Khẳng định vai trò đại diện cho người lao động

Đại diện cho tập thể người lao động tại doanh nghiệp thương lượng, ký kết Thỏa ước lao động tập thể (TƯLĐTT) với nhiều điều khoản cao hơn so với quy định của pháp luật là hoạt động thiết thực thể hiện vai trò đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động. Nhận thức rõ điều đó, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) thành phố Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác thương lượng, ký kết TƯLĐTT.

Những giải pháp thiết thực, hiệu quả

Xác định rõ, để có những bản TƯLĐTT chất lượng và nâng dần số lượng các bản TƯLĐTT, cần xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác đối thoại, thương lượng, ký kết TƯLĐTT có năng lực. Chính vì thế, LĐLĐ thành phố Hà Nội đã đặc biệt qua tâm đến công tác đào tạo, tập huấn cho đội ngũ cán bộ Công đoàn, nhất là cán bộ Công đoàn ở cơ sở. Trong giai đoạn 2021 - 2022, LĐLĐ thành phố Hà Nội đã mở 60 lớp tập huấn, tập trung vào công tác đào tạo, nâng cao trình độ, bản lĩnh, quy trình, kỹ năng thương lượng, ký kết TƯLĐTT và đối thoại tại nơi làm việc cho đội ngũ Chủ tịch Công đoàn cơ sở khu vực doanh nghiệp ngoài Nhà nước, doanh nghiệp trong các Khu Công nghiệp và chế xuất.

Thông qua thương lượng, ký kết TƯLĐTT, quyền lợi của người lao động tại doanh nghiệp được đảm bảo tốt hơn. Ảnh: Mai Quý

Thông qua thương lượng, ký kết TƯLĐTT, quyền lợi của người lao động tại doanh nghiệp được đảm bảo tốt hơn. Ảnh: Mai Quý

Nhằm phục vụ công tác tập huấn, hướng dẫn Công đoàn cơ sở, LĐLĐ Thành phố đã xây dựng, phát hành “Bộ tài liệu hướng dẫn hoạt động thương lượng, ký kết TƯLĐTT tại doanh nghiệp” gồm các biểu mẫu, hướng dẫn theo quy trình rút gọn từ 7 bước xuống còn 3 bước dễ hiểu, dễ thực hiện, kèm theo đó là ngân hàng các nội dung đề xuất, thương lượng, để các Công đoàn cơ sở tham khảo khi đề xuất với chủ sử dụng lao động.

Ngoài ra, LĐLĐ thành phố Hà Nội đã thành lập “Tổ tư vấn, hỗ trợ thương lượng ký kết TƯLĐTT” để hỗ trợ, hướng dẫn Công đoàn cơ sở về quy trình, cách thức tổ chức thương lượng, ký kết TƯLĐTT tại doanh nghiệp; thiết lập các nhóm Zalo kết nối với cán bộ trực tiếp theo dõi, thực hiện chuyên đề chính sách pháp luật của các Công đoàn cấp trên cơ sở để kịp thời chuyển tải các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của LĐLĐ Thành phố. Đây cũng là diễn đàn để chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm trong công tác thương lượng, ký kết, chấm điểm, phân loại TƯLĐTT.

Trong công tác chỉ đạo, LĐLĐ Thành phố đã duy trì chế độ giao ban định kỳ 1 lần/quý về công tác TƯLĐTT đối với các Chủ tịch Công đoàn cấp trên cơ sở để rà soát, đánh giá kết quả thực hiện; công khai kết quả thương lượng, ký kết TƯLĐTT và danh sách những bản TƯLĐTT sắp hết hạn để các cấp Công đoàn kịp thời nắm bắt thông tin, chủ động lên kế hoạch thương lượng, ký kết lại.

Đặc biệt, bám sát tinh thần chỉ đạo trong Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị về “Đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới”, từ năm 2021, LĐLĐ thành phố Hà Nội đã xây dựng và triển khai hiệu quả Đề án thí điểm “Nâng cao năng lực đối thoại, thương lượng, ký kết và chấm điểm, phân loại TƯLĐTT”; kèm theo đó là cơ chế chi tài chính hỗ trợ đối với tập thể, cá nhân cán bộ Công đoàn trực tiếp thực hiện thương lượng, ký kết TƯLĐTT. Từ đó, tạo ra nguồn cổ vũ, động viên, khích lệ đội ngũ cán bộ Công đoàn trong việc triển khai hoạt động thương lượng, ký kết TƯLĐTT.

Nhiều điều khoản cao hơn quy định của Luật được đưa vào TƯLĐTT

Với việc triển khai đồng bộ các giải pháp nêu trên, số TƯLĐTT ký kết hàng năm trên địa bàn Thành phố tăng nhanh cả về số lượng và chất lượng. Đến nay, toàn Thành phố đã có 3.699 bản TƯLĐTT (đạt tỷ lệ 75,5%), số TƯLĐTT loại đạt loại A chiếm 46%. Trong đó, nhiều bản TƯLĐTT đã có những điều khoản có lợi hơn cho người lao động so với quy định của pháp luật như: Tiền lương tối thiểu cao hơn 5 - 7% so với mức lương tối thiểu của Chính phủ quy định; tiền lương thử việc ít nhất bằng 90% mức lương hiện hưởng; thời gian làm việc 7 giờ/ngày hoặc được nghỉ từ 1 - 2 ngày thứ 7 trong tháng; người lao động được nghỉ hưởng nguyên lương vào ngày thành lập doanh nghiệp; người lao động được hỗ trợ bữa ăn ca trị giá từ 20.000 đồng - 30.000 đồng, ngoài ra khi làm thêm từ 2 giờ trở lên được hỗ trợ một bữa ăn ca tương đương 15.000 đồng; tiền thưởng lương tháng thứ 13; được hỗ trợ tiền nhà trọ (hoặc tiền đi lại), tiền nuôi con nhỏ, phụ cấp chuyên cần, phụ cấp thâm niên…

Theo LĐLĐ thành phố Hà Nội, nhằm tiếp tục triển khai hiệu quả công tác thương lượng, ký kết TƯLĐTT, góp phần đảm bảo tốt hơn quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động, thời gian tới, các cấp Công đoàn Thủ đô tăng cường tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về ý nghĩa, tầm quan trọng, sự cần thiết, tác dụng của TƯLĐTT và trách nhiệm của cán bộ Công đoàn, đoàn viên, người lao động trong việc tham gia thương lượng, xây dựng, ký kết, thực hiện TƯLĐTT.

Cạnh đó, LĐLĐ Thành phố cũng sẽ tiếp tục duy trì, nâng cao chất lượng của Tổ tư vấn thương lượng, ký kết TƯLĐTT để trực tiếp hỗ trợ Công đoàn cơ sở và doanh nghiệp trong việc thương lượng, xây dựng, ký kết TƯLĐTT; tăng cường kiểm tra, giám sát thực hiện TƯLĐTT tại cơ sở để đảm bảo quyền lợi tập thể và trách nhiệm giữa các bên, góp phần điều hòa lợi ích, ngăn ngừa mâu thuẫn, xung đột trong quan hệ lao động.

Mai Quý

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/khang-dinh-vai-tro-dai-dien-cho-nguoi-lao-dong-161028.html