Kháng insulin ảnh hưởng đến sinh sản của phụ nữ, điều trị thế nào?
Béo phì là yếu tố chính thúc đẩy kháng insulin và tăng insulin máu. Béo phì cũng là yếu tố liên quan đến rối loạn kinh nguyệt, giảm khả năng sinh sản...
1. Kháng insulin là gì?
ThS.BS Vũ Thị Hiền Trinh – Khoa Nội tiết sinh sản, BV Nội tiết Trung ương cho biết, kháng insulin là tình trạng các tế bào trong cơ thể bị giảm đáp ứng với tác dụng của hormone insulin, đặc biệt là các tế bào ở mô cơ và mô mỡ.
Tuy nhiên, cơ thể vẫn cần năng lượng từ glucose để hoạt động, do đó tuyến tụy sẽ hoạt động bù trừ với sự kháng insulin bằng cách sản xuất ra thêm insulin để tăng đưa đường từ máu vào tế bào. Từ đó dẫn đến insulin trong máu tăng quá mức, kích thích lên các mô vẫn còn nhạy cảm với insulin, đồng thời lượng glucose trong máu vẫn cao, do không được vận chuyển vào trong tế bào và gây ra nhiều hậu quả khác nhau.
Tình trạng trái ngược vừa tăng insulin máu vừa kháng insulin sẽ tác động lên quá trình chuyển hóa lipid của cơ thể dấn đến các bất lợi: Tăng triglycerides, LDL (cholesterol có hại) và giảm HDL (cholesterol có lợi). Ngoài ra, kháng insulin còn làm tăng nguy cơ hình thành huyết khối, sản sinh các phản ứng viêm, tăng giữ muối dẫn đến tăng huyết áp.
Kháng insulin không phải là một bệnh lý riêng biệt mà nó là tình trạng rối loạn chuyển hóa có thể đi kèm với các các bệnh lý khác như tim mạch, tăng huyết áp, đái tháo đường type 2, béo phì, hội chứng buồng trứng đa nang… Kháng insulin có thể là yếu tố nguy cơ gây nên các bệnh lý trên và cũng góp phần thúc đẩy các tình trạng bệnh lý trên nặng hơn.
2. Mối liên quan giữa kháng insulin và buồng trứng đa nang
Theo ThS.BS Hiền Trinh, kháng insulin hay hội chứng rối loạn trao đổi chất là một trong những nguyên nhân gây buồng trứng đa nang. Bệnh có thể ảnh hưởng đến khả năng mang thai tự nhiên của phụ nữ và tăng nguy cơ mắc nhiều chứng bệnh nguy hiểm khác.
Buồng trứng đa nang là một hội chứng chuyển hóa với đặc điểm là cường androgen (là một nội tiết nam, cả nam và nữ có thể sản xuất nội tiết này, nhưng khi ở nữ giới tiết ra quá nhiều sẽ gây hội chứng buồng chứng đa nang) dẫn đến kỳ kinh bất thường và trứng không phóng noãn. Tình trạng này nếu không được được điều trị sớm có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe, đặc biệt là khả năng sinh sản.
Khi cơ thể kháng insulin, nghĩa là các mô có sự đề kháng với những tác động của insulin, khiến khả năng sử dụng insulin của cơ thể bị gián đoạn. Lượng insulin dư thừa sẽ làm tăng sản xuất androgen, cản trở các nang trứng phát triển, giảm khả năng rụng trứng của buồng trứng, tác động xấu đến sức khỏe của người bệnh.
Hầu hết phụ nữ bị đa nang buồng trứng sẽ bị kháng insulin, trong đó có tới 74% giảm khả năng sinh sản, 40% cần hỗ trợ y tế.
Ngoài tình trạng buồng trứng đa nang không phóng noãn dẫn đến không thụ thai, thì việc tăng insulin máu còn gây bất lợi chức năng, môi trường nội mạc tử cung làm rối loạn quá trình làm tổ hoặc gây sảy thai sớm.
3. Điều trị kháng insulin sẽ cải thiện khả năng mang thai
Khi kháng insulin là nguyên nhân dẫn đến giảm khả năng sinh sản của phụ nữ, thì việc điều trị nguyên nhân là yếu tố quan trọng nhất.
Theo ThS. Hiền Trinh, việc cân bằng dinh dưỡng, giảm cân là biện pháp can thiệp đầu tiên đối với kháng insulin. Bệnh nhân cần thực hiện chế độ ăn cân bằng năng lượng đưa vào, giới hạn chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa, giới hạn đường đơn, muối và tăng cường chất xơ, bổ sung đủ protein... kết hợp tăng cường hoạt động thể lực và dùng thuốc metformin.
Các nghiên cứu can thiệp kháng insulin trong hỗ trợ sinh sản tại một số quốc gia, khi điều trị kháng insulin ổn định với thuốc metformin cho thấy, tỉ lệ mang thai và sinh con khỏe mạnh cao. Ví dụ, nghiên cứu tại Phần Lan với 320 phụ nữ có kháng insulin được sử dụng metformin và giả dược. Kết quả cho thấy tỉ lệ mang thai sinh con khỏe mạnh ở nhóm dùng metformin là 41,9% so với 28,8% nhóm giả dược, ThS. Hiền Trinh cho hay.
Metformin là thuốc điều trị đái tháo đường (đường uống), được lựa chọn đầu tay trong các khuyến nghị của Hiệp hội đái tháo đường Hoa Kỳ (ADA) và Hiệp hội nghiên cứu đái tháo đường châu Âu (EASD). Thuốc có tác dụng hạ đường huyết chủ yếu do làm giảm sản xuất glucose ở gan, giảm đề kháng insulin.
Tuy nhiên, cần cảnh giác với tác dụng phụ nhiễm toan lactic của thuốc. Các nguy cơ khác của thuốc ảnh hưởng trên hệ tiêu hóa như: Khó tiêu hoặc tiêu chảy có liên quan đến liều lượng sử dụng. Để hạn chế tình trạng này có thể kê từ liều thấp tăng dần đến liều cao có hiệu quả tối đa. Ngừng thuốc nếu gặp tiêu chảy, nôn. Bệnh nhân cũng cần được theo dõi chức năng thận định kỳ.