Khánh Hòa: Nuôi cơm trưa, uống sữa miễn phí để ngăn học trò miền núi bỏ học
Hơn 20 năm qua đến nay tỉnh Khánh Hòa có các chính sách hỗ trợ cho toàn bộ học sinh con em đồng bào dân tộc ít người trong toàn tỉnh, theo cách rất riêng của tỉnh như cấp 'học bổng gạo', nuôi cơm trưa, cấp sữa uống miễn phí uống hàng ngày để ngăn học sinh miền núi bỏ học...
Theo ông Đỗ Hữu Quỳnh, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Khánh Hòa, một trong các chính sách dành cho giáo dục được đầu tư và đang thực hiện bằng nguồn ngân sách của tỉnh đó là cấp sữa miễn phí cho toàn bộ học sinh mầm non ở hai huyện miền núi Khánh Sơn, Khánh Vĩnh uống trong suốt cả năm học. Đồng thời, tất cả học sinh các trường tiểu học, mầm non ở hai huyện miền núi còn được nuôi ăn cơm trưa tại trường vào những ngày đi học.
Học sinh bỏ học đã giảm hẳn
Nhiều chế độ học bổng, hỗ trợ học tập dành cho con em đồng bào dân tộc ít người của tỉnh Khánh Hòa không chỉ dành cho các đối tượng thuộc diện chính sách theo quy định chung của nhà nước mà còn được mở rộng, hỗ trợ cho toàn bộ con em đồng bào dân tộc ít người trong toàn tỉnh.
Ngày 20.11.2024, trao đổi với phóng viên về chính sách của tỉnh Khánh Hòa dành cho con em đồng bào dân tộc ít người và học sinh miền núi kể trên, bác sĩ Mấu Văn Phi (dân tộc Ra-glai) – Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy, chủ tịch HĐND huyện Khánh Vĩnh, cho biết: "Phải công nhận đó là các chính sách rất nhân văn. Nhìn chung, về mặt dinh dưỡng, trẻ em ở huyện miền núi này bây giờ đi học đã được tăng cân, tròn trịa hơn trẻ em hồi xưa rất nhiều".
Cũng theo ông Phi thì "học sinh ở các cấp học nhỏ đó không còn bỏ học như trước nữa. Phụ huynh là đồng bào dân tộc ít người trên này bây giờ cho con em đi học đã vui vẻ rất nhiều rồi, họ không cho nghỉ đâu".
Chứng minh cho những nhận xét đó của Bí thư Huyện ủy Mấu Văn Phi, ông Lê Minh Trung, Trưởng Phòng Giáo dục và đào tạo huyện Khánh Vĩnh, cho biết thêmtoàn huyện Khánh Vĩnh hiện có 14 trường mầm non với 3.241 học sinh (trẻ từ 12 tháng tuổi đến 6 tuổi).
Ngoài trường Mầm non 2-8 có số học sinh đông nhất (448 học sinh) ở tại thị trấn, các trường mầm non còn lại đều ở các xã, mỗi trường đều có từ hơn 100 đến 329 trẻ theo học.
Theo kiểm tra của Phòng Giáo dục và Đào tạo, đến 25.10 vừa qua cả huyện chỉ có 2 học sinh mầm non của một trường nghỉ học. Tất cả trường còn lại đều không có học sinh nghỉ bỏ học.
Còn ở cấp tiểu học, Khánh Vĩnh hiện có 15 trường với tổng số 4.616 học sinh. Theo kết quả kiểm tra đến thời điểm trên (25.10) có 11 học sinh nghỉ học. Nguyên nhân, theo Phòng Giáo dục và Đào tạo, có một số em bị lưu ban, lớn tuổi lười học nên nghỉ luôn và một số em phải theo bố mẹ đi làm ăn ở nơi khác.
Theo ông Trung, các trường tiểu học và mầm non huy động được số học sinh đi học và giữ được học sinh không nghỉ học, bỏ học như trên là nhờ rất nhiều có chính sách học bổng nuôi cơm trưa và cho uống sữa miễn phí của tỉnh.
Còn ông Đỗ Hữu Quỳnh cũng cho biết, nếu không có các chính sách đó thì học sinh ở hai huyện miền núi nghỉ học, bỏ học sẽ tăng lên ngay.
Hơn 5.600 trẻ mầm non miền núi Khánh Hòa được uống sữa miễn phí hằng ngày
Theo chính sách hiện nay, toàn bộ học sinh tiểu học, mầm non các trường miền núi Khánh Hòa, tại hai huyện Khánh Sơn, Khánh Vĩnh, đều được nhà trường nấu cho ăn cơm trưa tại trường vào những ngày đi học.
Tất cả khoảng hơn 5.600 trẻ mầm non ở 2 huyện Khánh Sơn, Khánh Vĩnh còn được cấp sữa cho uống miễn phí khi đến trường.
