Khánh Hòa: Những chiến sỹ áo trắng ở Trung tâm Y tế thị trấn Trường Sa

Không chỉ đảm nhận nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho quân và dân trên đảo Trường Sa, Trung tâm đã trở thành chỗ dựa quan trọng cho các ngư dân tự tin vươn khơi, bám biển phát triển kinh tế.

Quân y đảo Trường Sa phẫu thuật cấp cứu ngư dân viêm ruột thừa cấp. (Ảnh: TTXVN phát)

Quân y đảo Trường Sa phẫu thuật cấp cứu ngư dân viêm ruột thừa cấp. (Ảnh: TTXVN phát)

Từ 1 tổ quân y chỉ có 3 người, bệnh xá thiếu thốn trang thiết bị, thuốc men, đến nay, Trung tâm Y tế thị trấn Trường Sa, huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa, đã được nâng cấp hiện đại hơn, tương đương với một trung tâm y tế cấp huyện.

Không chỉ đảm nhận nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho quân và dân trên đảo Trường Sa, Trung tâm đã trở thành chỗ dựa quan trọng cho các ngư dân tự tin vươn khơi, bám biển phát triển kinh tế, qua đó góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Trung tâm Y tế thị trấn Trường Sa hiện có 30 giường bệnh với đầy đủ các phòng chức năng như khám ngoại, khám nội, cấp cứu, phẫu thuật, hộ sinh, chụp X-quang, xét nghiệm...

Ngoài các phòng chức năng như một bệnh viện trong đất liền, Trung tâm còn có thêm phòng điều áp để điều tiết áp lực chữa trị cho các ngư dân lặn dưới đáy biển sâu.

Theo Đại úy, bác sỹ quân y Nguyễn Quang Huy, người từng có thời gian phụ trách Trung tâm cho biết sau đại dịch COVID-19, ngư dân ra khơi nhiều hơn các năm trước, nên số ca mắc bệnh hoặc bị tai nạn trên biển cũng tăng lên.

Chỉ tính riêng năm 2022, Trung tâm tổ chức khám và cấp thuốc cho 2.045 người, trong đó có 1.405 ngư dân; cấp cứu, chữa bệnh, vận chuyển vào đất liền 65 ca bệnh, trong đó đã có 33 ca bệnh được chữa kịp thời.

Một số ca bệnh nguy hiểm đến tính mạng, Trung tâm đã phối hợp với các đơn vị chức năng vận chuyển bệnh nhân vào đất liền bằng máy bay trực thăng và tàu quân sự.

Từ khi thành lập năm 2018 đến nay, Trung tâm đã khám cho gần 10.000 lượt cán bộ, chiến sỹ, ngư dân; thu dung, cấp cứu 1.542 trường hợp; phẫu thuật cho 98 ca; vận chuyển kịp thời 63 trường hợp vào đất liền điều trị, bảo đảm an toàn cho người bệnh.

Với những thành tích đã đạt được, tháng 5/2022, Trung tâm Y tế thị trấn Trường Sa đã vinh dự đón nhận Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba.

Bác sỹ Nguyễn Quang Huy kể lại anh đã cùng đồng đội cấp cứu nhiều ca nặng, song đáng nhớ nhất là ca cấp cứu 1 ngư dân tàu cá Quảng Ngãi hồi tháng 2/2022. Một buổi tối, khoảng 20 giờ, bệnh nhân được đưa vào trong tình trạng ý thức lơ mơ. Chưa kịp chụp chiếu tấm phim nào thì bệnh nhân đã suy hô hấp nên các bác sỹ ngay lập tức cấp cứu và hồi sinh tim phổi.

Nhận định bệnh nhân bị tràn khí màng phổi, các y bác sỹ đã cấp cứu tích cực để bệnh nhân thở, tạm thời bảo vệ được tính mạng.

