Hàng Việt xuất đi nhiều thị trường khó tính
Trong 9 tháng của năm nay, 300 tỷ USD hàng hóa sản xuất tại Việt Nam được xuất khẩu, phần lớn trong số này xuất đi những thị trường khó tính, tiêu chuẩn cao, đặc biệt 'kỹ tính' với nhóm hàng nông, thủy sản.
Đủ tiêu chuẩn chơi với “ông lớn”
Việt Nam thu về hơn 300 triệu USD từ xuất khẩu chuối tươi trong năm 2023, thu 2,2 tỷ USD từ xuất khẩu sầu riêng tươi, gần 250 triệu USD từ xuất khẩu mít… Địa chỉ xuất khẩu chủ yếu của các nhóm hàng này là Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ, với đặc điểm chung là rất khó tính, yêu cầu cao về tiêu chuẩn hàng hóa.
Ba quý đầu năm nay, đơn hàng xuất khẩu với các nhóm hàng trên tiếp tục tăng trưởng 2 con số, góp phần vào doanh thu 5,7 tỷ USD của toàn ngành rau quả.
Chia sẻ tin vui về tình hình xuất khẩu, bà Lê Thị Mỹ Hạnh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Banana Brothers Farm, doanh nghiệp chuyên trồng, xuất khẩu chuối tại Đắk Lắk cho hay: “Từ đầu năm đến nay, doanh nghiệp đã xuất khẩu khoảng 4 triệu USD chuối đi các thị trường Trung Quốc, Mông Cổ, Hàn Quốc”.
Doanh nghiệp này cũng đàm phán xong với đối tác Nhật Bản - một thị trường siêu khó tính, tiêu chuẩn cao để xuất khẩu chuối.
“Công ty đưa hàng cho đối tác Nhật kiểm định và được đồng ý nhập. Vấn đề còn lại là nguồn hàng, công ty chưa sắp xếp được. Chỉ cần mình báo có hàng là họ ký kết ngay”, bà Hạnh chia sẻ.
Nhờ Nghị định thư xuất khẩu chuối ký cuối năm 2022, sau hơn 1 năm xuất khẩu chính ngạch, hiện Việt Nam trở thành nguồn cung chuối lớn nhất cho Trung Quốc trong 8 tháng đầu năm 2024, với lượng nhập khẩu đạt 460.000 tấn, trị giá 190 triệu USD. Thị phần chuối của Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của Trung Quốc tăng từ 31,33% trong 8 tháng đầu năm ngoái, lên 40,71% trong 8 tháng đầu năm nay.
CEO Lê Thị Mỹ Hạnh cho hay, xuất khẩu hoa quả chính ngạch sang thị trường nào cũng khó, không có thị trường nào dễ tính. Doanh nghiệp phải đáp ứng các yêu cầu về kiểm dịch thực vật theo quy định của mỗi nhà nhập khẩu, tuân thủ chặt chẽ quy trình sản xuất, đảm bảo chất lượng tốt nhất.
Mở cửa hội nhập, tham gia nhiều FTA, các ngành hàng xuất khẩu đều ý thức về việc phải tiến lên chuyên nghiệp, bài bản để có thể tận dụng tốt nhất cơ hội mở cửa thị trường. Nhờ đó, quy mô thương mại không ngừng tăng sau mỗi năm. Các nhà mua hàng quốc tế đến Việt Nam tìm nhà cung ứng ngày một tăng.
Dữ liệu thống kê mới nhất, 9 tháng của năm 2024, riêng Trung Quốc đã mua từ các doanh nghiệp Việt gần 44 tỷ USD hàng hóa, trong khi thị trường Mỹ nhập 89,4 tỷ USD (tăng 27,4%), EU 38,1 tỷ USD (tăng 17%), Hàn Quốc 18,9 tỷ USD (tăng 7%) so với cùng kỳ.
Duy trì lợi thế xuất khẩu nhờ các FTA
Việt Nam tích cực mở cửa thị trường mới và tăng cường quan hệ với các đối tác lớn trên toàn cầu. Đến nay, nước ta đã nâng cấp quan hệ lên mức Đối tác chiến lược toàn diện với 8 quốc gia (Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Australia và Pháp). Cùng với đó, đang thực thi 16 hiệp định thương mại tự do (FTA) với hơn 60 thị trường.
Năm 2023, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường ký FTA đạt 230,5 tỷ USD.
Kết quả xuất khẩu 9 tháng cho thấy, lợi thế của Việt Nam trong hoạt động thương mại, đầu tư… tiếp tục được duy trì nhờ sự hỗ trợ lớn của các FTA.
Theo ông Ngô Chung Khanh, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công thương), tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa sang các thị trường FTA của Việt Nam thời gian qua đều ấn tượng. Các FTA thế hệ mới như EVFTA, CPTPP, UKVFTA… đã giúp đưa hàng Việt “phủ sóng” rộng khắp tại nhiều thị trường lớn.
Tuy nhiên, để thương mại với các thị trường tăng trưởng bền vững, ông Khanh lưu ý các ngành hàng, doanh nghiệp song hành với công tác mở cửa thị trường, tăng tốc xuất khẩu, cần tận dụng cả chiều nhập khẩu. Điều này giúp cán cân thương mại cân bằng hơn.
Đang có những tín hiệu tích cực cho xuất khẩu của chặng nước rút cuối năm nay. Báo cáo mới nhất của Bộ Công thương phân tích, nhu cầu tiêu thụ cuối năm tại các thị trường lớn như Mỹ và EU sẽ là động lực quan trọng thúc đẩy xuất khẩu, đặc biệt trong lĩnh vực điện tử, hàng tiêu dùng, và dệt may (các nhà bán lẻ toàn cầu tăng cường dự trữ hàng hóa cho các dịp lễ lớn). Ngoài ra, xuất khẩu dệt may của Việt Nam sẽ hưởng lợi trong ngắn hạn khi các đơn hàng xuất khẩu được dịch chuyển từ Bangladesh.
Kết quả điều tra xu hướng sản xuất, kinh doanh hàng quý của Tổng cục Thống kê cho thấy, 36% doanh nghiệp dự kiến tăng đơn hàng xuất khẩu trong quý IV; 47,6% doanh nghiệp dự kiến ổn định, chỉ 16% dự kiến giảm. Có thể coi đây là chỉ dấu sáng cho thương mại cuối năm.
Báo cáo Triển vọng kinh tế bán niên khu vực Đông Á và Thái Bình Dương (EAP) do Ngân hàng Thế giới (WB) công bố cho biết, xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ tăng trưởng nhanh hơn các thị trường khác. Các công ty Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Mỹ chứng kiến doanh thu tăng gần 25%, nhanh hơn so với các thị trường khác trong giai đoạn 2018 - 2021. Đà tăng xuất khẩu đi Mỹ vẫn được duy trì.
Tuy nhiên, WB lưu ý, các nền kinh tế có thể ngày càng bị hạn chế trong việc đóng vai trò “kết nối một chiều” khi các quy tắc xuất xứ và hạn chế xuất nhập khẩu mới, nghiêm ngặt được áp dụng.
Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/hang-viet-xuat-di-nhieu-thi-truong-kho-tinh-d227709.html