Nữ anh hùng Ngô Thị Tuyển và ký ức những lần gặp Bác Hồ

Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân Ngô Thị Tuyển, người con ưu tú của Thanh Hóa, mãi khắc ghi những lần được gặp Bác Hồ và lời dạy ân cần của Bác đã trở thành nguồn sức mạnh tinh thần to lớn để bà cống hiến suốt cuộc đời.

Từ chiến trường Hàm Rồng khói lửa, người con gái Thanh Hóa Ngô Thị Tuyển (SN 1946) đã đi vào lịch sử như một biểu tượng anh hùng với kỳ tích vác gần 100kg đạn tiếp tế cho bộ đội, trong khi bản thân bà chỉ nặng 42kg, không chỉ thể hiện sức mạnh phi thường mà còn là minh chứng cho tinh thần quả cảm của phụ nữ Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Với những cống hiến xuất sắc, bà vinh dự được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân và nhận Huy hiệu Bác Hồ cùng nhiều phần thưởng cao quý khác, xứng đáng là hình ảnh tiêu biểu của lực lượng dân quân Thanh Hóa trong kháng chiến chống Mỹ.

Gần 90 tuổi, nữ Anh hùng LLVTND Ngô Thị Tuyển vẫn khắc ghi từng khoảnh khắc trong ba lần được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh. Những cuộc gặp gỡ ấy là ký ức thiêng liêng, ngọn lửa soi đường cho cả cuộc đời cống hiến của bà.

Nữ anh hùng Ngô Thị Tuyển được gặp Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong Đại hội Anh hùng Chiến sĩ thi đua toàn quốc lần thứ IV tại Hà Nội (Ảnh nhân vật cung cấp)

Nữ anh hùng Ngô Thị Tuyển được gặp Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong Đại hội Anh hùng Chiến sĩ thi đua toàn quốc lần thứ IV tại Hà Nội (Ảnh nhân vật cung cấp)

Năm 1966, chiến công vác đạn tại Hàm Rồng không chỉ mang về cho bà Huy hiệu Bác Hồ - phần thưởng thiêng liêng nhất trong lòng người nữ dân quân, mà còn là dấu mốc kết nạp Đảng. Không lâu sau, bà vinh dự tham dự Đại hội Anh hùng Chiến sĩ thi đua toàn quốc lần thứ IV tại Hà Nội, đánh dấu lần đầu tiên bà được gặp Bác Hồ.

Ấn tượng về Bác trong bà không phải là một vị lãnh tụ nghiêm trang mà là hình ảnh một người cha già gần gũi, giản dị và ấm áp. Bà xúc động nhớ lại: "Trong giờ nghỉ, Bác đến ngồi cạnh tôi, ân cần hỏi han về gia đình, sức khỏe và phong trào dân quân tự vệ ở quê nhà. Bác hỏi rất kỹ và lắng nghe chăm chú." Sự quan tâm chân thành của Bác đã để lại dấu ấn sâu sắc trong trái tim người con gái Thanh Hóa.

Bà kể thêm về sự giản dị của Bác khi Người chỉ mặc áo mỏng trong trời lạnh. Câu hỏi lo lắng của bà: "Bác ơi, Bác mặc vậy có lạnh không ạ?" đã nhận được nụ cười hiền hậu cùng lời giải thích ấm áp: "Bác có mặc áo len bên trong nên không rét đâu, con ạ." Chính sự giản dị ấy đã gieo vào lòng bà niềm kính phục sâu sắc.

Cũng trong lần gặp đầu tiên ấy, Bác đã hỏi một câu khiến cả hội trường lặng đi: “Ai biết ‘Hai chớ, Hai nên’ là gì nào?”. Không ai dám trả lời, bà Tuyển mạnh dạn đứng lên: “Thưa Bác, ‘Hai chớ’ là chớ chủ quan thỏa mãn, chớ xa rời quần chúng. ‘Hai nên’ là nên khiêm tốn học tập, nên gần gũi nhân dân”. Bác gật đầu, cười hiền, khen ngợi: “Tốt lắm!”. Đó là bài học đầu tiên bà nhận được trực tiếp từ Bác – một bài học mà bà mang theo suốt cả đời.

Ký ức những lần được gặp Bác Hồ luôn khắc sâu trong trái tim nữ anh hùng Ngô Thị Tuyển

Ký ức những lần được gặp Bác Hồ luôn khắc sâu trong trái tim nữ anh hùng Ngô Thị Tuyển

Lần gặp thứ hai diễn ra vào năm 1969, khi bà điều trị tại Hà Nội. Bà được đưa về nhà khách Bộ Quốc phòng để gặp lại Bác Hồ. Lần này, bà cảm nhận rõ sự yếu đi của Người. "Tôi thấy Bác đi chậm hơn, ánh mắt trầm hơn. Dù Người vẫn nở nụ cười, nhưng tôi linh cảm thấy sự khác thường," bà nghẹn ngào nhớ lại. Dù cuộc gặp ngắn ngủi, sự im lặng và dáng vẻ mệt mỏi của Bác lại càng khắc sâu vào tâm trí bà, cho bà cảm nhận rõ hơn sự hy sinh thầm lặng của vị lãnh tụ.

Ngày 2/9/1969, trong niềm tiếc thương vô hạn, bà Tuyển vinh dự được giao nhiệm vụ túc trực bên linh cữu Bác tại Quảng trường Ba Đình. Bà bồi hồi kể: "Chúng tôi được quán triệt không được khóc, phải giữ nghiêm lễ, phải biến đau thương thành hành động. Tôi đứng nghiêm, mặc quân phục, nhưng tim như bị bóp nghẹt." Lần đầu tiên đứng cạnh Bác, nhưng là bên linh cữu Người, là một thử thách lớn lao. Dưới ánh nến mờ, bà thầm hứa với Bác sẽ sống và hành động xứng đáng với niềm tin của Người.

Trở về quê hương sau tang lễ, hình ảnh Bác trong chiếc áo kaki cũ và đôi mắt hiền hậu vẫn luôn sống động trong tâm trí bà. Những bức ảnh chụp cùng Bác và các lãnh đạo Đảng được bà trân trọng lưu giữ, như những kỷ vật thiêng liêng.

Gần 60 năm đã trôi qua từ lần gặp đầu tiên ấy, nhưng với bà Tuyển, ký ức về Bác Hồ vẫn vẹn nguyên như ngày hôm qua. Dù tuổi cao, sức yếu, bà vẫn luôn mang trong mình tinh thần giản dị, khiêm tốn và sống vì cộng đồng – đúng như lời Bác dạy. Bà dặn con cháu phải sống tử tế, không quên cội nguồn, phải học hành, rèn luyện và gắn bó với nhân dân. Với bà, cách tốt nhất để tưởng nhớ Bác là sống đúng với những điều Người mong muốn ở mỗi người dân đất Việt.

Ba lần gặp Bác không chỉ là may mắn của một đời người, đó là ba lần được truyền lửa, được soi sáng bởi phẩm chất vĩ đại và tâm hồn bao la của một con người sống trọn vẹn cho dân tộc, với nữ Anh hùng Ngô Thị Tuyển, ngọn lửa ấy vẫn cháy mãi trong trái tim bà.

Thành Phan

Nguồn Công Lý: https://congly.vn/nu-anh-hung-ngo-thi-tuyen-va-ky-uc-nhung-lan-gap-bac-ho-479203.html