Khánh Hòa: Chủ động xả điều tiết nước đón lũ, cảnh báo sóng lớn trên biển

UBND tỉnh Khánh Hòa vừa có công văn khẩn gửi các địa phương về việc chủ động ứng phó với mưa lớn từ ngày 23 - 25/12 và chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông.

Nước lũ trên sông Cái Nha Trang. Ảnh tư liệu: Tiên Minh/TTXVN

Nước lũ trên sông Cái Nha Trang. Ảnh tư liệu: Tiên Minh/TTXVN

Theo đó, UBND tỉnh Khánh Hòa đề nghị các địa phương thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình diễn biến mưa lũ, diễn biến của áp thấp nhiệt đới, các nội dung chỉ đạo của UBND tỉnh để kịp thời thông báo, hướng dẫn người dân trên địa bàn chủ động các biện pháp ứng phó. Các địa phương bố trí lực lượng thực hiện trực gác tại các vùng trọng điểm, xung yếu (các ngầm, cầu, tràn...), tuyệt đối không để người dân đi lại trong các ngày mưa, lũ lớn, quản lý chặt chẽ các phương tiện ra khơi; chủ động thực hiện các phương án ứng phó, sơ tán người đến nơi an toàn, dự trữ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm, bảo đảm cung cấp cho các khu vực có nguy cơ bị cô lập, chia cắt do mưa lũ; tổ chức kiểm đếm thông báo cho các phương tiện đang hoạt động trên biển để chủ động phòng tránh…

Theo bản tin của Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Trung Bộ, từ ngày 23 - 25/12, trên các sông tỉnh Khánh Hòa có khả năng xuất hiện 1 đợt lũ, đỉnh lũ lớn nhất trên sông Dinh Ninh Hòa ở mức trên dưới báo động 2; trên sông Cái Nha Trang ở mức báo động 1 - 2. Trên các sông suối nhỏ (Hiền Lương, Đồng Điền, Tà Rục) xuất hiện 1 đợt lũ vừa. Độ sâu ngập lụt hạ lưu các sông phổ biến từ 0,3 - 0,7m, khu vực trũng thấp từ 1,0 - 1,5m. Cảnh báo người dân cần đề phòng ngập úng do mưa ở các vùng trũng thấp, trong đô thị, mưa lũ ảnh hưởng đến an toàn các hồ chứa trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa; nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở các xã vùng núi, khu vực xung yếu (đặc biệt tại thành phố Nha Trang, thành phố Cam Ranh và huyện Cam Lâm, đèo Cù Hin, Khánh Lê) trong những ngày tới.

Đối với áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông, ông Trần Văn Hưng, Phó Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Trung Bộ thông tin, hồi 7 giờ ngày 23/12, áp thấp nằm trên khu vực phía Tây Bắc Trường Sa, sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới cấp 7; giật cấp 9; di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc với tốc độ 10 km/h. Dự báo, từ 48 - 60 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới/bão di chuyển theo hướng Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được khoảng 10 km và suy yếu dần.

Tác động của áp thấp nhiệt đới ở khu vực phía Nam Biển Đông, bao gồm khu vực Trường Sa có gió mạnh cấp 6 - 7, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 8, giật cấp 10, sóng biển cao, biển động mạnh. Vùng biển Bình Định đến Bình Thuận (gồm đảo Phú Quý) có gió Đông Bắc mạnh cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8 - 9, sóng biển cao 3,0 - 5,0m; biển động. Ông Trần Văn Hưng cảnh báo, tàu thuyền hoạt động trong các vùng nguy hiểm nói trên đều có khả năng chịu tác động của dông, lốc, gió mạnh, sóng lớn cần chủ động theo dõi và đề phòng nguy hiểm.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Khánh Hòa cho biết, các hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh hiện nay đã tích đủ nước. Do đó, các đơn vị quản lý chủ động cho xả điều tiết nước từ sớm để tạo dung tích đón lũ, đảm bảo an toàn cho công trình và vùng hạ du. Thời gian điều tiết từ ngày 22/12 cho đến khi kết thúc đợt mưa lớn. Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Khánh Hòa cho biết, dự kiến trong đợt mưa lớn, nếu đạt 100mm/ngày lưu lượng nước đến các hồ sẽ gia tăng, công ty sẽ cho điều tiết nước để đảm bảo an toàn công trình, vùng hạ du.

Theo đó, dự kiến điều tiết nước trong đợt mưa lớn ở hồ Am Chúa từ 15 - 35 m3/s; hồ Cam Ranh từ 30 - 60 m3/s; hồ Suối Hành từ 25 - 40 m3/s và hồ Đắc Lộc từ 15 - 30 m3/s. Công ty cũng cảnh báo, quá trình điều tiết nước để duy trì mực nước hồ kết hợp lượng mưa ngoài lưu vực sông hồ và triều cường có khả năng làm dâng cao mực nước tại một số khu vực trũng thấp ven kênh thoát lũ của 2 huyện Cam Lâm và Diên Khánh, thành phố Nha Trang, thành phố Cam Ranh.

Phan Sáu (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/xa-hoi/khanh-hoa-chu-dong-xa-dieu-tiet-nuoc-don-lu-canh-bao-song-lon-tren-bien-20241223114041845.htm