Khánh Hòa: Khai mạc Lễ hội Tháp Bà Ponagar năm 2025

Tối 17.4 (tức ngày 20.3 năm Ất Tỵ), tại Di tích quốc gia đặc biệt Tháp Bà Ponagar, thành phố Nha Trang, UBND tỉnh Khánh Hòa tổ chức khai mạc Lễ hội Tháp Bà Ponagar năm 2025.

Tháp Bà Ponagar khai hội rộn ràng

Tháp Bà Ponagar khai hội rộn ràng

Lễ khai mạc có sự hiện diện của lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQVN tỉnh Khánh Hòa; lãnh đạo các Sở, Ban, ngành, địa phương, các đoàn thể, khách mời trong và ngoài tỉnh.

Đặc biệt, hàng nghìn trái tim đã hòa chung nhịp đập, từ những người con của đất mẹ Khánh Hòa, đến những lữ khách phương xa, và đặc biệt là những người anh em đồng bào Chăm từ Ninh Thuận, Bình Thuận, Tây Nguyên, tất cả đều hướng về nơi đây với lòng thành kính sâu nặng.

Phát biểu tại lễ khai mạc, ông Đinh Văn Thiệu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa khẳng định: Lễ hội Tháp Bà Ponagar không chỉ là một nét đẹp văn hóa tâm linh, mà còn là sợi dây kết nối cộng đồng, lan tỏa những giá trị nhân văn sâu sắc.

Nghi thức cúng tế

Nghi thức cúng tế

Để lễ hội và di tích quốc gia đặc biệt Tháp Bà Ponagar ngày càng phát huy được giá trị, các cấp, ngành, chính quyền địa phương và toàn thể nhân dân trong tỉnh cần tiếp tục bảo tồn, phát huy giá trị di tích, gắn với phát triển du lịch bền vững, đưa di tích thành điểm đến văn hóa, tâm linh hấp dẫn…

Tiếp tục đẩy mạnh công tác quảng bá, giới thiệu di sản, tạo điều kiện thuận lợi cho du khách, nhân dân tham gia lễ hội, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Tiếng trống khai hội vang lên, trầm hùng và ngân vang, do chính Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tấn Tuân thực hiện. Âm thanh ấy như nối liền quá khứ oai hùng với hiện tại rạng rỡ, đất trời giao hòa, thần linh chứng giám, mở ra một mùa lễ hội hứa hẹn bao điều tốt đẹp.

Dâng lễ vật lên Mẹ xứ sở

Dâng lễ vật lên Mẹ xứ sở

Sân khấu hóa "Huyền thoại Mẹ xứ sở" đã chạm đến những miền sâu thẳm trong tâm hồn người xem. Ánh sáng huyền ảo, âm nhạc thánh thót, những điệu múa uyển chuyển đã tái hiện một cách sống động hình tượng Thiên Y Ana – người Mẹ xứ sở đã khai sinh, vun đắp cho nền văn minh Chăm Pa rực rỡ.

Theo Ban tổ chức, từ những ngày đầu tiên của mùa lễ hội, dòng người đổ về Tháp Bà Ponagar không ngớt. Hơn trăm đoàn khách mỗi ngày, từ những vùng đất Ninh Thuận nắng gió, Bình Thuận cát trắng, đến Tây Nguyên hùng vĩ, đã mang đến cho lễ hội một bức tranh văn hóa đa sắc màu.

Lễ hội Tháp Bà Ponagar Nha năm 2025 diễn ra từ từ ngày 16-22.4 (19-25.3 âm lịch) với nhiều nghi lễ như: Lễ thay y Mẫu, thả hoa đăng trên dòng sông Cái hiền hòa, rước kiệu uy nghi, dâng hương thành kính, cầu quốc thái dân an, lễ tế cổ truyền…

Lễ hội rộn ràng với những hoạt động văn hóa đặc sắc: múa bóng huyền ảo, hát bội cổ kính, hát văn sâu lắng, những trò chơi dân gian đậm đà bản sắc, và cả những màn trình diễn tinh xảo của nghề gốm, dệt thổ cẩm của đồng bào Chăm.

Tiết mục nghệ thuật trong đêm khai mạc

Tiết mục nghệ thuật trong đêm khai mạc

Lễ hội Tháp Bà Ponagar không chỉ là dịp để tưởng nhớ và tri ân Mẹ Thiên Y Ana, mà còn là cơ hội quý báu để mỗi người con đất Việt thêm trân trọng, gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa mà cha ông đã dày công bồi đắp.

Để Tháp Bà Ponagar mãi là biểu tượng thiêng liêng của lòng biết ơn, niềm tin và khát vọng vươn lên của con người.

Tháp Bà Ponagar không chỉ là một di tích lịch sử - văn hóa - tôn giáo vô giá, nơi đây còn lưu giữ những tuyệt tác kiến trúc, điêu khắc và bia ký cổ Chăm. Sự công nhận là Di tích lịch sử, văn hóa quốc gia năm 1979, và đặc biệt là việc Lễ hội được vinh danh là Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia năm 2012, đã khẳng định vị thế và giá trị trường tồn của Tháp Bà Ponagar.

Ngày 17.1.2025, niềm tự hào ấy càng thêm trọn vẹn khi Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Quyết định xếp hạng Tháp Bà Ponagar là Di tích quốc gia đặc biệt.

Múa cồng chiêng tại Lễ hội Tháp Bà Ponagar

Múa cồng chiêng tại Lễ hội Tháp Bà Ponagar

Sự hòa quyện tuyệt vời giữa tín ngưỡng dân gian và bản sắc văn hóa độc đáo đã làm cho Lễ hội Tháp Bà Ponagar ngày càng khẳng định vị trí không thể thiếu trong đời sống tinh thần của người dân, đồng thời trở thành điểm sáng rực rỡ, thu hút du khách thập phương đến với Khánh Hòa – một vùng đất giàu truyền thống và lòng mến khách.

XUÂN HƯỚNG

Nguồn Văn hóa: http://baovanhoa.vn/dan-toc-ton-giao/khanh-hoa-khai-mac-le-hoi-thap-ba-ponagar-nam-2025-128328.html