Khẳng định vị thế tiên phong trong tiến trình gia nhập và hội nhập ASEAN

Ngày 28/7/1995, Việt Nam chính thức trở thành thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Đây là bước ngoặc lịch sử, là bậc thang đầu tiên để Việt Nam hội nhập với thế giới.

Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm (thứ hai, từ phải sang), Tổng Thư ký ASEAN và các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN tại cuộc họp kết nạp Việt Nam trở thành thành viên chính thức thứ bảy của ASEAN, ngày 28/7/1995, tại Thủ đô Bandar Seri Begawan (Brunei). Ảnh: Trần Sơn – TTXVN

Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm (thứ hai, từ phải sang), Tổng Thư ký ASEAN và các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN tại cuộc họp kết nạp Việt Nam trở thành thành viên chính thức thứ bảy của ASEAN, ngày 28/7/1995, tại Thủ đô Bandar Seri Begawan (Brunei). Ảnh: Trần Sơn – TTXVN

Bên cạnh tiến trình tham gia ASEAN, quan hệ hợp tác kinh tế giữa Việt Nam với các đối tác cũng không ngừng được mở rộng, tạo cơ sở để Việt Nam hội nhập cả về kinh tế và chính trị ở các cấp độ khác từ đa phương, khu vực đến song phương với dấu ấn là việc tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới với tiêu chuẩn cao nhất như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) hay Hiệp định Việt Nam - EU (EVFTA).

Đánh giá về thành tựu sau 30 năm Việt Nam gia nhập ASEAN, lãnh đạo Vụ chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cho biết: Kể từ khi chính thức gia nhập ASEAN năm 1995, Việt Nam đã có những bước tiến mạnh mẽ trong tiến trình hội nhập kinh tế khu vực. Trong hành trình đó, Bộ Công Thương giữ vai trò nòng cốt và xuyên suốt, là cơ quan chủ trì tham mưu chính sách, đàm phán, ký kết và thực thi các cam kết trong khuôn khổ Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) và các Hiệp định thương mại tự do giữa ASEAN với các đối tác. Đóng góp của Bộ Công Thương đã góp phần quan trọng vào việc nâng cao vị thế và năng lực hội nhập của Việt Nam trong ASEAN.
Theo phân công của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương là đầu mối của Việt Nam trong Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC); trong đó, quan trọng nhất là việc triển khai Kế hoạch tổng thể xây dựng AEC năm 2015, năm 2025 và giai đoạn hậu 2025.
Để thực hiện các mục tiêu của Cộng đồng AEC, Bộ Công Thương đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan đàm phán và thực thi nhiều hiệp định, văn kiện của trụ cột kinh tế ASEAN; trong đó, cốt lõi nhất là Chương trình thuế quan ưu đãi có hiệu lực chung (CEPT) thực hiện Khu vực mậu dịch tự do ASEAN (AFTA) và sau đó là Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN (ATIGA) vào năm 2010.
Có thể nói, trong các FTA mà ta đã tham gia, AFTA là một trong những khuôn khổ mà Việt Nam có mức độ cắt giảm thuế nhập khẩu cao nhất. So với thời điểm chính thức gia nhập ASEAN, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và khu vực ASEAN đã tăng hơn 25 lần từ 3,26 tỷ USD năm 1995 lên gần 84 tỷ USD trong năm 2024, trong đó kim ngạch xuất khẩu là 37 tỷ USD và kim ngạch nhập khẩu là gần 47 tỷ USD.
Cơ cấu xuất khẩu của Việt Nam sang ASEAN có chuyển biến theo chiều hướng tích cực, nâng cấp cả về chất lượng và giá trị gia tăng. Từ những mặt hàng nông sản sơ chế và nguyên nhiên liệu như gạo, cà phê, cao su, dầu thô có hàm lượng chế tác thấp, Việt Nam đã xuất khẩu nhiều mặt hàng tiêu dùng, hàng công nghiệp như linh kiện máy tính, dệt may, nông sản chế biến, mỹ phẩm với giá trị cao và ổn định.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cùng Trưởng đoàn các nước tham dự Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN hẹp lần thứ 30 (AEMR -30), tại Luang Prabang, Bắc Lào (2024). Ảnh: Phạm Kiên - TTXVN

Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cùng Trưởng đoàn các nước tham dự Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN hẹp lần thứ 30 (AEMR -30), tại Luang Prabang, Bắc Lào (2024). Ảnh: Phạm Kiên - TTXVN

