Khánh Hòa nỗ lực giảm nghèo ở hai huyện miền núi

Tỉnh Khánh Hòa vẫn đang nỗ lực bứt tốc, gỡ khó trong triển khai các chương trình hỗ trợ, giúp đỡ người dân hai vùng miền núi với kỳ vọng, cuối năm 2024, hai huyện đều thoát khỏi danh sách huyện nghèo.

Đại diện ngân hàng Chính sách xã hội huyện Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa thu vốn vay tại hộ gia đình. Ảnh: Phan Sáu - TTXVN

Đại diện ngân hàng Chính sách xã hội huyện Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa thu vốn vay tại hộ gia đình. Ảnh: Phan Sáu - TTXVN

Vận dụng linh hoạt các cơ chế đặc thù và tiềm lực nội tại, tỉnh Khánh Hòa quyết tâm đến cuối năm 2024 sẽ đưa hai huyện miền núi Khánh Sơn, Khánh Vĩnh thoát khỏi huyện nghèo 30a (theo Quyết định số 353/QĐ-TTg ngày 15/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ). Tuy nhiên, hiện còn nhiều khó khăn, thách thức, nên hai địa phương cần nỗ lực hơn nữa để về đích thoát nghèo.

Tạo sinh kế bền vững

Đầu năm 2024, Khánh Hòa còn 7.298 hộ nghèo, chiếm 2,11%. Theo kế hoạch, đến cuối năm 2024, tỉnh phấn đấu mức giảm tỷ lệ hộ nghèo đạt 0,48% so với cuối năm 2023, số hộ nghèo sẽ giảm còn 5.708 hộ (giảm 1.590 hộ), tỷ lệ hộ nghèo còn 1,63%. Trong 6 tháng đầu năm, huyện Khánh Vĩnh còn 2.473 hộ nghèo, tỷ lệ hộ nghèo là 22,65%, dự kiến cuối năm 2024 sẽ là 17,81% trên tổng số hộ dân. Huyện Khánh Sơn còn 2.099 hộ nghèo, tỷ lệ hộ nghèo là 27,33%, dự kiến cuối năm 2024 giảm xuống còn 22,99%, đáp ứng được tiêu chí thoát khỏi huyện nghèo.

Thực hiện các chương trình giảm nghèo, huyện Khánh Sơn huy động nhiều nguồn lực đầu tư xây dựng, nâng cấp các công trình công cộng phục vụ dân sinh, phát triển kinh tế - xã hội với tổng kinh phí hơn 134 tỷ đồng; tạo điều kiện cho hơn 1.400 lượt hộ nghèo, cận nghèo tiếp cận vay vốn ưu đãi phát triển kinh tế. Ngoài việc phân công cán bộ, đảng viên trực tiếp phụ trách, giúp đỡ các hộ dân, UBND huyện còn thành lập Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu cấp huyện, 14 ban chỉ đạo cấp xã và 39 ban phát triển thôn, tổ dân phố để triển khai, giám sát chặt chẽ các hoạt động.

Phó Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn Nguyễn Quốc Đông cho biết, huyện đã có 5 mã vùng trồng cây ăn trái, mở ra con đường xuất khẩu nông sản ra nước ngoài. Từ đây, sẽ tạo đòn bẩy để người dân “kéo nhau” làm ăn, vươn lên thoát nghèo.

Hai huyện Khánh Sơn, Khánh Vĩnh cũng tiến hành bóc tách đất của lâm trường để giao cho người dân sản xuất, tạo sinh kế bền vững. Đây là chính sách của Đảng, Nhà nước nhằm góp phần giải quyết vấn đề thu nhập, đồng thời động viên người dân nhận khoán để bảo vệ, khai thác lợi nhuận từ rừng, ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho hay.

Hiện nay, mạng wifi miễn phí đã được lắp đặt, đưa về đến buôn làng, góp phần mở mang văn hóa, tri thức, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội ở các khu vực xa xôi này. Đặc biệt, hai huyện miền núi trên đã hoàn thành mức độ 2 của Đề án 06. Đây là nỗ lực rất lớn của người dân và chính quyền địa phương.

Tận dụng cơ chế đặc thù

Người dân huyện Khánh Vĩnh sử dụng vốn vay từ ngân hàng đầu tư sản xuất, phát triển kinh tế. Ảnh: Phan Sáu - TTXVN

Người dân huyện Khánh Vĩnh sử dụng vốn vay từ ngân hàng đầu tư sản xuất, phát triển kinh tế. Ảnh: Phan Sáu - TTXVN

Nghị quyết 09-NQ/TW ngày 28/1/2022 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đặt mục tiêu: Giai đoạn 2021-2025, tỷ lệ nghèo đa chiều giảm từ 1-1,5%/năm và tiến tới không còn hộ nghèo vào cuối năm 2025.

UBND tỉnh xác định, đến cuối năm 2024 hoàn thành xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, cận nghèo của hai huyện. Cụ thể, tỉnh xây mới khoảng 1.300 căn nhà và sửa chữa 1.500 căn với tổng kinh phí tầm 200 tỷ đồng.

