Khánh Hòa đa dạng sản phẩm du lịch biển, hút khách cao cấp
Du lịch Khánh Hòa đặt ra mục tiêu tăng trưởng đầy tham vọng trong năm 2025, phát triển sản phẩm cao cấp, tạo dựng vị thế là một trong những trung tâm du lịch biển hàng đầu cả nước và cũng là điểm đến yêu thích của du khách quốc tế.
Du lịch biển đảo - “chìa khóa” để du lịch Khánh Hòa bứt phá trong năm 2025

Khu du lịch Dốc Lết (Khánh Hòa). Ảnh: Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam
Ủy ban Nhân dân tỉnh Khánh Hòa vừa có quyết định phê duyệt Đồ án quy hoạch phân khu xây dựng (tỷ lệ 1/2.000) Khu du lịch sinh thái đảo Hòn Lớn, với diện tích hơn 10.000ha và Đồ án quy hoạch phân khu xây dựng Khu du lịch núi Khải Lương (sát biển) có diện tích trên 4.015ha, đều nằm ở phía Bắc tỉnh, trong Khu kinh tế Vân Phong và thuộc xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh. Đây là cơ sở pháp lý để thực hiện các thủ tục đầu tư xây dựng Khu du lịch sinh thái đảo Hòn Lớn và Khu du lịch núi Khải Lương trong tương lai.
Đây là một tín hiệu vui của ngành du lịch Khánh Hòa và là động lực quan trọng để Khánh Hòa đạt mục tiêu năm 2025 đón 11,8 triệu lượt khách lưu trú, trong đó có 5,2 triệu lượt khách quốc tế, doanh thu đạt hơn 60.000 tỉ đồng.
Nhiều năm qua, Khánh Hòa phát triển mạnh các loại hình du lịch nghỉ dưỡng biển, đảo chất lượng cao kết hợp với vui chơi giải trí, tham quan, thể thao mạo hiểm và khám phá đại dương... ở các dải không gian ven biển, đảo.
Trên thực tế, du lịch Nha Trang-Khánh Hòa đã đạt được sự phát triển ấn tượng, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương, tạo công ăn việc làm cho hàng vạn lao động trực tiếp và cộng đồng doanh nghiệp, người dân, kích thích các ngành kinh tế khác phát triển.

Nét thơ mộng trên bãi biển Nha Trang. Ảnh: Vivu
Năm 2024, Khánh Hòa đã lập kỷ lục với 10,8 triệu lượt du khách đến địa phương lưu trú, tham quan, nghỉ dưỡng, trong đó có 4,7 triệu lượt khách quốc tế, doanh thu du lịch đạt trên 53.000 tỷ đồng.
Không chỉ có thành phố Nha Trang, Khu du lịch Bắc bán đảo Cam Ranh (huyện Cam Lâm) sau hơn 10 năm xây dựng và phát triển, đến nay cũng đã tạo được bộ mặt “đáng nể” với hàng chục khách sạn, khu resort hiện đại, đạt chuẩn từ 4-5 sao, hiện hữu bên bờ biển bãi Dài.
Festival Biển Nha Trang - Khánh Hòa 2025 sẽ là sự kiện tâm điểm của mùa du lịch hè. Nhất là trong bối cảnh, thị trường Hàn Quốc đang tăng trưởng khá ổn định, thị trường khách Trung Quốc được dự báo sẽ có sự bùng nổ trong năm 2025.
Các thị trường Canada, Kazakhstan, Ba lan, Thái Lan, Đài Loan (Trung Quốc)... cũng được mở rộng trong thời gian tới.
Địa phương cũng đang định hướng, phát triển các cảng biển đủ năng lực để đón các chuyến tàu quốc tế hạng sang và cung cấp các sản phẩm du lịch tàu biển phong phú để thu hút nguồn khách tàu biển.
Để du lịch biển phát huy hết tiềm năng

Nha Trang (Khánh Hòa) đã và đang trở thành trung tâm du lịch biển có sức thu hút mạnh mẽ. Ảnh: KH
Tuy nhiên, du lịch Khánh Hòa vẫn còn đối mặt với những hạn chế nhất định. Công tác quản lý, giám sát bảo vệ môi trường tại các khu, điểm du lịch chưa hiệu quả dẫn đến suy thoái, ô nhiễm môi trường. Việc ứng dụng công nghệ 4.0 cho hoạt động du lịch còn chậm.
Công tác quản lý điểm đến du lịch chưa chặt chẽ, hiệu quả. Vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm còn bất cập.
Nạn chèo kéo, ép giá, kinh doanh du lịch trái phép, quảng cáo sai sự thật... còn xảy ra, gây mất an ninh trật tự và ảnh hưởng đến hình ảnh của du lịch địa phương.
Bên cạnh đó, du lịch tàu biển quốc tế chưa phát triển đúng tiềm năng. Phần lớn du khách tàu biển chỉ lên bờ tham quan trong vài giờ rồi rời đi. Trong thời gian đó, du khách lựa chọn các tour tham quan di tích nội thành, làng quê, vui chơi tại một số khu nghỉ dưỡng.
Thời gian ở lại ngắn nên du khách chưa có cơ hội trải nghiệm những nét độc đáo nơi đây. Hoạt động mua sắm của du khách cũng hạn chế. Vì thế, mức chi tiêu của du khách tàu biển thấp hơn nhiều lần so với các loại hình du lịch lưu trú, nghỉ dưỡng.
Đây là những vấn đề tồn tại mà tỉnh Khánh Hòa đặt ra để từng bước giải quyết, nhằm hướng đến một môi trường du lịch xanh và bền vững, khi mà du lịch tiếp tục được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn và Khánh Hòa đang phấn đấu trở thành trung tâm du lịch biển quốc gia, có thương hiệu quốc tế, từng bước trở thành một cực tăng trưởng trong khu vực.
Theo bà Nguyễn Thị Lệ Thanh - Giám đốc Sở Du lịch Khánh Hòa, năm 2025, Khánh Hòa sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp thúc đẩy phát triển du lịch, dịch vụ biển đảo, trong đó chú trọng thu hút, phát triển thị trường khách du lịch tàu biển.
Bên cạnh đó, du lịch Khánh Hòa sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ nghỉ dưỡng, tăng cường chuyển đổi xanh. Đa dạng hóa hình thức, sản phẩm du lịch, nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của dịch vụ du lịch, nhất là sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, du lịch biển đảo chất lượng cao, sản phẩm du lịch, dịch vụ về đêm, trên bờ, dưới biển…
Đây cũng là điều cần thiết để du lịch Khánh Hòa thu hút dòng khách chi tiêu cao, lưu trú dài ngày để hướng đến nâng cao chất lượng nguồn khách, tăng hiệu quả khai thác, hướng đến phát triển du lịch bền vững để Khánh Hòa trở thành điểm đến hấp dẫn quanh năm của du khách.