Quan tâm tu bổ, tôn tạo, phát huy giá trị Di tích lịch sử đền Tư Mã Hai Đào
Di tích lịch sử đền thờ Tư Mã Hai Đào, tọa lạc tại bản Chung Sơn, xã Sơn Thủy (Quan Sơn). Những năm qua, công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị khu di tích này luôn được cấp ủy, chính quyền quan tâm thực hiện. Tư Mã Hai Đào là nhân vật lịch sử tiêu biểu của thế kỷ XV và là biểu tượng trong tâm thức của đồng bào dân tộc Thái và Nhân dân vùng cao Thanh Hóa.

Đền thờ Tư Mã Hai Đào được tu bổ, tôn tạo khang trang.
Theo tác phẩm Truyện thơ Tư Mã Hai Đào bằng chữ Thái Cổ, được ông Phạm Xuân Cừ phiên âm và dịch thơ thì Tướng quân Tư Mã Hai Đào là người họ Hà, sinh ra ở Mường Đào (nay là xã Điền Quang, huyện Bá Thước), mồ côi cha mẹ từ sớm. Từ bé Tư Mã Hai Đào đã bộc lộ sự thông minh, đam mê luyện tập cung, kiếm. Lớn lên Hai Đào có vóc dáng lực lưỡng, tướng mạo phi phàm, giỏi võ. Nghe tin triều đình mở hội đấu võ chiêu mộ hiền tài, phò vua diệt giặc, cứu nước, Hai Đào được quan Lang cho theo đến kinh kỳ tham gia hội thi đấu võ. Võ đài năm ấy, chàng trai Hai Đào liên tục thắng cuộc trước con mắt thán phục của nhiều người. Chính tướng mạo và sự tinh thông võ nghệ của Hai Đào đã làm rung động trái tim con gái nhà vua. Biết được chuyện con gái đem lòng yêu mến Hai Đào, nhà vua đã tác hợp và yêu cầu thầy đồ dạy chữ cho con rể. Được học chữ và thường xuyên tập luyện võ, Hai Đào trở thành người văn võ song toàn.
Khi đó giặc phương Bắc đang rình rập biên giới đất liền miền Tây xứ Thanh, sau khi được nhà vua phong sắc Tướng quân, Hai Đào đã xin cấp binh mã, vũ khí, lương thực để lên trấn ải vùng biên cương. Để tạo nên sức mạnh tổng hợp, Hai Đào chiêu mộ thêm binh lính, chuẩn bị lương thực, rèn thêm vũ khí rồi dẫn quân lên biên giới (xã Tén Tằn, huyện Mường Lát ngày nay) đánh đuổi giặc ngoại xâm, trấn ải biên cương. Đoàn quân đã chiến đấu anh dũng và giành nhiều chiến thắng, mang lại cuộc sống bình yên cho Nhân dân. Sau khi biên giới thanh bình, Hai Đào đã chọn Mường Xia làm thủ phủ. Từ đó, Mường Xia trở nên sầm uất, dân cư tập trung đông đúc, các hoạt động giao thương buôn bán trở nên tấp nập. Người dân Mường Xia gọi ông là Quan Châu Xia cai quản các vùng Mường Chu Sàn (tức Mường Xia, Mường Mìn), Mường Chu Gia, Mường Chu Sang (thuộc tỉnh Hòa Bình và Sơn La ngày nay). Khi về già, Tư Mã Hai Đào mất tại Mường Xia, ông được an táng tại một hang động của núi Pha Dùa. Sau này người dân Mường Xia thường gọi ông là Thần Tư Mã ở Pha Dùa. Nhớ ơn người đã có công trấn giữ biên cương, mang lại ấm no cho bản làng, hằng năm cứ đến ngày mùng 9 - 10 tháng 2 âm lịch, đồng bào lại tổ chức Lễ hội Mường Xia.
Năm 2009, được sự quan tâm của Nhà nước, cấp ủy, chính quyền địa phương, đền thờ Tư Mã Hai Đào được đầu tư xây dựng, đáp ứng niềm mong đợi của đồng bào dân tộc trên địa bàn huyện Quan Sơn. Năm 2022, Lễ hội Mường Xia đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Ngày nay, lễ hội này không chỉ thu hẹp ở đồng bào dân tộc Thái thuộc xã Sơn Thủy (Quan Sơn), mà còn là nơi giao lưu, sinh hoạt văn hóa giữa các dân tộc anh em Thái, Kinh, Mường huyện Quan Sơn và Mường Đào, huyện Bá Thước (quê hương của Tư Mã Hai Đào), Mường Bén và Mường Xôi của nước bạn Lào. Năm 2022, bằng nguồn vốn ngân sách tỉnh, dự án tôn tạo cảnh quan khuôn viên đền thờ Tư Mã Hai Đào được khởi công vào tháng 11/2022. Dự án bao gồm các các hạng mục xây dựng hạ tầng khuôn viên; ao sen, cầu ao, chòi nghỉ; cổng chính, tường rào; cải tạo đền thờ Tư Mã Hai Đào... với tổng mức đầu tư gần 7 tỷ đồng. Đến tháng 11/2023, dự án hoàn thành, góp phần gìn giữ và phát huy giá trị của di tích lịch sử.
Tự hào về quê hương có đền thờ Tư Mã Hai Đào, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền và Nhân dân xã Sơn Thủy luôn nỗ lực gìn giữ và phát huy giá trị của các di tích bằng những việc làm thiết thực, như: Tăng cường công tác quản lý, chống xâm hại di tích; chỉ đạo các tổ chức đoàn thể phối hợp với các trường học trên địa bàn xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục giá trị di tích cho thế hệ trẻ trên địa bàn xã; vệ sinh môi trường xung quanh di tích; thành kính dâng hương vào các ngày đầu tháng, ngày rằm...
Ông Ngân Văn Hanh, Chủ tịch UBND xã Sơn Thủy, cho biết: Năm 2024, đền thờ Tư Mã Hai Đào được Chủ tịch UBND tỉnh công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh. Đây là niềm vinh dự của cán bộ, Nhân dân xã Sơn Thủy. Để gìn giữ và phát huy giá trị của các di tích, xã tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân trong việc bảo tồn các di sản. Huy động mọi nguồn lực để xây dựng ngôi nhà sàn truyền thống và mở rộng diện tích sân vận động của xã để có nơi tổ chức Lễ hội Mường Xia. Phát triển nơi đây trở thành điểm du lịch văn hóa tâm linh đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của Nhân dân, thu hút khách du lịch.