Khẳng định vị thế của doanh nhân, doanh nghiệp trong nền kinh tế hiện đại

Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang chuyển dịch theo xu hướng phát triển bền vững, các doanh nghiệp (DN) tại Thừa Thiên Huế cũng không ngừng đổi mới để bắt kịp thời đại. Ngày càng nhiều người tiêu dùng quan tâm đến các sản phẩm được sản xuất với quy trình bền vững, thân thiện với môi trường. Điều này tạo động lực cho các DN trong tỉnh khẳng định mình trên bản đồ kinh tế quốc gia và quốc tế.

 Công ty TNHH SBC Hoàng Gia giới thiệu sản phẩm tại các hội chợ thương mại

Công ty TNHH SBC Hoàng Gia giới thiệu sản phẩm tại các hội chợ thương mại

Hướng đến sản xuất bền vững

Tại Thừa Thiên Huế, Công ty CP Dệt may Huế (HUEGATEX) là một trong những DN đi đầu trong việc thực hiện sản xuất bền vững. Với tầm nhìn chiến lược trở thành đối tác chiến lược của các thương hiệu thời trang lớn trên thế giới, HUEGATEX xác định, sản xuất xanh là xu hướng tất yếu để nâng cao khả năng cạnh tranh trong chuỗi cung ứng dệt may toàn cầu. Ông Nguyễn Văn Phong, Tổng Giám đốc Công ty CP Dệt may Huế cho biết, từ 4 năm nay, công ty đã đặt mục tiêu giảm 1% lượng khí thải, 1% nước thải và 1% rác thải trên mỗi đơn vị sản phẩm. Hiện nay, HUEGATEX tiếp tục đẩy mạnh việc giảm tiêu thụ điện, đạt mục tiêu giảm 3% lượng điện tiêu thụ.

HUEGATEX đã hợp tác với các nhà cung cấp năng lượng xanh để lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời tại nhà máy May 4 ở Khu Công nghiệp Phú Đa. Bên cạnh đó, công ty đang đầu tư xây dựng một nhà máy may mới với tiêu chuẩn LEED (tiêu chuẩn về thiết kế và xây dựng xanh), sử dụng hệ thống điện mặt trời và nồi hơi điện. Những cải tiến này không chỉ giúp giảm chi phí sản xuất, mà còn nâng cao giá trị thương hiệu, khẳng định vai trò của HUEGATEX trong chuỗi cung ứng dệt may bền vững toàn cầu.

Không chỉ trong ngành dệt may, các DN Thừa Thiên Huế còn đang thúc đẩy các hoạt động sản xuất xanh, bền vững trong nhiều lĩnh vực khác. Công ty TNHH SBC Hoàng Gia là một ví dụ điển hình khi đã khôi phục và phát triển thành công giống sâm Bố Chính, một sản vật từng được coi là tiến vua. Công ty này đã phát triển vùng trồng sâm tại vùng cao của tỉnh Thừa Thiên Huế, ở độ cao gần 1.000m so với mực nước biển. Với điều kiện thổ nhưỡng phù hợp và phương thức canh tác thuần tự nhiên của người dân bản địa, sâm Bố Chính đã mang lại giá trị dinh dưỡng cao, trở thành nguyên liệu cho nhiều sản phẩm như sâm tươi, sâm khô, bột sâm, trà hoa sâm... Hiện các sản phẩm của công ty đã có mặt trên thị trường toàn quốc và tham gia nhiều hội chợ thương mại quốc tế như Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan.

SBC Hoàng Gia cam kết theo đuổi mô hình sản xuất kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn. Nhà máy sản xuất của công ty đạt tiêu chuẩn HACCP và ISO 22000:2018, đảm bảo chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm. Sản phẩm “Sâm ngâm mật ong Hoàng Gia” của công ty đã đạt chứng nhận OCOP 3 sao, khẳng định chất lượng và uy tín trên thị trường.

Một câu chuyện thành công khác đến từ doanh nhân Lê Thị Kim Hằng, người sáng lập Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại YesHue. Chị Kim Hằng đã biến ước mơ đưa gia vị đặc sản Huế ra thế giới thành hiện thực, khi xuất khẩu chính ngạch lô hàng đầu tiên sang Mỹ vào năm 2019. Với những sản phẩm gia vị như bún bò Huế, tương ớt Huế, dầu điều phi..., YesHue đã khẳng định thương hiệu tại thị trường quốc tế.

YesHue không chỉ tập trung vào việc phát triển sản phẩm truyền thống, mà còn áp dụng các công nghệ tiên tiến để đảm bảo quy trình sản xuất xanh và bền vững. Công ty đã xây dựng nhà máy hiện đại, sử dụng các công nghệ chế biến và đóng gói hiện đại để xuất khẩu. Chị Kim Hằng chia sẻ, để cạnh tranh trên thị trường, YesHue chú trọng xây dựng đội ngũ nhân sự và phát triển thương hiệu, đồng thời mở rộng kênh phân phối qua các sàn thương mại điện tử và cửa hàng đặc sản trên toàn quốc.

Công ty TNHH SBC Hoàng Gia livestream bán hàng trên sàn thương mại điện tử

Công ty TNHH SBC Hoàng Gia livestream bán hàng trên sàn thương mại điện tử

Thách thức và cơ hội

Hiện nay, các DN tại Việt Nam nói chung, trong đó có Thừa Thiên Huế đang đối diện với nhiều thách thức, nhưng cũng có không ít cơ hội. Những DN như HUEGATEX, SBC Hoàng Gia và YesHue đã cho thấy khả năng thích ứng và sáng tạo để nắm bắt xu hướng phát triển bền vững. Điều này không chỉ giúp các DN nâng cao năng lực cạnh tranh, mà còn góp phần bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế địa phương.

Bên cạnh đó, các DN trong tỉnh cũng rất cần sự hỗ trợ từ chính quyền và các tổ chức để tiếp cận nguồn vốn, công nghệ chuyển đổi số và thị trường trong nước và quốc tế. Những chính sách hỗ trợ thiết thực sẽ giúp các DN nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để họ phát triển bền vững trong tương lai.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và yêu cầu phát triển bền vững ngày càng gia tăng, các DN Thừa Thiên Huế đang khẳng định vị thế của mình thông qua những chiến lược sản xuất xanh và mô hình kinh doanh bền vững. Với sự đổi mới không ngừng và tầm nhìn chiến lược dài hạn, DN Thừa Thiên Huế sẽ tiếp tục là những điểm sáng trong thời kỳ mới, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế, xã hội của địa phương và quốc gia.

Thừa Thiên Huế đang trong quá trình xây dựng thành phố trực thuộc Trung ương. Để đạt được mục tiêu này, sự nỗ lực chung của toàn xã hội là cần thiết, trong đó có vai trò rất quan trọng của đội ngũ DN, doanh nhân. Khi cộng đồng DN, DN đủ mạnh, họ sẽ là lực đẩy quan trọng để thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, tạo ra của cải vật chất cũng như đóng góp không nhỏ cho nguồn thu ngân sách, giải quyết việc làm và đảm bảo an sinh xã hội.

Bài, ảnh: HẢI THUẬN

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/kinh-te/khang-dinh-vi-the-cua-doanh-nhan-doanh-nghiep-trong-nen-kinh-te-hien-dai-146914.html