Dư địa lớn cho trái cây Việt tăng trưởng ở thị trường tỷ dân
Lễ hội 'Trái cây Việt Nam - Bốn mùa thơm ngon' vừa được diễn ra tại Bắc Kinh, Trung Quốc, kỳ vọng xuất khẩu trái cây Việt tăng trưởng vượt bậc sang thị trường tỷ dân.
Lễ hội trái cây Việt Nam với chủ đề "Trái cây Việt Nam - Bốn mùa thơm ngon" vừa diễn ra ngày 29/9 là sự kiện xúc tiến thương mại quan trọng, bên lề Kỳ họp lần thứ 13, Ủy ban Hợp tác Kinh tế Thương mại Việt Nam - Trung Quốc.
Sự kiện do Bộ Công Thương đồng phối hợp với Bộ NN&PTNT tổ chức cùng với sự hợp tác của Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc, Hiệp hội Rau quả Việt Nam và các đối tác Trung Quốc.
Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, Việt Nam nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới, gió mùa - nơi được xem là thiên đường của các loại cây nhiệt đới; với sự đa dạng, tinh tế của nhiều loại trái cây trải dọc đất nước.
Với sản lượng từ 12-14 triệu tấn/năm, các sản phẩm trái cây của Việt Nam không chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước mà còn phục vụ cho xuất khẩu với kim ngạch đạt gần 3,5 tỷ USD mỗi năm. Bên cạnh các mặt hàng trái cây tươi, Việt Nam còn xuất khẩu nhiều sản phẩm trái cây chế biến chất lượng.
Về cung cấp trái cây và sản phẩm từ trái cây, Việt Nam là đối tác lớn thứ ba thế giới của Trung Quốc (sau Thái Lan và Chile) với nhiều sản phẩm có chỗ đứng vững chắc và được người tiêu dùng Trung Quốc ưa chuộng, theo Quân đội nhân dân.
Tuy nhiên, những kết quả đạt được thời gian qua chưa tương xứng với tiềm năng, nhu cầu và thế mạnh của mỗi bên. Hiện nay, trái cây Việt Nam vẫn chủ yếu xuất khẩu sang Trung Quốc qua đường biên mậu nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường một số địa phương khu vực phía Nam, Đông Nam Trung Quốc và các tỉnh gần kề với Việt Nam.
Đối với các địa phương khác thì sự xuất hiện của các sản phẩm trái cây Việt Nam còn khá khiêm tốn; trong khi nhu cầu tiêu thụ trái cây của thị trường Trung Quốc rất lớn và khả năng cung ứng trái cây đặc sản, chất lượng cao của Việt Nam rất dồi dào. Cùng với đó là lợi thế về các Hiệp định thương mại song phương và đa phương mà hai nước cùng là thành viên, cùng vị trí địa lý, thuận lợi cho việc vận chuyển.
Do đó, hiện còn dư địa rất lớn cho các doanh nghiệp kinh doanh trái cây của hai nước khai thác, phát huy.
Mặc dù mới được tổ chức lần đầu, song lễ hội đã thu hút, quy tụ nhiều doanh nghiệp xuất khẩu lớn trái cây tươi và sản phẩm chế biến từ trái cây của Việt Nam đến trưng bày, giới thiệu sản phẩm và phục vụ người tiêu dùng Trung Quốc.
Trong khuôn khổ lễ hội này sẽ diễn ra các hoạt động giao thương trực tiếp giữa các doanh nghiệp Việt Nam và nhà nhập khẩu, phân phối trái cây Trung Quốc; Chương trình trải nghiệm sản phẩm và tọa đàm về tiềm năng xuất khẩu trái cây Việt Nam.
Đây là cơ hội tốt để các nhà sản xuất, cung ứng của Việt Nam giới thiệu, quảng bá thương hiệu, hình ảnh sản phẩm trái cây tiêu biểu, cũng như gặp gỡ, tìm kiếm khách hàng, tăng cường hoạt động giao thương, tạo dựng mối quan hệ hợp tác bền vững với các đối tác tiềm năng về nhập khẩu trái cây tại Trung Quốc.