Người dân nuôi bò, sinh kế bền vững để thoát nghèo. Ảnh: Phan Sáu - TTXVN

Người dân nuôi bò, sinh kế bền vững để thoát nghèo. Ảnh: Phan Sáu - TTXVN

“Cơ chế đặc thù theo Nghị quyết 17 kéo dài đến năm 2027, do đó sau năm 2024 tỉnh vẫn tiếp tục sử dụng ngân sách của các địa phương trong tỉnh hỗ trợ cho hai huyện, nhằm giúp người dân ổn định, tránh tình trạng tái nghèo”, ông Nguyễn Tấn Tuân thông tin.

Cơ chế đặc thù cũng được tận dụng để triển khai việc kết nối giao thông liên huyện giữa Khánh Sơn và Khánh Vĩnh. Tương lai, địa phương sẽ khởi công đường nối liền hai huyện với tổng mức đầu tư 1.950 tỷ đồng. Con đường cũng góp phần kết nối 2 huyện với 2 tỉnh Lâm Đồng, Ninh Thuận và phía Tây vùng đồi núi của thị xã Ninh Hòa, tạo điều kiện giao thương, đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến nông sản, thúc đẩy hình thành vùng nông nghiệp quy mô lớn, phát huy tối đa thế mạnh của địa phương. Tuyến đường đi qua rừng núi, trong đó có 2 thác nước nổi tiếng là Yang Bay, Tà Gụ..., từ đó có thể phát triển du lịch gắn với bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc Raglai. Con đường này cũng có ý nghĩa rất lớn về mặt quốc phòng.

Nỗ lực bứt tốc, gỡ khó

Tại huyện miền núi Khánh Vĩnh, Khu công nghiệp Sông Cầu được tỉnh kỳ vọng giải quyết việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số. Hiện nay, Nhà máy Chế biến nguyên liệu Yến sào Sanvinest Khánh Hòa có khoảng 350 lao động, trong đó 10% là đồng bào dân tộc thiểu số, lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo của huyện Khánh Vĩnh. Mức thu nhập bình quân của người lao động từ 8-11 triệu đồng/tháng.

Bà Phạm Thị Thu Huyền, Giám đốc Nhà máy Chế biến nguyên liệu Yến sào Sanvinest

Khánh Hòa thông tin, trước khi đi vào hoạt động, đơn vị đã có chính sách thu hút lao động dân tộc thiểu số vào làm việc. Thực tiễn cho thấy, số lao động này thích ứng rất tốt với môi trường làm việc; suy nghĩ, nhận thức của họ thay đổi rất lớn, không còn tâm lý e ngại, bỏ việc. Tuy nhiên, khó khăn nhất đối với việc tuyển dụng lực lượng này là trình độ lao động.

Nguồn bò giống được trao cho hộ nghèo, hộ cận nghèo của huyện Khánh Vĩnh. Ảnh: Phan Sáu - TTXVN

Nguồn bò giống được trao cho hộ nghèo, hộ cận nghèo của huyện Khánh Vĩnh. Ảnh: Phan Sáu - TTXVN

Ông Đinh Văn Thiệu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, Nghị quyết số 55/2022/QH15 với nhiều chính sách đặc thù đã hỗ trợ cho tỉnh. Tuy nhiên, thực tế triển khai vẫn còn rất nhiều khó khăn như nguồn vốn chuyển chưa kịp thời về các địa phương, lúng túng trong việc giải ngân ở các trường hợp mới… UBND tỉnh đề nghị hai huyện Khánh Sơn, Khánh Vĩnh tập trung mọi nguồn lực khẩn trương xây mới, sửa chữa nhà ở cho hộ nghèo, cận nghèo; khắc phục khó khăn, cấp giấy chứng nhận sử dụng đất cho các hộ được hỗ trợ xây mới nhà ở. Hai địa phương chỉ đạo UBND cấp xã hỗ trợ, hướng dẫn, giúp đỡ người dân; đảm bảo đến cuối năm 2024 phải hoàn thành việc xây mới, sửa chữa nhà ở cho hộ nghèo, cận nghèo…

Đối với việc giải ngân nguồn vốn đầu tư 2 chương trình mục tiêu quốc gia và nguồn vốn theo Nghị quyết 17, các địa phương chủ động rà soát khó khăn, vướng mắc liên quan để giải quyết, báo cáo UBND tỉnh xem xét, tháo gỡ khó khăn trong thẩm quyền để có lộ trình cụ thể giải ngân vốn đầu tư của từng công trình, dự án; đôn đốc các đơn vị chủ đầu tư khẩn trương giải ngân nguồn vốn…

Tỉnh Khánh Hòa vẫn đang nỗ lực bứt tốc, gỡ khó trong triển khai các chương trình hỗ trợ, giúp đỡ người dân hai vùng miền núi với kỳ vọng, cuối năm 2024, hai huyện đều thoát khỏi danh sách huyện nghèo.

Phan Sáu/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/khanh-hoa-no-luc-giam-ngheo-o-hai-huyen-mien-nui/344899.html