Khẳng định vai trò trong phát triển KT – XH
Với sự phát triển mạnh mẽ trong thời gian qua, các HTX đã khẳng định vai trò, vị trí quan trọng trong sự nghiệp phát triển KT – XH chung của tỉnh. Trước thềm Đại hội đại biểu Liên minh HTX tỉnh khóa V, nhiệm kỳ 2020 – 2025, phóng viên (P/v) Báo Hà Giang có cuộc phỏng vấn đồng chí (Đ/c) Nguyễn Tiến Hưng, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh.
P/v: Đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT, HTX là mục tiêu trọng tâm, xuyên suốt cả nhiệm kỳ; xin đồng chí cho biết những kết quả nổi bật Liên minh HTX tỉnh đạt được trong nhiệm kỳ qua?
Đ/c Nguyễn Tiến Hưng: Trong nhiệm kỳ qua, khu vực KTTT, HTX trên địa bàn tỉnh từng bước được đổi mới, phát triển nhanh cả về số lượng và chất lượng, cơ bản khắc phục được tình trạng yếu kém kéo dài. Các HTX có nhiều đóng góp quan trọng trong phát triển KT – XH của địa phương, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững, hình thành các chuỗi giá trị; khẳng định vị trí, vai trò nền tảng trong nền kinh tế quốc dân.
Đến nay, toàn tỉnh có 673 HTX hoạt động theo Luật HTX năm 2012 với gần 20.000 thành viên; trong đó, HTX nông nghiệp và dịch vụ chiếm 55,4%; công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp 8,77%; thương mại, dịch vụ 13,4 %; vận tải 8,02%; xây dựng 12,8% và Quỹ tín dụng nhân dân 1,49%. Quy mô hoạt động của các HTX từng bước được mở rộng, một số HTX tích cực đầu tư cơ sở vật chất, đổi mới trang thiết bị, ứng dụng KHKT vào sản xuất mang lại hiệu quả. Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh hiện có 1.410 tổ hợp tác (THT) với trên 21 nghìn thành viên, hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp và sản xuất tiểu thủ công nghiệp gắn với làng nghề truyền thống với doanh thu bình quân đạt trên 230 triệu đồng/THT/năm. Đặc biệt, có 109 HTX sản xuất, chế biến với 133 sản phẩm hàng hóa được đưa ra thị trường tiêu thụ. Nhiều HTX tập trung sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP; xây dựng thương hiệu, nhãn mác sản phẩm; hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung theo chuỗi giá trị như: Cam Sành, mật ong, chè, tinh bột nghệ, chổi chít, thực phẩm, rượu ngô men lá truyền thống, sản phẩm dệt thổ cẩm, sản xuất rau an toàn, chất lượng cao. Toàn tỉnh có hơn 40 HTX sản xuất, kinh doanh gắn với chuỗi giá trị, áp dụng công nghệ cao, tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, ký kết hoạt động tiêu thụ sản phẩm dài hạn với doanh nghiệp.
Năm 2020 doanh thu bình quân tại các HTX đạt trên 1.750 triệu đồng/HTX. Thu nhập bình quân của thành viên và người lao động trong khu vực HTX đạt 42 triệu đồng/năm. Đóng góp trực tiếp của khu vực KTTT, HTX vào GDP của tỉnh đạt trên 1,8%; thu hút hơn 12.000 lao động...
P/v: Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động của khu vực KTTT, HTX hiện nay có những khó khăn, vướng mắc gì, thưa đồng chí?
Đ/c Nguyễn Tiến Hưng: KTTT, HTX trên địa bàn tỉnh phát triển còn chậm, tốc độ tăng trưởng còn thấp so với các khu vực kinh tế khác; tỷ lệ đóng góp GDP chưa đáp ứng yêu cầu. Phần lớn HTX qui mô nhỏ, công nghệ chưa đổi mới, năng lực tài chính và quản trị chưa đáp ứng yêu cầu, phát triển chưa đồng đều, khả năng huy động nguồn lực và áp dụng công nghệ cao còn hạn chế; THT hoạt động chưa ổn định. Sự liên kết hình thành chuỗi giá trị giữa HTX, THT với các loại hình kinh tế khác còn hạn chế. Chất lượng nguồn nhân lực còn thấp; thiếu thông tin thị trường và khả năng xúc tiến thương mại, khó tiếp cận tín dụng.
Những hạn chế, yếu kém của KTTT, HTX chủ yếu là do nhận thức về bản chất, vai trò, vị trí của khu vực KTTT, HTX trong phát triển KT – XH của một số cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên và người dân chưa đầy đủ, chưa thống nhất; hầu hết HTX nông nghiệp không có đất đai, trụ sở và công cụ sản xuất, không có điều kiện để tái cơ cấu sản xuất; HTX rất khó tiếp cận và thụ hưởng các chính sách; sự phối hợp giữa các cấp, các ngành đối với việc củng cố, phát triển hoạt động KTTT, HTX chưa chặt chẽ, năng lực nội tại, đội ngũ cán bộ quản trị của nhiều HTX còn hạn chế.
P/v: Từ thực trạng trên, Liên minh HTX tỉnh đặt ra mục tiêu và những giải pháp căn cơ như thế nào?
Đ/c Nguyễn Tiến Hưng: Với mục tiêu tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT, HTX theo chiều sâu, đưa KTTT, nòng cốt là HTX thực sự là thành phần kinh tế quan trọng trong phát triển KT – XH, giảm nghèo bền vững, gắn với xây dựng NTM; phấn đấu đến năm 2025, toàn tỉnh phát triển mới từ 3 liên hiệp HTX trong các lĩnh vực; mỗi huyện, thành phố phát triển từ 6 - 8 HTX/năm; 80 - 85% HTX trở lên duy trì hoạt động thường xuyên, hiệu quả; 30 - 40% HTX ứng dụng KHKT và công nghệ cao vào sản xuất; xây dựng ít nhất 35 mô hình HTX kiểu mới gắn với chuỗi giá trị sản phẩm hàng hóa chủ lực của địa phương; đào tạo, bồi dưỡng khoảng 80% cán bộ quản lý, điều hành HTX các kỹ năng chuyên môn đáp ứng yêu cầu phát triển của HTX trong thời kỳ hội nhập; thu hút ít nhất 65% số hộ cá thể ở địa bàn nông thôn tham gia hoặc sử dụng các dịch vụ của THT, HTX.
Cụ thể hóa mục tiêu này, Liên minh HTX tập trung thực hiện các giải pháp chủ yếu: Đổi mới phương thức hoạt động và nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành; chủ động triển khai kịp thời, sáng tạo, hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển KTTT, HTX; tham mưu, đề xuất với cấp ủy, chính quyền địa phương các chủ trương, chính sách phát triển KTTT, HTX; đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cấp ủy, chính quyền và người dân về vai trò, vị trí HTX trong phát triển kinh tế; tăng cường tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho khu vực KTTT, HTX; đổi mới mạnh mẽ, nâng cao hiệu quả hoạt động tư vấn, hỗ trợ cung ứng dịch vụ công, đáp ứng tối đa nhu cầu phát triển của khu vực KTTT, HTX; xây dựng mô hình HTX sản xuất gắn với chuỗi giá trị; tích cực phát động và hưởng ứng các phong trào thi đua phát triển KTTT, HTX; nâng cao vai trò, trách nhiệm của Liên minh HTX tỉnh, tạo niềm tin, chỗ dựa vững chắc, môi trường thuận lợi để các thành phần KTTT, HTX phát triển.
P/v: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!