Đồng thời, là dịp thuận lợi để đông đảo người tiêu dùng Trung Quốc có cơ hội trải nghiệm trực tiếp chất lượng và hương vị đặc trưng, khác biệt của các loại trái cây Việt Nam, nhất là đối với người tiêu dùng tại Thủ đô Bắc Kinh và các địa phương phía Bắc Trung Quốc - nơi chưa có điều kiện tiếp cận thường xuyên với trái cây chất lượng cao của Việt Nam, từ đó giúp quảng bá thương hiệu quốc gia cho nông sản nói chung và trái cây nói riêng của Việt Nam đến với thị trường Trung Quốc.
Theo Phó Vụ trưởng Vụ châu Á (Bộ Thương mại Trung Quốc) Lý Ngạn, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu trái cây, rau quả lớn nhất của Việt Nam. Năm 2023, xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang Trung Quốc chiếm tới 21% tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam ra toàn thế giới.
Với nỗ lực chung của hai bên, các loại trái cây chất lượng cao của Việt Nam như sầu riêng, thanh long, chuối, xoài đã có mặt trên thị trường Trung Quốc, đồng thời các sản phẩm thực phẩm sản xuất tại Việt Nam như cà phê, phở cũng được rất nhiều người tiêu dùng Trung Quốc ưa chuộng.
Cùng với việc triển khai toàn diện của Hiệp định RCEP cũng như việc liên tục nâng cấp Hiệp định thương mại tự do Trung Quốc - ASEAN, hợp tác giữa hai nước về công nghệ, tiêu chuẩn, sản xuất nông nghiệp ngày càng phát triển theo hướng sâu rộng hơn.
"Đây là lần đầu tiên Việt Nam tổ chức sự kiện quảng bá trái cây tại Bắc Kinh. Hy vọng các doanh nghiệp Việt Nam sẽ tận dụng tốt cơ hội này, tích cực tìm hiểu thị trường Trung Quốc", Phó Vụ trưởng Vụ châu Á, Bộ Thương mại Trung Quốc bày tỏ mong muốn và hy vọng, người dân Bắc Kinh sẽ nắm bắt cơ hội hiếm có này, để thưởng thức trái cây thơm ngon Việt Nam và giới thiệu hương vị trái cây độc đáo này cho bạn bè, người thân.
"Sự kiện này cũng sẽ là tiền đề, kinh nghiệm để tổ chức các lễ hội chuyên ngành thường xuyên hơn và không chỉ ở Bắc Kinh, mà còn ở các địa phương khác của Trung Quốc nhằm kết nối, mở rộng xuất khẩu trái cây Việt Nam sang thị trường rộng lớn này", Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh và đề xuất, các cơ quan chức năng của Trung Quốc tiếp tục phối hợp, tạo điều kiện thuận lợi về kiểm dịch, thông quan hàng hóa và giải quyết các vấn đề liên quan đến chính sách kinh tế, thương mại song phương giữa 2 nước, tạo thuận lợi cho hoạt động hợp tác, giao thương giữa cộng đồng doanh nghiệp hai nước.
Đặc biệt, Trung Quốc tiếp tục mở cửa thị trường, mở rộng danh mục các loại trái cây, nông sản của Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch vào thị trường này để góp phần lan tỏa mạnh mẽ hơn những hương vị trái cây độc đáo, thơm ngon của Việt Nam đến bạn bè, người tiêu dùng Trung Quốc, theo Hải quan online.
8 tháng đầu năm 2024, kim ngạch thương mại song phương giữa Trung Quốc và Việt Nam đạt gần 170 tỷ USD, tăng gần 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Trung Quốc là thị trường xuất khẩu trái cây, rau quả lớn nhất của Việt Nam. Năm 2023, xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang Trung Quốc chiếm tới 21% tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam ra toàn thế giới.
KHÁNH LINH (t/h)