Theo ông Lê Minh Trung, ngoài "học bổng" ăn trưa cho học sinh, tỉnh còn có chế độ cho bảo mẫu (trường mầm non) và cấp dưỡng (trường tiểu học) để trường tổ chức nấu, phục vụ học sinh ăn trưa tại trường (tuy chế độ cho các nhân viên đó hiện nay đã "lạc hậu" nên khá thấp).
Học bổng cơm trưa cho học sinh tiểu học, mầm non là người dân tộc ít người, ở miền núi được tỉnh Khánh Hòa ban hành thực hiện đến nay đã hơn 12 năm, theo nghị quyết của HĐND tỉnh thông qua từ tháng 7.2012.
Điểm trường A Xây (điểm phụ thuộc Trường Tiểu học Khánh Nam) tại xã Khánh Nam, huyện Khánh Vĩnh (Khánh Hòa). Ảnh: Phan Sông Ngân
Còn về cấp sữa miễn phí cho trẻ mầm non ở miền núi Khánh Hòa, theo ông Đỗ Hữu Quỳnh, đó là chính sách tiếp nối chương trình "Sữa học đường" theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, thực hiện từ năm 1016 nhưng đã kết thúc từ năm 2020.
Sau khi kết thúc chương trình trên, tỉnh Khánh Hòa đã tiếp tục duy trì chính sách "sữa học đường" dành cho trẻ em miền núi bằng ngân sách của tỉnh.
Kể từ đầu học hiện nay, theo đề án Sữa học đường đã được HĐND tỉnh Khánh Hòa thông qua (theo Nghị quyết 130/NQ-HĐND ngày 14.12.2023), trẻ mầm non học tại các trường hai huyện miền núi Khánh Hòa trên được uống sữa miễn phí tăng thêm, uống đủ tất cả 5 ngày đi học trong tuần (từ thứ 2 đến thứ 6).
Nhà trường và các thầy cô giáo có trách nhiệm tổ chức cho trẻ uống sữa ngay tại lớp. Hằng ngày, theo quy định từ 8h30 đến 9h tất cả học sinh các trường mầm non ở hai huyện miền núi Khánh Sơn và Khánh Vĩnh của tỉnh Khánh Hòa đều đồng loạt được cho uống sữa miễn phí. Nếu trẻ nghỉ học thì sẽ được cho uống bù vào ngày đi học lại hôm sau (vào 15h30).
Nguồn sữa được Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức đấu giá để mua, doanh nghiệp trúng thầu có trách nhiệm cung cấp sữa đúng quy chuẩn cho từng trường mỗi tháng hai đợt.
Đề án Sữa học đường của tỉnh Khánh Hòa dành cho trẻ mầm non hai huyện miền núi nêu trên kéo dài từ năm 2024 đến năm 2030, tổng kinh phí hơn 61,5 tỷ đồng. Mỗi năm, dự toán tiền sữa để cấp miễn phí từ gần 8,2 tỷ đến gần 9,3 tỷ đồng.
Trong đó, ngân sách tỉnh là 65%, còn đơn vị cung cấp sữa hỗ trợ 25% (thông qua đấu thầu).
Một bữa ăn cơm trưa của học sinh tiểu học, tại điểm trường A Xây (điểm phụ của Trường Tiểu học Khánh Nam, ở xã Khánh Nam, huyện Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: Cao Thị Vũ
"Học bổng gạo" Khánh Hoa từ hơn 20 năm trước
Khánh Hòa cũng là tỉnh đã có “chính sách rất đẹp” là hỗ trợ gạo cho toàn bộ học sinh đồng bào dân tộc ít người ở hai huyện núi và các địa bàn trong tỉnh cách đây hơn 20 năm để ngăn dòng bỏ học.
Ông Phạm Văn Chi, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa (nhiệm kỳ năm 1999-2004), kể lại với phóng viên, rằng khi ông còn làm chủ tịch tỉnh Khánh Hòa, có lần lên họp tại huyện miền núi Khánh Sơn và nghe huyện báo cáo về tình hình học sinh đồng bào dân tộc bỏ học quá nhiều.
Ông Chi đề nghị Sở Tài chính và các sở liên quan báo cáo, nếu mua gạo cấp cho toàn bộ học sinh dân tộc ít người trong cả tỉnh khi đi học, ít nhất 10kg/học sinh/tháng thì mỗi năm hết khoảng bao nhiêu tiền? Sau khi có báo cáo, UBND tỉnh đã trình và HĐND tỉnh đã thông qua ngay và từ đó Khánh Hòa có "học bổng gạo" dành cho học sinh dân tộc ít người toàn tỉnh.
Sau đó, chính sách “học bổng gạo” kể trên được điều chỉnh, thay đổi tăng dần mức đầu tư hỗ trợ học tập cho học sinh dân tộc ít người, ở miền núi và mở rộng thêm đối tượng được hưởng thụ như "học bổng" nuôi cơm trưa, sữa học đường kể trên.