Khi tình trạng bệnh nhân ổn định hơn, Trung tâm tổ chức hội chẩn ngay với Bệnh viện Quân y 175 và được Bệnh viện quyết định hỗ trợ chuyển bệnh nhân vào đất liền bằng trực thăng vào ngày hôm sau. Ở đất liền, bệnh nhân được lọc máu, cho hỗ trợ ECMO (tim phổi nhân tạo).

Bác sỹ Nguyễn Quang Huy chia sẻ làm việc trên đảo buộc các bác sỹ, y tá phải thành thục mọi việc. Không chỉ làm công tác chuyên môn về y tế, các bác sỹ, y tá của Trung tâm y tế thị trấn Trường Sa còn làm các công việc trong cuộc sống hằng ngày. Vừa là bác sỹ, vừa là đầu bếp, cũng có khi lại kiêm cả tư vấn viên cho các bệnh nhân.

Các bác sỹ Trung tâm y tế Trường Sa điều trị cho bệnh nhân. (Ảnh: TTXVN phát)

Các bác sỹ Trung tâm y tế Trường Sa điều trị cho bệnh nhân. (Ảnh: TTXVN phát)

“Ngư dân được đưa vào khám, cấp cứu, điều trị bệnh miễn phí. Anh em trong Trung tâm nấu cơm để phục vụ người bệnh. Khi ngư dân khỏi bệnh, trở lại tàu, chúng tôi còn tặng thêm lương thực, thực phẩm như mì gói, đồ hộp phòng trường hợp ngư dân đi biển dài ngày có thể bị thiếu thức ăn. Rất nhiều ngư dân được điều trị khỏi tại Trung tâm, khi trở về đất liền vẫn gọi điện ra xin tư vấn của chúng tôi," bác sỹ Nguyễn Quang Huy cho biết.

Được tôi luyện trong môi trường làm việc còn hạn chế so với đất liền, cùng với kỷ luật của Quân đội nên những bác sỹ ra đảo công tác đã trở nên mạnh mẽ và bản lĩnh hơn. Chính vì vậy, mặc dù thời gian công tác của các y, bác sỹ trên đảo chỉ khoảng 12 tháng, song ai cũng cảm thấy tự hào, vinh dự khi được là một bác sỹ quân y, được đóng góp một phần công sức của bản thân cho y tế biển đảo, góp phần vào công cuộc xây dựng biển đảo quê hương.

Theo Thượng tá Phạm Thế Nhương, Chỉ huy trưởng đảo Trường Sa, ngoài công tác bảo đảm an toàn cho các ngư dân vươn khơi, bám biển, bộ đội Trường Sa còn làm tốt công tác hướng dẫn cho tàu, thuyền của ngư dân vào tránh trú tại các âu tàu, hỗ trợ ngư dân về nghiệp vụ đi biển, cách tự cứu chữa bệnh khi độc hành trên biển, các kỹ năng tồn tại trên biển khi gặp tai nạn, sự cố. Cùng với lực lượng y tế chuyên trách, bộ đội trên đảo thường xuyên hỗ trợ ngư dân khi gặp tình huống đột xuất, bất ngờ, tập trung cứu hộ, bảo vệ ngư dân trong mọi tình huống.

Thượng tá Trần Văn Quyển, Phó Lữ đoàn trưởng, Tham mưu trưởng Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải quân cho biết bên cạnh nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và phối hợp với các lực lượng thực hiện nhiệm vụ trên quần đảo Trường Sa, công tác bảo vệ, hỗ trợ, chăm sóc sức khỏe cho các ngư dân sản xuất trên biển được coi là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của đơn vị. Điều này không chỉ khiến Trường Sa gần thêm với đất liền, mà còn tạo niềm tin cho các ngư dân trong mỗi chuyến ra khơi, yên tâm khai thác nguồn lợi thủy hải sản trên vùng biển của Tổ quốc Việt Nam./.

Nguyễn Cúc (TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/khanh-hoa-nhung-chien-sy-ao-trang-o-trung-tam-y-te-thi-tran-truong-sa/848261.vnp