Khánh Cư in dấu chân Người

Xã Khánh Cư (Yên Khánh) không chỉ được biết đến là vùng đất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa mà còn là địa phương vinh dự được đón Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm. Sự kiện lịch sử ý nghĩa ấy đã trở thành nguồn động lực to lớn, thôi thúc Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân xã Khánh Cư không ngừng nỗ lực, kiến tạo một diện mạo mới, ngày càng khang trang, giàu đẹp.

Cánh đồng Chằm, xã Khánh Cư (Yên Khánh)-nơi Bác Hồ về thăm, chỉ đạo chống hạn tháng 3/1959. Ảnh: Huy Hoàng

Cánh đồng Chằm, xã Khánh Cư (Yên Khánh)-nơi Bác Hồ về thăm, chỉ đạo chống hạn tháng 3/1959. Ảnh: Huy Hoàng

Cách đây 66 năm, vào ngày 15/3/1959, Bác Hồ đã về thăm, động viên cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân Khánh Cư đào mương chống hạn và chăm sóc lúa chiêm xuân tại cánh đồng Chằm. Hình ảnh giản dị, gần gũi của Người khi xắn quần, lội ruộng, ân cần thăm hỏi, động viên, khích lệ bà con nông dân hăng hái làm thủy lợi, chống hạn cứu lúa đã khắc sâu trong tâm trí nhiều người dân Khánh Cư.

Lời căn dặn ân cần của Bác: “Phải cố gắng làm thủy lợi để cứu lấy hàng vạn mẫu lúa và cày hết số diện tích còn lại” không chỉ truyền cảm hứng mạnh mẽ mà còn trở thành kim chỉ nam hành động, thúc đẩy cán bộ và Nhân dân trong xã hăng hái thi đua làm thủy lợi. Nhờ sự đồng lòng, chung sức đó, Khánh Cư đã cơ bản đảm bảo nước cho vụ chiêm xuân năm ấy, trở thành điểm sáng, đơn vị tiêu biểu, xuất sắc trong phong trào chống hạn của tỉnh.

Phát huy truyền thống đoàn kết, tinh thần tự lực, tự cường và thấm nhuần lời dạy của Bác, Đảng bộ và Chính quyền xã Khánh Cư đã lãnh đạo Nhân dân vượt qua khó khăn, thử thách, tập trung phát triển kinh tế-xã hội, đưa xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao với nhiều kết quả ấn tượng.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, xã đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. Những cánh đồng lúa trĩu hạt, các mô hình kinh tế trang trại, gia trại phát triển đa dạng, mang lại thu nhập ổn định cho người dân. Từ những vùng đất năng suất thấp, nay đã trở thành những cánh đồng thâm canh, cho năng suất ổn định. Đặc biệt, địa phương đã chú trọng xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp, hướng đến thị trường tiêu thụ bền vững.

Đến hết năm 2024, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 76 triệu đồng/người; giá trị sản phẩm trồng trọt và nuôi trồng thủy sản trên 1 ha canh tác đạt 165 triệu đồng, vượt xa so với mục tiêu đề ra. Bên cạnh đó, Khánh Cư còn chú trọng phát triển các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ. Nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh được thành lập, tạo thêm việc làm và tăng thu nhập cho người dân, thúc đẩy các hoạt động thương mại, dịch vụ phát triển sôi động trên địa bàn xã.

Cùng với phát triển kinh tế, lĩnh vực văn hóa-xã hội cũng có những bước tiến đáng kể, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Hệ thống trường học các cấp được đầu tư xây dựng khang trang, đáp ứng tốt nhu cầu dạy và học. Đặc biệt, 3/3 trường học trên địa bàn xã đều duy trì đạt chuẩn quốc gia mức độ 2; Trạm y tế xã được nâng cấp, trang thiết bị hiện đại hơn, đội ngũ y bác sĩ tận tâm, nhiệt tình chăm sóc sức khỏe cho người dân.

Các thiết chế văn hóa như nhà văn hóa, sân vận động được xây dựng, trở thành nơi sinh hoạt cộng đồng, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho Nhân dân. Việc quan tâm đến đời sống văn hóa, tinh thần của người dân đã mang lại những kết quả tích cực. Năm 2024, toàn xã có 1.845/1.939 hộ gia đình đạt danh hiệu Gia đình văn hóa (95,2%). Tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo của xã còn 1,6% và 1,54%.

Cùng với tập trung phát triển kinh tế-xã hội, Đảng bộ xã Khánh Cư luôn chú trọng công tác xây dựng Đảng, củng cố hệ thống chính trị vững mạnh. Năm 2024, xã đã kết nạp 21 đảng viên mới (đạt 105% kế hoạch), có 89,1% đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên và 100% chi bộ hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên. Sự vững mạnh của Đảng bộ đã tạo nền tảng chính trị ổn định, giữ vững an ninh trật tự, tạo môi trường thuận lợi để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội bền vững.

Đặc biệt, Khánh Cư luôn chú trọng công tác bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, trong đó có những di tích lịch sử gắn với sự kiện Bác Hồ về thăm. Mới đây, xã đã phối hợp với Ban Tuyên giáo và Dân vận Huyện ủy Yên Khánh tổ chức hội nghị xin ý kiến tham vấn để xác định tên, vị trí đặt biển tại nơi Bác Hồ thăm, động viên và tham gia chống hạn tại cánh đồng Chằm.

Các địa điểm này được gìn giữ, tôn tạo, trở thành những “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ, nhắc nhở các thế hệ mai sau về sự quan tâm sâu sắc của Bác đối với Nhân dân, làm sống động tấm gương Chủ tịch Hồ Chí Minh, thúc đẩy mạnh mẽ phong trào học tập và làm theo lời Bác.

Đồng chí Vũ Xuân Sơn, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Khánh Cư chia sẻ: “Chúng tôi luôn tự hào về lịch sử của quê hương mình, đặc biệt là sự kiện Bác Hồ về thăm. Đây là niềm vinh dự lớn lao, đồng thời cũng là trách nhiệm để chúng tôi nỗ lực hơn nữa trong công cuộc xây dựng và phát triển quê hương. Trong thời gian tới, xã sẽ tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế theo hướng bền vững, nâng cao đời sống người dân, đồng thời giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, xứng đáng với niềm tin và sự kỳ vọng của Bác”.

Kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh là dịp Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân xã Khánh Cư thể hiện tấm lòng kính yêu Bác; ra sức học tập, lao động, công tác, xây dựng quê hương Khánh Cư ngày càng giàu đẹp, văn minh, góp phần vào sự phát triển chung của tỉnh Ninh Bình; quyết tâm đưa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trở thành hành động tự giác, thường xuyên của mỗi cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể và lan tỏa sâu rộng trong đời sống xã hội.

Kiều Ân

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/khanh-cu-in-dau-chan-nguoi-643975.htm