Khánh Hòa: Quyết liệt khống chế dịch tả lợn châu Phi

Ngày 20/6, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Khánh Hòa Lê Bá Ninh, cho biết, kết quả xét nghiệm hai mẫu bệnh phẩm trên đàn lợn chết tại xã Cam Thành Bắc, huyện Cam Lâm đều dương tính với bệnh dịch tả lợn châu Phi (ASF).

Theo báo cáo của Sở NN-PTNT Khánh Hòa, ngày 12/6, cơ quan này nhận được thông tin có lợn chết thu gom tại bãi đất trống của Xí nghiệp Cát, thôn Tân Phú, xã Cam Thành Bắc, huyện Cam Lâm. Sau khi nhận được tin báo, đơn vị đã chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tiến hành kiểm tra thực tế ổ dịch.

Tại thời điểm kiểm tra, đoàn ghi nhận có khoảng 100 con lợn khoảng 80kg đã chết chưa xác định được chủ lợn và có triệu chứng nghi mắc bệnh truyền nhiễm.

Sau đó, số lợn này đã được tiêu hủy toàn bộ tại chỗ. Rắc vôi bột, phun thuốc vệ sinh tiêu độc toàn bộ khu vực lợn chết và nơi tiêu hủy lợn. Bên cạnh đó, tăng cường kiểm tra, giám sát tình hình dịch bệnh trên đàn lợn.

Theo ông Lê Bá Ninh, do thời tiết diễn biến cực đoan thay đổi bất lợi làm giảm sức đề kháng của vật nuôi, nguy cơ xảy ra bệnh dịch tả lợn châu Phi trong thời gian tới là rất cao.

Rắc vôi bột, phun thuốc vệ sinh tiêu độc toàn bộ khu vực lợn chết.

Rắc vôi bột, phun thuốc vệ sinh tiêu độc toàn bộ khu vực lợn chết.

Để chủ động ngăn chặn bệnh dịch tả lợn châu Phi phát tán và lây lan trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, đảm bảo phát triển chăn nuôi bền vững, Sở NN-PTNT Khánh Hòa đã có văn bản đề nghị các địa phương khẩn trương triển khai thực hiện ngay các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.

Theo đó, Sở NN-PTNT Khánh Hòa đề nghị UBND huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo UBND cấp xã triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.

Trong đó, tăng cường giám sát, phát hiện sớm những trường hợp bệnh, chết; khai báo chính quyền và ngành thú y lấy mẫu, nếu xét nghiệm phát hiện virus dịch tả lợn châu Phi phải tiến hành tiêu hủy khẩn cấp trong 24 giờ; tổ chức triển khai đầy đủ, quyết liệt các biện pháp chống dịch.

Bên cạnh đó, thống kê lại toàn bộ số hộ nuôi lợn trên địa bàn. Chuẩn bị sẵn sàng địa điểm, nhân lực và vật tư chống dịch và triển khai tiêu hủy nhanh chóng khi phát hiện lợn bệnh, chết do mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi, tránh lây lan.

Thành lập đoàn kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc vận chuyển, buôn bán, giết mổ tại các cơ sở giết mổ trên địa bàn.

Lập danh sách các điểm giết mổ không được phép giết mổ, không được cơ quan thú y kiểm soát và báo cáo danh sách điểm giết mổ trái phép về Sở NN-PTNT trước ngày 30/6 để phối hợp xử lý nghiêm tình trạng giết mổ trái phép làm phát tán, lây lan dịch bệnh.

Tổ chức tuyên truyền, khuyến cáo người chăn nuôi, buôn bán, giết mổ lợn thực hiện "5 không" theo đúng quy định của Luật Thú y.

Sở NN-PTNT Khánh Hòa cũng đề nghị UBND huyện Cam Lâm chỉ đạo quyết liệt UBND các xã, thị trấn triển khai phòng, chống dịch bệnh. Trong đó, tập trung kiểm tra, thống kê chính xác tình hình chăn nuôi và dịch bệnh ở đàn lợn tại địa phương.

Chỉ đạo các cơ quan chức năng, Công an huyện nhanh chóng điều tra, xác minh nguồn gốc số lợn chết tập kết tại xã Cam Thành Bắc và xử lý nghiêm cá nhân vi phạm theo quy định.

Đồng thời, đề nghị Chi cục Chăn nuôi và Thú y chỉ đạo lực lượng thú y trên địa bàn tỉnh tăng cường kiểm tra, giám sát tình hình dịch bệnh. Nếu phát hiện heo bệnh, nghi mắc bệnh dịch tả heo châu Phi, lợn chết không rõ nguyên nhân thì lấy mẫu xét nghiệm và xử lý kịp thời tránh lây lan.

Giám sát chặt chẽ tình hình chăn nuôi và dịch bệnh tại các trang trại chăn nuôi lợn. (Ảnh minh họa).

Giám sát chặt chẽ tình hình chăn nuôi và dịch bệnh tại các trang trại chăn nuôi lợn. (Ảnh minh họa).

Bên cạnh đó, hướng dẫn người chăn nuôi tăng cường theo dõi, giám sát đàn lợn, tổ chức tiêm phòng vaccine phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên đàn lợn (lở mồm long móng, tai xanh, dịch tả lợn châu Phi…); rắc vôi bột, phun thuốc vệ sinh tiêu độc khu vực chăn nuôi định kỳ.

Ngoài ra, Chi cục Chăn nuôi và Thú y cần giám sát chặt chẽ tình hình chăn nuôi và dịch bệnh tại các trang trại chăn nuôi lợn gia công của Công ty chăn nuôi C.P. Việt Nam và Công ty TNHH CJ VINA AGRI - CN Bình Dương trên địa bàn.

Kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc vận chuyển, giết mổ tại các cơ sở giết mổ trên địa bàn. Phối hợp xử lý nghiêm các cơ sở giết mổ lợn có dấu hiệu mắc bệnh, cơ sở không được phép giết mổ, không được cơ quan thú y kiểm soát.

Trong trường hợp phát hiện vật nuôi mắc bệnh, chết, có dấu hiệu mắc bệnh truyền nhiễm hoặc vật nuôi bị chết bất thường mà không rõ nguyên nhân phải thực hiện ngay việc khai báo dịch bệnh động vật cho nhân viên thú y cấp xã, UBND cấp xã hoặc trạm chăn nuôi và thú y.

M.L

Nguồn Công Lý: https://congly.vn/khanh-hoa-quyet-liet-khong-che-dich-ta-lon-chau-phi-437008.html