Tiếp sau lĩnh vực thương mại hàng hóa, ASEAN cũng chú trọng đến các lĩnh vực khác như thương mại dịch vụ, đầu tư, sở hữu trí tuệ… và gần đây là lĩnh vực mới nổi như kinh tế số, cạnh tranh… để lần lượt đàm phán, xây dựng nên các thỏa thuận nội khối của ASEAN trong các lĩnh vực này (như Hiệp định khung ASEAN về Dịch vụ (AFAS) ký kết năm 1995, sau này là Hiệp định Thương mại Dịch vụ ASEAN (ATISA) ký kết năm 2019, Hiệp định Đầu tư toàn diện ASEAN (ACIA) ký kết năm 2009, Hiệp định khung về cạnh tranh ASEAN (ACFA) vừa đàm phán xong, Hiệp định khung về Kinh tế số ASEAN (DEFA) đang đàm phán…). Qua đó, thúc đẩy hợp tác và cam kết nội khối của các nước ASEAN trong các lĩnh vực trên.

Với vai trò Bộ chủ trì Trụ cột Kinh tế ASEAN, Bộ Công Thương là cơ quan điều phối và trực tiếp tham gia đàm phán, ký kết các hiệp định trên cũng như việc triển khai thực thi các hiệp định này. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng đóng vai trò chủ trì khi Việt Nam tham gia đàm phán các FTA giữa ASEAN và các đối tác như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Australia – New Zealand và gần đây là Hiệp định RCEP. Việc ký kết Hiệp định RCEP được đánh giá là hiệp định thương mại tự do lớn nhất thế giới về quy mô trong năm Việt Nam làm Chủ tịch ASEAN 2020 là minh chứng cho vai trò chủ động của Bộ Công Thương trong thúc đẩy liên kết khu vực sâu rộng hơn. Theo lãnh đạo Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan trong thực thi các điều ước quốc tế trong khuôn khổ ASEAN, qua đó thúc đẩy cải cách các quy định pháp luật trong nước, đặc biệt trong các lĩnh vực quản lý thương mại, hải quan, quy tắc xuất xứ, và tiêu chuẩn kỹ thuật. Một số sáng kiến mang tính đột phá nhằm đơn giản hóa thủ tục thương mại, tăng cường minh bạch và thuận lợi hóa thương mại nội khối có thể kể đến là việc triển khai Cơ chế Một cửa ASEAN (ASW), thực hiện Chương trình Tự chứng nhận Toàn ASEAN (AWSC) với các nhà xuất khẩu được phê duyệt... Bên cạnh đó, Bộ Công Thương đã triển khai nhiều chương trình hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong việc tận dụng các ưu đãi thuế quan và tiếp cận thị trường ASEAN. Ngoài ra, Bộ cũng thúc đẩy hợp tác khu vực về công nghiệp, thương mại điện tử, logistics, đổi mới sáng tạo, góp phần định vị Việt Nam trong các chuỗi giá trị khu vực. Lãnh đạo Vụ Chính sách thương mại đa biên cho hay: Từ góc độ của Bộ Công Thương, ASEAN là một trong những trụ cột quan trọng trong chiến lược hội nhập kinh tế của Việt Nam. ASEAN không chỉ là thị trường gần gũi, dễ tiếp cận, mà còn là “bệ phóng” để Việt Nam từng bước vươn ra các sân chơi kinh tế lớn hơn. Việc tham gia sâu rộng của Việt Nam vào AEC đã góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao sức cạnh tranh của ngành hàng xuất khẩu, cũng như đẩy nhanh tiến trình cải cách trong nước. "Với vai trò chủ lực trong hội nhập kinh tế ASEAN, Bộ Công Thương đã và đang khẳng định vị thế là cơ quan tiên phong trong thúc đẩy hội nhập kinh tế khu vực, phù hợp với chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước. Trong giai đoạn tới, Bộ sẽ tiếp tục chủ động, linh hoạt trong ứng phó với bối cảnh địa chính trị và kinh tế thế giới nhiều biến động, đẩy mạnh các nội dung như chuyển đổi số, phát triển xanh, kết nối chuỗi cung ứng nội khối và nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt Nam", lãnh đạo Vụ Chính sách thương mại đa biên nhấn mạnh.

Uyên Hương/Bnews/vnanet.vn

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/khang-dinh-vi-the-tien-phong-trong-tien-trinh-gia-nhap-va-hoi-nhap-asean/381994.html