Khẳng định vai trò dẫn dắt, làm chủ thông tin trong kỷ nguyên số

Hướng tới kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21.6.1925-21.6.2024)

Báo chí cách mạng nước ta trải qua 99 năm hình thành, phát triển và có đóng góp quan trọng vào tiến trình đi lên của đất nước; mỗi tờ báo, cơ quan báo chí, mỗi người làm báo thực sự là người tuyên truyền, người cổ động, người tổ chức chung, cán bộ báo chí cũng là chiến sỹ cách mạng như lời dạy của Bác Hồ kính yêu!

Gần thế kỷ qua, báo chí cách mạng luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm, tạo điều kiện phát triển. Trong các cuộc gặp với báo giới cả nước, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đều khẳng định: Hoạt động các cơ quan báo chí có sự đổi mới, chuyển biến tích cực và đi vào chiều sâu. Đội ngũ phóng viên, nhà báo trưởng thành về mọi mặt, ngày càng khẳng định vai trò, sứ mệnh của nền Báo chí cách mạng Việt Nam. Xuyên suốt chiều dài lịch sử, báo chí, truyền thông luôn đồng hành cùng đất nước, có sự đóng góp lớn lao trong sự nghiệp giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước. Nhiều nhà báo, phóng viên không ngại hiểm nguy, gian nan có mặt ở mặt trận để truyền tải thông tin từ chiến trường đến hậu phương, từ hậu phương đến chiến trường; nhiều nhà báo đã anh dũng hy sinh, để lại trong mỗi chúng ta biểu tượng về tinh thần trách nhiệm và tình yêu quê hương, đất nước.

Phóng viên Báo Hà Giang điện tử hoàn thiện tác phẩm báo chí trên nền tảng kỹ thuật số. Ảnh: Lê Hải

Phóng viên Báo Hà Giang điện tử hoàn thiện tác phẩm báo chí trên nền tảng kỹ thuật số. Ảnh: Lê Hải

Trong bối cảnh khó khăn, thách thức chung của đất nước, công tác thông tin, tuyên truyền trên báo chí về việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ chính trị, các vấn đề kinh tế, xã hội, văn hóa, quốc phòng, an ninh… được quan tâm, chú trọng, có chiều sâu, tạo sức lan tỏa tích cực. Thông tin về hoạt động đối ngoại của các đồng chí lãnh đạo cấp cao Đảng và Nhà nước và các sự kiện đối ngoại có nhiều điểm nổi bật. Công tác tuyên truyền bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng và đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch có chuyển biến rõ nét từ tư duy đến nội dung, hình thức, cách thức tuyên truyền. Tuyên truyền về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, đấu tranh với các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống tiếp tục được triển khai mạnh mẽ, ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất, mang lại hiệu quả cao.

Đất nước đổi mới, có thuận lợi, đan xen nhiều khó khăn tác động trực tiếp đến hoạt động báo chí. Các chuyên gia, nhà quản lý đã chỉ rõ nguy cơ tụt hậu của báo chí trước sự phát triển rất nhanh của truyền thông xã hội cả về nội dung, khả năng dẫn dắt, định hướng thông tin, đến phương thức tiếp cận công chúng, làm chủ công nghệ và thu hút nguồn thu. Tại diễn đàn báo chí 2024 tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh vừa qua, nhiều nhận định và vấn đề bức thiết được đưa ra bàn thảo đó là: Trải qua hành trình phát triển gần một thế kỷ, Báo chí cách mạng Việt Nam ngày càng thể hiện rõ tính định hướng, đề cao sứ mệnh, trách nhiệm và nâng cao hiệu quả hoạt động, từng bước khẳng định tính chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại, đóng góp rất quan trọng vào thành tựu chung của đất nước, dân tộc. Tuy nhiên, trước sự cạnh tranh ngày càng gay gắt từ các loại hình thông tin mới như mạng xã hội, hiện tại đang là thời điểm vô cùng khó khăn của báo chí do sự phát triển của công nghệ, sự thay đổi trong thói quen và hành vi tiêu dùng thông tin của công chúng, lại thêm sự phát triển tràn lan của thông tin giả, thông tin sai lệch khiến niềm tin của xã hội đối với báo chí bị giảm sút. Báo chí mang lại thông tin hữu ích cho xã hội, nhưng vai trò quan trọng và sức mạnh đang bị đe dọa bởi những biến chuyển liên tục, đặc biệt trong khoảng thập niên trở lại đây.

