Khánh Hòa: Phát huy vai trò tổ hòa giải ở cơ sở
Xác định thực hiện tốt công tác hòa giải ở cơ sở sẽ góp phần tăng cường xây dựng tình đoàn kết tương thân, tương ái trong cộng đồng, vun đắp sự hòa thuận, hạnh phúc cho từng gia đình và đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, những năm qua, công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa luôn được cấp ủy, chính quyền quan tâm, chú trọng và đạt được nhiều kết quả tích cực.
Tại tỉnh Khánh Hòa, những năm qua, với phương châm “giải quyết dứt điểm từ cơ sở”, nên ở những cơ sở xảy ra các vụ việc liên quan đến tranh chấp, hôn nhân gia đình, dân sự nhỏ… đã được các hòa giải viên tổ hòa giải ở các thôn, bản, khu phố phối hợp cùng cán bộ các xã, thị trấn phân tích khéo léo, giải thích hợp tình, hợp lý, vận động nhân dân để giải quyết dứt điểm ngay từ khi mới phát sinh. Do đó, hoạt động hòa giải ở cơ sở với chất lượng hòa giải ngày càng được nâng lên rõ rệt, góp phần giữ gìn khối đoàn kết trong nội bộ nhân dân, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương.
Trong 6 tháng đầu năm 2020, số vụ việc tiếp nhận hòa giải ở tỉnh Khánh Hòa là 231 vụ, hòa giải thành 208 vụ (đạt tỷ lệ 87,9%). Các tổ hòa giải thông qua việc hòa giải đã góp phần tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước đến nhân dân sâu rộng và toàn diện.
Để đạt được kết quả trên, UBND các huyện, thị xã, thành phố đã chỉ đạo Phòng Tư pháp tổ chức các buổi tập huấn cho các hòa giải viên với các nội dung trọng tâm như: Hiến pháp năm 2013; Luật Hòa giải ở cơ sở; các quy định của pháp luật trong lĩnh vực dân sự, đất đai, hôn nhân và gia đình; khiếu nại, tố cáo; kỹ năng phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở. Đồng thời, thường xuyên cử cán bộ, công chức tiến hành kiểm tra công tác tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở, nhằm kịp thời hướng dẫn, chỉ đạo xử lý những khó khăn, vướng mắc phát sinh.
Đến nay, toàn tỉnh Khánh Hòa có 984 tổ hòa giải, với 4.956 hòa giải viên. Các tổ hòa giải ở cơ sở được kiện toàn, cơ bản có đầy đủ các thành phần tham gia như: Mặt trận Tổ quốc, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân và những người có uy tín, đủ năng lực được lựa chọn. Đây là điều kiện thuận lợi cho việc lãnh chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền đối với hoạt động hòa giải ở cơ sở.
Bà Nguyễn Thị Lan Phương - Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Khánh Hòa, cho biết: “Trong thời gian tới, Sở Tư pháp tỉnh Khánh Hòa chỉ đạo Phòng Tư pháp các địa phương tiếp tục tăng cường triển khai, tuyên truyền, phổ biến Luật Hòa giải ở cơ sở thông qua nhiều hình thức, phù hợp với từng đối tượng. Từ đó, từng bước đưa pháp luật hòa giải vào cuộc sống, xây dựng ý thức “sống, làm việc theo Hiến pháp và pháp luật” trong nhân dân, góp phần phát triển kinh tế xã hội ngày càng vững mạnh, trật tự an toàn xã hội, an ninh chính trị được đảm bảo và giữ vững”.