adreas Stoffers, Giám đốc quốc gia Viện FNF (CHLB Đức) tại Việt Nam bày tỏ vui mừng khi theo dõi các hoạt động thành công của các HTX ở Việt Nam thời gian qua. Ông Adreas Stoffers tin tưởng rằng, các HTX sẽ đóng góp đáng kể vào việc đưa nền nông nghiệp Việt Nam đáp ứng với yêu cầu xuất khẩu và hội nhập vào chuỗi giá trị quốc tế.

Giáo sư, Tiến sỹ Adreas Stoffers, Giám đốc quốc gia Viện FNF (CHLB Đức) tại Việt Nam phát biểu chào mừng

Vào phần chính, Hội thảo diễn ra với 3 chuyên đề và 9 tham luận, các đại biểu đã tập trung trao đổi và chia sẻ thông tin, kinh nghiệm về: Đẩy mạnh sản xuất theo chuỗi giá trị - Cơ hội cho xuất khẩu nông sản Việt Nam; Thực trạng chuỗi giá trị nông sản xuất khẩu của Việt Nam - Đề xuất các giải pháp thúc đẩy xây dựng và phát triển chuỗi giá trị đối với HTX; Xây dựng mạng lưới xuất khẩu nông sản sang thị trường Trung Quốc - Sự tham gia của khu vực HTX; Ứng dụng nền tảng kinh tế số trong phát triển chuỗi giá trị nông sản xuất khẩu - Sự tham gia của khu vực HTX; Vai trò của HTX khi tham gia chuỗi giá trị và các chính sách đối với HTX tham gia chuỗi; Giải pháp áp dụng quản trị tinh gọn Made in Vietnam tại HTX xuất nông sản xuất khẩu gắn với chuỗi giá trị; Điều kiện và giải pháp đẩy mạnh HTX tham gia chuỗi giá trị nông sản xuất khẩu; Phát triển chuỗi giá trị trong các HTX tại Ninh Bình; Đặc trưng của chuỗi giá trị nông nghiệp toàn cầu và hàm ý chính sách trong bối cảnh mới…

Các đại biểu tham gia Hội thảo

Các tham luận tại Hội thảo cũng nêu bật những vấn đề: Thuận lợi và khó khăn hiện nay của HTX khi tham gia vào chuỗi giá trị xuất khẩu; Một số giải pháp thúc đẩy xây dựng và phát triển chuỗi giá trị đối với HTX Việt Nam; Sự cần thiết của việc ứng dụng nền tảng kinh tế số trong phát triển chuỗi giá trị nông sản xuất khẩu...

PGS.TS. Đào Thế Anh, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam cho rằng, để thúc đẩy xây dựng và phát triển chuỗi giá trị đối với HTX Việt Nam cần có chính sách thu hút đầu tư vào khu vực HTX nông nghiệp như: Thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao; đầu tư xây dựng thương hiệu, kết nối thị trường và sản xuất, sơ chế, chế biến theo tiêu chuẩn đặt hàng của thị trường xuất khẩu…

Ông Nguyễn Tiến Định, đại diện Cục Kinh tế hợp tác - Bộ Nông nghiệp & PTNT cho rằng để phát triển HTX tham gia liên kết chuỗi giá trị các HTX nông nghiệp phải đổi mới tổ chức quản trị, nâng cao hiệu quả hoạt động, tham gia mạnh hơn nữa vào liên kết chuỗi giá trị để tăng sức cạnh tranh, cùng với đó về phía Nhà nước cần phải thực hiện một số giải pháp đồng bộ như: Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho HTX thông qua bồi dưỡng, nâng cao trình độ và năng lực cho cán bộ quản lý chủ chốt của HTX; Khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp liên kết với HTX; Đẩy mạnh xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng sản phẩm sản xuất theo chuỗi, gắn với truy xuất nguồn gốc sản phẩm, đáp ứng các điều kiện về VSATTP…

Trong bài tham luận của mình, bà Lê Thị Tâm, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Ninh Bình cho biết: Hiện tỉnh Ninh Bình có 45 HTX, Liên hiệp HTX sản xuất các sản phẩm thế mạnh thuộc 6 nhóm sản phẩm được sản xuất theo chuỗi giá trị. Liên minh HTX tỉnh Ninh Bình đã đặt ra chủ trương trong phát triển HTX cần phải quan tâm trước hết 3 yếu tố: giá đầu vào tốt, chất lượng sản phẩm tốt, sản phẩm đầu ra ổn định và điều quan trọng phải tập trung hướng tới đó là đầu tư cho công nghệ chế biến, bảo quản và xây dựng thương hiệu để tăng giá trị của sản phẩm.

PGS.TS Nguyễn Đăng Minh, Chủ tịch Viện Quản trị Tinh gọn GKM phát biểu tham luận

PGS.TS Nguyễn Đăng Minh, Chủ tịch Viện Quản trị Tinh gọn GKM cho biết, mô hình Quản trị tinh gọn Made in Vietnam khi được triển khai đồng loạt trong lĩnh vực nông nghiệp sẽ là lời giải thực tiễn trong việc nâng cao năng suất chất lượng giá trị hàng nông sản Việt tại thị trường trong nước và quốc tế, đóng góp thiết thực vào phát triển kinh tế đất nước.

Kết thúc 2 Phiên thảo luận chuyên đề, buổi chiều ngày 14/10, các đại biểu đã đi khảo sát thực tế mô hình hoạt động của HTX Nông sản và Du lịch Tam Điệp, thành phố Tam Điệp. Đây là một trong những mô hình hoạt động sản xuất kinh doanh gắn với chuỗi giá trị tại tỉnh Ninh Bình, bước đầu đã có những thành công nhất định.

Tính đến tháng 6/2020, cả nước có 25.282 HTX, trong đó HTX nông nghiệp chiếm tới 64%, tương đương với 16.240 HTX. Khu vực HTX nông nghiệp đang phát triển với sự xuất hiện của nhiều mô hình HTX kiểu mới. Trong đó, mô hình HTX sản xuất kinh doanh gắn với chuỗi giá trị là một hướng đi giúp HTX có thể phát triển lâu dài và bền vững. Với mô hình chuỗi giá trị, các HTX tham gia chuỗi sẽ được đảm bảo ổn định từ khâu dịch vụ đầu vào, sản xuất và đầu ra của sản phẩm, thông qua mối liên kết giữa HTX và doanh nghiệp. Liên minh HTX Việt Nam đã thực hiện xây dựng các mô hình HTX sản xuất kinh doanh theo chuỗi cung ứng giá trị tại 62 tỉnh, thành phố; hỗ trợ 14 mô hình HTX phát triển sản xuất (hỗ trợ sinh kế); 8 mô hình HTX nhận chuyển giao công nghệ từ đề tài khoa học công nghệ và có gần 600 mô hình HTX do Liên minh HTX các tỉnh, thành phố phối hợp với các sở, ngành tại địa phương triển khai xây dựng.

Theo ĐCSVN

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/khang-dinh-vai-tro-cua-hop-tac-xa-viet-nam-trong-viec-xay-dung-va-phat-trien-chuoi-gia-tri-nong-san-xuat-khau-34650