Theo Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, công nghệ số ảnh hưởng đầu tiên và mạnh mẽ nhất đối với lĩnh vực báo chí, truyền thông và tạo ra sự thay đổi căn bản của lĩnh vực này. Không gian mạng bây giờ là trận địa chính, là trận chiến chính của báo chí. Nguồn thu chính của báo chí rồi cũng sẽ đến từ không gian mạng. “Công nghệ số lấy đi một số việc cũ nhưng cũng tạo ra những việc mới. Vậy là báo chí phải làm những việc mới” - Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói và nêu rõ, đổi mới báo chí nằm ở chỗ báo chí phải làm hơn những gì mình đang làm. Báo chí cần một không gian rộng hơn là đưa tin “Ai, cái gì, khi nào và ở đâu”. Báo chí muốn phát triển thì cần không gian mới, cần lực lượng sản xuất mới, cần nguồn lực sản xuất mới, cần yếu tố sản xuất mới và cần động lực mới. Không gian mới là không gian số. Lực lượng sản xuất mới là công nghệ số. Nguồn lực sản xuất mới là nhân lực số. Yếu tố sản xuất mới là dữ liệu số. Động lực mới là đổi mới sáng tạo số. Bởi vậy, đầu tư vào công nghệ số, nhân lực số, dữ liệu số và đổi mới sáng tạo số sẽ là đầu tư vì tương lai của báo chí.

Nhằm tạo điều kiện thuận lợi để báo chí phát triển mạnh mẽ hơn nữa, tiếp tục khẳng định vai trò trong kỷ nguyên số, năm 2023 Chính phủ đã phê duyệt chiến lược chuyển đổi số báo chí với mục tiêu xây dựng các cơ quan báo chí theo hướng chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại; làm tốt sứ mệnh thông tin tuyên truyền phục vụ sự nghiệp cách mạng của Đảng, sự nghiệp đổi mới của đất nước; đảm bảo vai trò dẫn dắt, định hướng dư luận xã hội, giữ vững chủ quyền thông tin trên không gian mạng; đổi mới hiệu quả trải nghiệm của độc giả; tạo nguồn thu mới; thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp nội dung số.

Mục tiêu đặt ra đến năm 2030, 100% cơ quan báo chí đưa nội dung lên các nền tảng số (ưu tiên các nền tảng số trong nước). 90% cơ quan báo chí sử dụng nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp tập trung, ứng dụng trí tuệ nhân tạo để tối ưu hóa hoạt động. 100% cơ quan báo chí hoạt động, vận hành mô hình tòa soạn hội tụ và các mô hình phù hợp với sự phát triển của khoa học, công nghệ tiên tiến trên thế giới, sản xuất nội dung theo các xu hướng báo chí số. Các cơ quan báo chí tối ưu hóa nguồn thu, trong đó 50% cơ quan báo chí tăng doanh thu tối thiểu 20%.

Để đạt được mục tiêu trên, chiến lược đưa ra các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm như: Nâng cao nhận thức, tăng cường tuyên truyền; rà soát, hoàn thiện các quy định pháp luật; phát triển các sản phẩm báo chí số; phát triển nền tảng số; phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tăng cường hợp tác quốc tế, học tập kinh nghiệm của các quốc gia có nền báo chí số phát triển mạnh.

Nhận thức rất rõ yêu cầu của sự phát triển trong giai đoạn mới, các cơ quan báo chí Hà Giang, chủ lực là Báo Hà Giang và Đài PT-TH tỉnh đã có bước đầu tư về công nghệ hiện đại trong quá trình tổ chức sản xuất sản phẩm báo chí; các phóng viên, biên tập viên, cán bộ kỹ thuật được bồi dưỡng, cập nhật kiến thức chuyển đổi số báo chí. Việc sử dụng các nền tảng số đã rút ngắn công đoạn sản xuất sản phẩm báo chí, đồng thời tạo ra sự tương tác trong quá trình làm việc giữa các phóng viên, biên tập viên, giữa cơ quan báo chí với người đọc, người nghe, người xem… Chất lượng các tác phẩm báo chí đa phương tiện trên nền tảng công nghệ số xuất hiện nhiều hơn, đáp ứng nhu cầu ngày cao của độc giả và khán, thính giả.

Mặc dù mạng xã hội đang phát triển mạnh mẽ với nhiều lợi thế, nhưng các thông tin đăng tải, phát sóng trên Báo Hà Giang, Đài PT-TH tỉnh tiếp tục được khẳng định là món ăn tinh thần không thể thiếu của độc giả; khẳng định rõ vai trò dẫn dắt, làm chủ “dòng chảy” thông tin trong bối cảnh công nghệ số đang phát triển như vũ bão hiện nay.

THIÊN THANH

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/xa-hoi/202406/huong-toi-ky-niem-99-nam-ngay-bao-chi-cach-mang-viet-nam-2161925-2162024-khang-dinh-vai-tro-dan-dat-lam-chu-thong-tin-trong-ky-nguyen-so-8d137bb/