Khẳng định vị thế sản phẩm nông nghiệp chủ lực
Mặc dù làm việc theo chế độ kiêm nhiệm, song có thể nói: Ban điều hành (BĐH) Sản xuất, chế biến và tiêu thụ các sản phẩm hàng hóa nông nghiệp (NN) chủ lực của tỉnh chính là nơi tập trung trí tuệ, đảm nhiệm trọng trách xây dựng, khẳng định, nâng tầm sản phẩm NN chủ lực của tỉnh.
Năm 2018, UBND tỉnh ban hành danh mục sản phẩm NN chủ lực. Đây là những sản phẩm có vị trí chiến lược trong phát triển kinh tế của tỉnh, khả năng cung ứng ra thị trường với khối lượng lớn, năng lực cạnh tranh cao. Có thể kể đến cam Sành, chè Shan tuyết, cây ăn quả ôn đới (hồng, lê, mận); lúa gạo chất lượng cao, cây ngô, lạc; thảo quả, dược liệu các loại. Đặc biệt, tại 4 huyện vùng cao: Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc có sản phẩm đặc trưng Mật ong Bạc hà. Các huyện: Bắc Quang, Quang Bình, Vị Xuyên và Bắc Mê, cây gỗ keo phát triển mạnh, hướng tới mục tiêu xuất khẩu khi thực hiện xây dựng vùng nguyên liệu bền vững theo tiêu chuẩn FSC của Hội đồng quản trị rừng thế giới. Ngoài ra, các huyện, thành phố còn phát triển một số vật nuôi hàng hóa chủ lực, như: Bò, trâu, lợn, dê và gia cầm.
Để phát triển các sản phẩm hàng hóa NN chủ lực một cách khoa học và bài bản, tháng 9.2019, UBND tỉnh ban hành Quyết định thành lập BĐH và kiện toàn lại vào tháng 8.2020. BĐH do đồng chí Hà Thị Minh Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban và sự tham gia của một số sở, ngành, UBND 11 huyện, thành phố. BĐH ra đời đã tham mưu giúp UBND tỉnh lãnh, chỉ đạo, theo dõi tổng thể mọi hoạt động liên quan đến công tác sản xuất, chế biến, tiêu thụ các sản phẩm hàng hóa NN chủ lực của tỉnh. Đồng thời, cho ý kiến đề xuất giải quyết những vướng mắc về cơ chế, chính sách; đôn đốc, kiểm tra, giám sát, đánh giá việc tổ chức thực hiện và chỉ đạo sự phối hợp giữa các cấp, ngành, đơn vị.
Phát huy vai trò, trách nhiệm của mình, Sở Nông nghiệp và PTNT đã rà soát quy hoạch và chỉ đạo thực hiện phát triển vùng nguyên liệu sản phẩm NN phục vụ sản xuất, chế biến và tiêu thụ; sản xuất NN theo chuỗi giá trị; thẩm định các dự án liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm NN… Sở Khoa học và Công nghệ tiến hành đăng ký nhãn hiệu, quyền sở hữu trí tuệ, truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Chủ động xây dựng và thực hiện các chương trình, dự án bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, đăng ký nhãn hiệu cho các sản phẩm NN đặc sản theo Đề án tái cơ cấu ngành NN thuộc lĩnh vực quản lý. Sở Kế hoạch và Đầu tư triển khai xúc tiến thu hút đầu tư, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Sở Y tế hỗ trợ, hướng dẫn các doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) gắn kiểm tra, kiểm soát quá trình sản xuất, chế biến, kinh doanh các sản phẩm từ dược liệu… Đặc biệt, UBND các huyện, thành phố đã có những hoạt động tích cực trong triển khai nhiệm vụ, từ sản xuất đến quảng bá, tiêu thụ sản phẩm.
