Khẳng định vị thế kinh tế trang trại

Kinh tế trang trại là một trong những phương thức sản xuất hiệu quả nhằm tạo chuyển biến tích cực về giá trị, sản lượng hàng hóa, đưa sản xuất nông nghiệp phát triển theo hướng tập trung và gắn với thị trường tiêu thụ.

Tăng nhanh số lượng trang trại

Trang trại chăn nuôi trâu bò nhốt chuồng vỗ béo của
anh Lê Văn Thứ, thôn Liên Nghĩa, xã Vinh Quang
(Chiêm Hóa) đạt thu nhập 800 triệu đồng/năm.

Những năm qua, kinh tế trang trại trên địa bàn tỉnh được đánh giá tăng nhanh về số lượng, đa dạng hình thức tổ chức sản xuất, dần khẳng định được vai trò quan trọng trong quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới…

Số liệu từ Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh, hết tháng 6 - 2019, toàn tỉnh có 805 trang trại, trong đó huyện Yên Sơn 242 trang trại, Sơn Dương 238 trang trại, Hàm Yên 215 trang trại, Chiêm Hóa 101 trang trại; các huyện Lâm Bình, Na Hang, TP Tuyên Quang mỗi địa phương 3 trang trại. Phân theo loại hình, thì số trang trại tổng hợp hiện có 321 trang trại, 209 trang trại trồng trọt, 268 trang trại chăn nuôi, 6 trang trại lâm nghiệp, 1 trang trại thủy sản. So với thời điểm năm 2014, số lượng trang trại đã tăng thêm 656 trang trại.

Trang trại của ông Vương Ngọc Dũng, thôn Thọ Bình 2, xã Bình Xa (Hàm Yên) có diện tích trên 5 ha, trồng cam vinh, bưởi Diễn, ổi, táo đại… Ngoài ra, ông nuôi thêm 500 con chim bồ câu để tăng thu nhập. Theo xu thế mới, ông Vương Ngọc Dũng sử dụng hoàn toàn phân bón hữu cơ (tận dụng nguồn chất thải từ chăn nuôi gia cầm và thu mua phân gia súc của các hộ dân lân cận), thay thế thuốc bảo vệ thực vật bằng các loại chế phẩm sinh học để chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho vườn cây ăn quả. Nhờ chăm sóc hoàn toàn theo hướng hữu cơ, thu được sản phẩm chất lượng, bảo đảm an toàn thực phẩm, các sản phẩm của trang trại chủ yếu được các thương lái tại Hà Nội, Hải Phòng đặt hàng. Doanh thu của trang trại mỗi năm đạt trên 1 tỷ đồng.

Theo đánh giá của ngành nông nghiệp, việc phát triển mạnh các trang trại không chỉ tạo ra khối lượng hàng hóa nông sản lớn, tập trung, mang lại thu nhập cao cho các chủ trang trại, mà còn góp phần giải quyết việc làm, tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động tại địa phương. Trung bình, mỗi trang trại trên địa bàn tỉnh tạo việc làm từ 3 - 5 lao động, mức thu nhập đạt 3,5 - 4 triệu đồng/người/tháng.

Tháo gỡ điểm nghẽn tín dụng

Khuyến khích, hỗ trợ kinh tế trang trại phát triển, tháng 7 - 2014, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 10/2014/NQ-HĐND về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển kinh tế trang trại trên địa bàn tỉnh. Sau hơn 5 năm chính sách có hiệu lực, toàn tỉnh đã có 475 trang trại được hỗ trợ chính sách, chiếm 59% số trang trại hiện có. Các trang trại sau khi được vay vốn đã đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh, nhiều trang trại đã quan tâm, chú trọng đến việc sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn nhằm nâng cao giá trị của sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường.

Theo báo cáo của Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh, hết tháng 6 - 2019, các ngân hàng đã giải ngân trên 167 tỷ đồng hỗ trợ trang trại. Trong đó, có 474 trang trại được hỗ trợ trên 166 tỷ đồng đầu tư phát triển sản xuất, 9 trang trại được hỗ trợ vay 897 triệu đồng sản xuất theo VietGAP, 1 trang trại được vay 100 triệu đồng đăng ký nhãn hiệu sản phẩm.

Trang trại chăn nuôi gà sinh sản của anh Trần Văn Phúc hiện là một trong những trang trại lớn nhất thôn Hưng Thịnh, xã Tú Thịnh (Sơn Dương). Anh Phúc cho biết, trước đây, quy mô đàn của gia đình anh chỉ dao động từ 1.500 - 2.000 con, khi nguồn con giống được thị trường chấp nhận, anh đã tính đến việc tăng số lượng đàn, nhưng nguồn tài chính chưa cho phép. Năm 2015, anh Phúc may mắn được tiếp cận 300 triệu đồng vốn tín dụng từ Nghị quyết số 10 của HĐND tỉnh. Có vốn, anh tăng số lượng đàn lên 6.000 con. Mỗi năm, trang trại của anh Phúc cung cấp cho thị trường trên 60.000 con giống, trừ chi phí thu lãi trên 800 triệu đồng.

Phát triển kinh tế trang trại đang là hướng đi đúng tại các vùng nông thôn. Ngành nông nghiệp hiện đang khuyến khích người dân thực hiện dồn đổi, tích tụ ruộng đất, sản xuất hàng hóa theo vùng để tăng tính cạnh tranh; từng bước xây dựng thương hiệu sản phẩm. Tuy nhiên, về lâu dài, để khai thác và sử dụng có hiệu quả các tiềm năng về vốn, đất đai, ứng dụng khoa học công nghệ, gắn vùng nguyên liệu với chế biến sản phẩm đòi hỏi các chủ trang trại cần thay đổi tư duy cách làm, tích cực cập nhật thông tin về giá cả, thị trường để áp dụng vào thực tế.

Bài, ảnh: Trần Liên

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/kinh-te/nong-nghiep-nong-thon/khang-dinh-vi-the-kinh-te-trang-trai-122089.html