Khánh Hòa mở cửa đón 'đại bàng'

Khánh Hòa cam kết đồng hành cùng doanh nghiệp, nhà đầu tư và luôn mở rộng cửa chào đón các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Khánh Hòa vừa ban hành kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Khánh Hòa thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, xác định các nhiệm vụ trọng tâm, phân công nhiệm vụ cụ thể để thực hiện quyết định phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ.

Ba vùng động lực phát triển

Theo đó, Khánh Hòa xây dựng và định hướng phát triển ba vùng động lực phát triển. Khu vực thứ nhất là vịnh Vân Phong sẽ phát triển trở thành một trung tâm kinh tế biển hiện đại, địa bàn động lực phát triển của Khánh Hòa nói riêng và khu vực Nam Trung bộ nói chung.

KKT Vân Phong là một trong ba vùng động lực phát triển của Khánh Hòa. Ảnh: H.H

KKT Vân Phong là một trong ba vùng động lực phát triển của Khánh Hòa. Ảnh: H.H

Bắc Vân Phong trở thành đô thị du lịch, nghỉ dưỡng đẳng cấp quốc tế; định hướng lâu dài phát triển khu phi thuế quan và cảng trung chuyển quốc tế khi có điều kiện. Nam Vân Phong trở thành trung tâm công nghiệp gắn với cảng biển và là khu vực tập trung phát triển các khu công nghiệp, công nghiệp năng lượng tái tạo, dầu khí, logistic… cùng các dự án đô thị, du lịch ven biển.

Khu vực thứ hai là TP Nha Trang được định hướng phát triển là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, khoa học, công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực; phát huy hiệu quả hơn nữa vai trò một cực tăng trưởng quan trọng, cửa ngõ hội nhập quốc tế của tỉnh Khánh Hòa.

Cuối cùng là khu vực vịnh Cam Ranh là vùng trọng điểm về kinh tế, xã hội gắn với quốc phòng, an ninh. Trong đó phát triển TP Cam Ranh là đô thị du lịch – logistics. Huyện Cam Lâm trở thành đô thị sân bay hiện đại, sinh thái, đẳng cấp quốc tế.

Ngoài ra, Khánh Hòa cũng định hướng bốn hành lang kinh tế gồm hành lang kinh tế Bắc – Nam, hành lang kinh tế Đông – Tây, hành lang Nha Trang – Diên Khánh – Khánh Vĩnh và hành lang Cam Ranh – Cam Lâm – Khánh Sơn.

Hiện thực hóa những ký kết với nhà đầu tư

Ông Nguyễn Hải Ninh, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa, cho biết quy mô nền kinh tế của tỉnh còn khá nhỏ, cơ cấu kinh tế thiếu cân bằng nhưng mục tiêu đặt ra đến năm 2030 Khánh Hòa sẽ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Lãnh đạo Khánh Hòa được trao các quyết định quy hoạch. Ảnh: H.H

Lãnh đạo Khánh Hòa được trao các quyết định quy hoạch. Ảnh: H.H

Ông Ninh cho rằng nền tảng của tỉnh còn nhỏ nhưng tiêu chí rất lớn. Vì vậy, tỉnh sẽ hành động với tinh thần trách nhiệm để đáp ứng lòng tin của Trung ương và doanh nghiệp. Đồng thời, xuyên suốt đồng hành cùng các nhà đầu tư từ lãnh đạo tỉnh cho đến sở ban ngành và các địa phương.

Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa khẳng định sẽ rất nghiêm khắc với cán bộ nếu không hành động theo tư tưởng đã đề ra. Cùng với đó là tỉnh hành động trên nguyên tắc kết nối chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và đầu tư.

“Chúng tôi mong muốn các dự án đã được ký kết được hiện thực hóa, trở thành những giá trị hiệu quả của doanh nghiệp, góp phần tăng trưởng kinh tế, nâng cao đời sống vật chất tinh thần của người dân Khánh Hòa”- ông Ninh nói.

Nói về việc thu hút đầu tư, ông Nguyễn Tấn Tuân Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, cho biết, tỉnh cam kết và đồng hành cùng doanh nghiệp, nhà đầu tư và luôn mở rộng cửa chào đón các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Các nhà đầu tư sẽ được tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để thực hiện thành công dự án và đảm bảo phát triển bền vững trong tương lai.

“Chúng tôi quyết tâm cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và cải thiện chỉ số quản trị địa phương để trở nên cạnh tranh hơn. Với tỷ lệ dân số có trình độ cao đẳng và đại học đứng thứ 12 cả nước, Khánh Hòa sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng lao động, nhằm tăng cường lợi thế so sánh. Chúng tôi sẽ đẩy mạnh xúc tiến đầu tư vào các ngành, lĩnh vực ưu tiên với mục tiêu hướng đến một tiêu chuẩn mới về chất lượng sống, làm việc và du lịch”- ông Nguyễn Tấn Tuân nhấn mạnh.

Khánh Hòa đang mở cửa đón các "đại bàng". Ảnh: H.H

Khánh Hòa đang mở cửa đón các "đại bàng". Ảnh: H.H

Ông Joshua Nathan Goldman, Tổng giám đốc Công ty TNHH Thủy sản Australis Việt Nam, chia sẻ nhờ nhận được sự hỗ trợ của chính quyền Khánh Hòa, ông đã biến giấc mơ nuôi cá chẽm thành hiện thực.

Công ty đã có những thành công trong phát triển nuôi cá chẽm tại vịnh Vân Phong. Công ty sẽ tiếp tục đầu tư 100 triệu USD để mở rộng hoạt động nuôi trồng thủy sản biển tại Khánh Hòa sau khi đạt được những thành công bước đầu.

"Khánh Hòa đã đúng khi phát triển theo mô hình kinh tế xanh. Tôi rất tin tưởng và tự tin vào môi trường kinh doanh tại Việt Nam nói chung và Khánh Hòa nói riêng"- ông Joshua Nathan Goldman chia sẻ.

Thu hút gần 119.000 tỉ đồng

Tại hội nghị thu hút đầu tư vừa qua, tỉnh Khánh Hòa đã trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư cho tám dự án với tổng vốn đăng ký 31.253 tỉ đồng.

Đồng thời, ký bản ghi nhớ với 16 nhà đầu tư với tổng vốn đầu tư các dự án được nghiên cứu khoảng hơn 80.600 tỉ đồng. Trong đó, lĩnh vực giáo dục, phát triển công nghệ, sản xuất phần mềm, nhà ở xã hội, hạ tầng khu công nghiệp, hạ tầng giao thông (cảng biển, sân bay), du lịch nghỉ dưỡng cao cấp và nuôi trồng thủy sản công nghệ cao.

HUỲNH HẢI

Nguồn PLO: https://plo.vn/khanh-hoa-mo-cua-don-dai-bang-post727871.html