Chỉ trong quý III năm 2020, BĐH đã tập trung tham mưu UBND tỉnh ban hành Đề án phát triển cây cam và cây ăn quả có múi bền vững tỉnh Hà Giang giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030; trình UBND tỉnh ban hành Quy chế quản lý và sử dụng chỉ dẫn địa lý “Mèo Vạc” dùng cho sản phẩm Mật ong Bạc hà tỉnh Hà Giang… Trong triển khai các nhiệm vụ sản xuất, BĐH đã bám sát định hướng tại Đề án tái cơ cấu ngành NN của tỉnh: Hoàn thành việc xây dựng kế hoạch duy trì sản xuất cam, chè VietGAP. Tổ chức thành công 12 lớp tập huấn, hướng dẫn cán bộ quản lý cấp huyện, xã, tổ sản xuất, HTX tại các huyện: Vị Xuyên, Bắc Quang, Quang Bình, Hoàng Su Phì và Xín Mần cách khai thác, sử dụng phần mềm VN 2000 để quản lý cam, chè đã được cấp chứng nhận VietGAP, hữu cơ. Ngoài ra, BĐH còn tiến hành khảo sát các cơ sở nuôi ong, sơ chế, chế biến Mật ong Bạc hà tại 4 huyện vùng cao để cấp giấy chứng nhận VietGAPHP, HACCP. Hướng dẫn 12 HTX sản xuất hoàn thiện hồ sơ pháp lý cho các sản phẩm đăng ký đưa vào chuỗi siêu thị Vinmart tiêu thụ…
Đi liền với sản xuất, trong chế biến và tiêu thụ sản phẩm, BĐH chủ động triển khai các hoạt động khuyến công quốc gia và địa phương, hỗ trợ doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất nâng cao năng lực sản xuất. Trong đó, 11 đề án khuyến công sau nghiệm thu đã triển khai ký kết để thực hiện, như: Đề án hỗ trợ ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến trong chế biến chè xanh chất lượng cao và sản xuất các sản phẩm từ gỗ rừng trồng… Song song với kết quả trên, BĐH tiếp tục duy trì hoạt động tại các Điểm trưng bày, quảng bá, giới thiệu sản phẩm nông sản của tỉnh (tại cầu Trì, huyện Bắc Quang và số 68, Hàng Bông, Hà Nội); cập nhật thông tin sản phẩm đăng tải trên sàn giao dịch thương mại điện tử, website... giới thiệu về các sản phẩm đặc trưng, tiêu biểu của tỉnh. Không những vậy, trong sản xuất đã hình thành liên kết chuỗi giá trị sản phẩm để phát triển NN bền vững, tạo đầu ra ổn định cho người nông dân. Đơn cử như: Sản phẩm OCOP Dầu lạc bà Miến của HTX Nông sản Dầu lạc Đồng Yên, xã Đồng Yên (Bắc Quang) được tiêu thụ tại hệ thống Siêu thị VinMart. Rượu ngô men lá của HTX Gia Hoàng, xã Cán Chu Phìn (Mèo Vạc) được liên kết tiêu thụ tại Siêu thị Big C Thăng Long, các nhà hàng, khách sạn trong và ngoài tỉnh. Riêng sản phẩm chè đen, chè vàng của HTX Chế biến nông, lâm sản Hòa An, xã Phương Độ và Công ty TNHH Phương Nam, phường Nguyễn Trãi (thành phố Hà Giang) đã đáp ứng yêu cầu về chất lượng để xuất khẩu.
Từ kết quả trên có thể thấy, các sản phẩm NN hàng hóa chủ lực của tỉnh đã, đang có chiến lược bài bản để phát triển bền vững, thông qua hoạt động tích cực của BĐH. Đặc biệt, theo công bố của Bộ Nông nghiệp và PTNT, công tác quản lý an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản năm 2019 của tỉnh xếp thứ 14/16 tỉnh, thành phố của cả nước, đứng thứ 3 khu vực các tỉnh phía Bắc và nằm trong tốp đầu các địa phương triển khai tốt. Điều này một lần nữa chứng minh uy tín, sức cạnh tranh của sản phẩm nông, lâm, thủy sản nói chung, sản phẩm chủ lực của tỉnh nói riêng trên thị trường.
Bài, ảnh: THU PHƯƠNG