Khánh Hòa: Nhiều cơ sở kinh doanh còn dè chừng khi hoạt động trở lại
Đến nay nhiều nhà hàng vẫn chọn giải pháp đóng cửa vì lượng khách ít, không đủ bù đắp chi phí khiến chủ nhà hàng không mặn mà.
Thực hiện Kế hoạch thích ứng an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi phát triển kinh tế- xã hội, nhiều cơ sở kinh doanh tại tỉnh Khánh Hòa được phép hoạt động trở lại. Tuy nhiên, những ngày đầu mở cửa, lượng khách thưa thớt nên nhiều cơ sở hoạt động cầm chừng.
Sau thời gian dài phải đóng cửa để phòng chống dịch Covid-19, từ ngày 7/10, chợ Xóm Mới - một trong những chợ lớn ở thành phố Nha Trang được phép mở cửa hoạt động trở lại nhưng chỉ được bán các mặt hàng thiết yếu. Để được bán hàng, người kinh doanh phải đáp ứng nhiều tiêu chí an toàn như tiêm vaccine, test định kỳ, khai báo y tế hằng ngày... Các hộ kinh doanh được sắp xếp giãn cách, các quầy hàng phải có vách ngăn để phòng chống dịch.
Những ngày đầu hoạt động, cả chợ chỉ có hơn 20 tiểu thương trong số gần 1.000 tiểu thương đăng ký vào bán hàng. Thế nhưng, lượng khách vào chợ rất ít, việc buôn bán ế ẩm nên nhiều người đã đóng sạp. Hiện, chỉ còn khoảng 10 hộ kinh doanh tại chợ Xóm Mới.
Chị Nguyễn Thị Hạnh, bán chả cá tại chợ Xóm Mới cho biết, việc buôn bán gặp khó khăn do chợ nằm phía bên trong, khách hàng rất khó tiếp cận. Khi vào chợ, khách hàng phải thực hiện các thủ tục phòng dịch như quét mã QR, đo thân nhiệt, đi theo luồng một chiều… nên nhiều người đã chọn mua tại các hàng quán bán dọc đường tiện lợi hơn. Theo chị Hạnh, hàng ngày, các quầy chỉ bán cho khoảng 4-5 khách quen, không đủ tiền test nhanh Covid-19.
“Buôn bán rất ế, cả buổi chợ sáng đến giờ bán được có 0,5 kg. Tiêm vaccine đến giờ nhiều người mới tiêm 1 mũi nên phải đi test, 3 ngày test 1 lần. Hai vợ chồng test hết 300.000 đồng/lân nhưng vào chợ bán hàng lại ế khách. Ở ngoài đường nhiều người bán nên trong chợ không ai vào. Chợ lại bị quây kín nên trong này nhiều người không biết ngoài những khách quen giao dịch qua điện thoại”, chị Hạnh bày tỏ.
Thành phố Nha Trang có rất nhiều nhà hàng, cửa hiệu và đến nay nhiều nhà hàng đủ điều kiện hoạt động trở lại nhưng chủ cửa hàng vẫn chọn giải pháp đóng cửa. Lượng khách ít, các cơ sở hoạt động không đủ bù đắp chi phí khiến chủ nhà hàng không mặn mà. Một số ít cơ sở đã hoạt động thực hiện các giải pháp an toàn như đón khách có thẻ xanh, thẻ vàng, khai báo y tế...
Anh Lê Văn Đồng, Quản lý nhà hàng Vườn Cau, ở phường Phước Hòa, thành phố Nha Trang cho biết, thà đóng cửa để đấy có thể tồn tại chờ đến ngày ổn định mở lại. “Mở cửa sẽ kéo theo nhiều chi phí, hơn nữa khách hàng có thể là F0 mà mình không nắm bắt được thì sau đó cũng phải đóng cửa và xử lý lại hết toàn bộ hệ thống. Nhà hàng vẫn xác định khi nào bên y tế cho phép sẽ mở cửa trở lại”, anh Đồng cho biết.
Từ ngày 16/10, các cơ sở kinh doanh du lịch ở tỉnh Khánh Hòa đủ điều kiện an toàn được đón khách du lịch nội địa có thẻ xanh, thẻ vàng Covid-19. Tuy vậy, đa số các khách sạn ở thành phố Nha Trang vẫn chưa mở cửa trở lại.
Sau gần 2 năm đóng cửa, muốn duy trì hoạt động lại, các khách sạn phải tuyển dụng nhân viên, sửa chữa, bảo dưỡng trang thiết bị... trong khi đó lượng khách còn hạn chế. Hiện nay, du khách đến tỉnh Khánh Hòa đa phần ở tại các khu nghỉ dưỡng biệt lập.
Bà Nguyễn Thị Lệ Thanh, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa cho biết, khi doanh nghiệp du lịch mở ra phải chuẩn bị đón các dòng khách, các chương trình du lịch. “Muốn đáp ứng cho chương trình đó thì mới phải đủ chi phí vận hành của bộ máy. Và họ phải có sự tính toán. Số đơn vị vừa và nhỏ, công tác chuẩn bị đã sẵn sàng nhưng việc mở cửa khai thác trở lại còn đang dè chừng và cân nhắc”, bà Thanh nói./.