Khẳng định vai trò của HTX trong phát triển chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản
Những năm qua sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp chính quyền, sự chủ động sáng tạo, linh hoạt của các HTX trên địa bàn tỉnh đã tạo chuyển biến tích cực trong sản xuất nông nghiệp. Trong đó, các địa phương, HTX phát triển các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế phù hợp, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.
HTX Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Xuân Minh (Thọ Xuân) xây dựng chuỗi sản xuất lúa gạo chất lượng cao. Ảnh: Lê Hòa
Theo thống kê của Liên minh HTX tỉnh, đến tháng 10/2023 toàn tỉnh có 827 HTX nông nghiệp. Các HTX đã thể hiện được vai trò trong tổ chức liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cho thành viên, tham gia tích cực vào các chuỗi liên kết giá trị. Qua đó, có 523 HTX tham gia phát triển được các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm bền vững. Đây là hướng đi tất yếu cho phát triển nền nông nghiệp hiện đại, bền vững.
Là HTX nông nghiệp hình thành và phát triển hàng chục năm qua, song trước sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế thị trường, đòi hỏi HTX Nông nghiệp và phát triển nông thôn xã Xuân Minh (Thọ Xuân) phải đổi mới phương thức hoạt động. Thay vì phát triển các nhóm dịch vụ công, HTX đã tổ chức tích tụ đất đai để phát triển vùng lúa thương phẩm chất lượng cao, huy động nguồn lực để đầu tư máy móc, đẩy mạnh tỷ lệ cơ giới hóa và các dịch vụ cơ giới tại địa phương.
Giám đốc HTX Đỗ Thị Hoa cho biết: Để khẳng định vai trò bà đỡ cho kinh tế nông nghiệp, HTX đã tích tụ hơn 20 ha để chủ động sản xuất, đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học - công nghệ vào sản xuất theo quy trình tiêu chuẩn hóa về chất lượng sản phẩm. Cùng với đó, HTX liên kết, tổ chức cho nông dân địa phương phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp, tạo ra khối lượng hàng hóa đủ lớn đáp ứng yêu cầu của chuỗi tiêu thụ/phân phối hiện đại. Từ đó, đứng ra kết nối với các doanh nghiệp, HTX có uy tín nhằm tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. Đến nay, HTX đã xây dựng được chuỗi liên kết, tiêu thụ sản phẩm lúa gạo hàng trăm tấn/năm với Công ty Tập đoàn Thái Bình Seed, chuỗi tiêu thụ rau, củ, quả với một số doanh nghiệp như Công ty CP Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao, Công ty Giống cây trồng Việt Nam... nhờ đó người dân địa phương ngày càng tin tưởng, chủ động tham gia làm thành viên HTX nhằm nâng cao trình độ sản xuất và giá trị của sản phẩm.
Để nâng cao hiệu quả hoạt động của HTX nông nghiệp và phát huy tốt vai trò trong liên kết phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, thời gian qua cùng với việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về “Tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới”, tỉnh Thanh Hóa đã lồng ghép bố trí kinh phí từ nguồn vốn của các chương trình, dự án để hỗ trợ các HTX đầu tư xây dựng kho lạnh, cửa hàng kinh doanh tiêu thụ sản phẩm, vật tư, cơ sở thu mua, chế biến, bảo quản nông sản cho hàng chục HTX. Cùng với đó, năm 2023 Liên minh HTX tỉnh đã phối hợp với Trường Đại học Hồng Đức, Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật... tổ chức các buổi tập huấn nâng cao năng lực quản lý, tổ chức sản xuất, kinh doanh, xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm, mã số vùng trồng trong các HTX và tổ chức nhiều chuyến nghiên cứu, học tập trao đổi kinh nghiệm tại các mô hình HTX tiêu biểu tại các tỉnh Nam Định, Hải Phòng và Quảng Ninh.
Thông qua công tác hỗ trợ xây dựng mô hình HTX, các HTX nông nghiệp của tỉnh được trang bị kỹ năng, kiến thức, áp dụng những phương pháp hiệu quả vào sản xuất. Nhất là có thêm cơ hội kết nối, giao lưu và ký kết các hợp đồng liên kết bao tiêu sản phẩm với các doanh nghiệp, HTX trong, ngoài tỉnh. Theo đó, 10 tháng năm 2023 đã có một số HTX tích cực thực hiện đầu tư xây dựng, mua sắm máy móc thiết bị, thu hút thêm lao động, mở rộng diện tích sản xuất và nâng cao hiệu quả kinh tế, như: HTX chăn nuôi Hoàng Thùy (Như Thanh) đã đầu tư thêm 200 triệu đồng xây dựng khu chế biến, diện tích 300m2 để bán thực phẩm sạch; HTX Dịch vụ nông nghiệp Ngọc Lĩnh (thị xã Nghi Sơn) đầu tư 150 triệu đồng để mở thêm khâu dịch vụ trồng dưa bao tử; HTX Dịch vụ nông nghiệp Cẩm Lương (Cẩm Thủy) đầu tư 300 triệu đồng để mua máy gặt đập liên hợp...
Tại hội nghị tổng kết hoạt động hỗ trợ mô hình HTX năm 2023 diễn ra tháng 11 vừa qua, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Đình Tuấn khẳng định: HTX có vai trò quan trọng trong việc phát triển các chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản bền vững. Do đó, thông qua những hoạt động cụ thể, Liên minh HTX tỉnh đã, đang và sẽ tiếp tục phối hợp với các ngành, địa phương tăng cường hỗ trợ các HTX tổ chức tốt các dịch vụ thiết yếu phục vụ sản xuất nông nghiệp, mở rộng cung ứng các dịch vụ mới; hỗ trợ, tạo điều kiện cho HTX tổ chức liên kết chuỗi giá trị sản xuất - tiêu thụ nông sản hàng hóa; gắn kết các HTX với nhau, với doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế khác nhằm cung cấp dịch vụ đầu vào, sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cho thành viên. Đồng thời, hỗ trợ các HTX nông nghiệp phát triển chuỗi giá trị nông sản, sản xuất các sản phẩm OCOP và thực hiện chương trình XDNTM ở các địa phương. Cùng với đó, HTX sẽ triển khai các giải pháp giúp các HTX dịch vụ nông nghiệp của tỉnh phát huy vai trò cầu nối liên kết nông dân với doanh nghiệp, tạo động lực quan trọng để phát triển hướng tới nền nông nghiệp sạch, an toàn, phát triển bền vững.