Khánh Hòa muốn lên thành phố trực thuộc TƯ, xin hàng loạt cơ chế đặc thù

Chính phủ vừa có tờ trình gửi Quốc hội về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa.

Việc xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù tại dự thảo Nghị quyết của Quốc hội nhằm tạo công cụ pháp lý hữu hiệu để phát huy mọi tiềm năng, lợi thế tạo đột phá về phát triển kinh tế - xã hội, góp phần xây dựng và phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045 như mục tiêu Bộ Chính trị đã đặt ra tại Nghị quyết số 09-NQ/TW.

Chính phủ đề xuất loạt cơ chế đặc thù cho Khánh Hòa. Ảnh: Lương Bằng

Tại dự thảo Nghị quyết này, Chính phủ trình Quốc hội dự thảo Nghị quyết của Quốc hội quy định thí điểm 11 chính sách đặc thù thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội khác với quy định hiện hành hoặc chưa được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật.

Đó là bổ sung có mục tiêu cho tỉnh Khánh Hòa không quá 70% số tăng thu ngân sách trung ương từ các khoản thu phân chia giữa ngân sách trung ương và ngân sách Tỉnh so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao.

Việc thực hiện chính sách bổ sung có mục tiêu từ ngân sách trung ương cho tỉnh Khánh Hòa sẽ tạo điều kiện cho ngân sách địa phương có nguồn lực để đầu tư phát triển, nhất là các công trình kết cấu hạ tầng kỹ thuật và xã hội thiết yếu.

Hiện Quốc hội đã cho phép áp dụng chính sách tương tự đối với TP.HCM, TP. Cần Thơ và TP. Hải Phòng.

Về mức dư nợ vay, Dự thảo Nghị quyết quy định: Tỉnh Khánh Hòa được vay thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay từ các tổ chức tài chính trong nước, các tổ chức khác trong nước và từ nguồn vay nước ngoài của Chính phủ về cho tỉnh vay lại với tổng mức dư nợ vay không vượt quá 60% số thu ngân sách tỉnh được hưởng theo phân cấp.

Khánh Hòa hiện là tỉnh có số thu ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp lớn hơn chi thường xuyên của ngân sách địa phương nên mức dư nợ vay của tỉnh không vượt quá 30% số thu ngân sách được hưởng theo phân cấp.

Theo tờ trình của Chính phủ, thời gian tới, tỉnh Khánh Hòa cần huy động thêm nguồn lực tối thiểu 40.000 tỷ đồng. Để đáp ứng nhu cầu cần nâng hạn mức vay của tỉnh từ 30% lên 60%. Theo đó, hạn mức dư nợ vay tối đa của tỉnh Khánh Hòa dự kiến là 5.472 tỷ đồng (tính theo dự toán năm 2022), tăng 2.736 tỷ đồng so với quy định hiện hành.

Quốc hội đã đồng ý cho TP. Hải Phòng, TP. Cần Thơ và tỉnh Thanh Hóa được vay với tổng mức dư nợ vay không vượt quá 60% số thu ngân sách tỉnh, thành phố được hưởng theo phân cấp tương tự chính sách này.

Chính phủ cũng đề xuất phân cấp thẩm quyền cho UBND tỉnh Khánh Hòa tiến hành điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, quy hoạch chung đô thị theo trình tự thủ tục do Thủ tướng Chính phủ quy định. Điều này sẽ rút ngắn thời gian thực hiện điều chỉnh các quy hoạch nêu trên và góp phần tạo điều kiện thúc đẩy, thu hút một số dự án đầu tư phát triển hạ tầng trọng điểm của tỉnh nhưng vẫn đảm bảo việc kiểm tra, giám sát của Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan.

Về chuyển mục đích sử dụng đất, rừng, Dự thảo Nghị quyết quy định HĐND tỉnh quyết định chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa dưới 500ha; quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sản xuất dưới 1.000ha theo ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cấp có thẩm quyền quyết định.

Quá trình thực hiện một số dự án đầu tư trọng điểm trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là một số dự án triển khai trong Khu Kinh tế Vân Phong của nhà đầu tư chiến lược có ảnh hưởng đến một số diện tích rừng cần phải chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ. Việc kéo dài thời gian để hoàn thiện trình tự, thủ tục sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến cơ hội, hiệu quả thu hút, thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh.

Về thực hiện chuẩn bị thu hồi đất tại Khu Kinh tế Vân Phong và huyện Cam Lâm, đối với dự án có quy mô từ 300ha trở lên, HĐND tỉnh ban hành danh mục các dự án được tổ chức thực hiện điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm, xác minh nguồn gốc đất, tài sản gắn liền với đất theo trình tự, thủ tục quy định tại khoản này.

Căn cứ danh mục dự án, cơ quan có thẩm quyền thu hồi đất ban hành thông báo để tổ chức thực hiện điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm, xác minh nguồn gốc đất, tài sản gắn liền với đất. Thông báo này cần được gửi đến từng người sử dụng đất và thông báo trên phương tiện truyền thông, niêm yết tại trụ sở UBND cấp xã, địa điểm sinh hoạt chung của khu dân cư.

Trên cơ sở đó, tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng theo quy định của pháp luật đất đai được phép triển khai việc điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm, xác minh nguồn gốc đất, tài sản gắn liền với đất trước khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành thông báo thu hồi đất.

Lương Bằng

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/khanh-hoa-muon-len-thanh-pho-truc-thuoc-tw-xin-hang-loat-co-che-dac-thu-2021836.html