Khánh Hòa: Số ca mắc sốt xuất huyết gia tăng, 1 ca tử vong
So với cùng kỳ năm 2022, số ca mắc sốt xuất huyết đều ghi nhận có sự gia tăng ở tất cả các địa phương trong tỉnh Khánh Hòa, trong đó có 1 ca tử vong.
Số ca mắc sốt xuất tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái
Ngày 10/4, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Khánh Hòa cho biết, tính đến 7/4, toàn tỉnh đã ghi nhận 1.077 trường hợp mắc sốt xuất huyết.
Trong đó, số ca từ 15 tuổi trở xuống là 520 ca (chiếm tỉ lệ 48,3%), số ca trên 15 tuổi là 557 ca (chiếm tỉ lệ 51,7%); có 1 ca tử vong tại xã Ninh Phụng, thị xã Ninh Hòa.
Thị xã Ninh Hòa là địa phương có số mắc cao nhất với 497 ca, chiếm hơn 46% số ca mắc toàn tỉnh; tiếp đến là Tp.Nha Trang 266 ca, huyện Vạn Ninh 101 ca, huyện Diên Khánh 71 ca…
Tổng số ổ dịch được ghi nhận và xử lý là 76 ổ dịch. Các ổ dịch tập trung chủ yếu tại thị xã Ninh Hòa 32 ổ dịch; Tp.Nha Trang 30 ổ dịch; huyện Cam Lâm 7 ổ dịch; các huyện Diên Khánh, Vạn Ninh, Khánh Vĩnh mỗi địa phương có 2 ổ dịch và Tp.Cam Ranh 1 ổ dịch.
So với cùng kỳ 2022 (186 ca, không trường hợp tử vong, 3 ổ dịch) số mắc tăng 5,8 lần; số ổ dịch tăng hơn 25 lần; số tử vong tăng 1 ca.
Theo CDC Khánh Hòa, so cùng kỳ năm 2022, số ca mắc sốt xuất huyết đều ghi nhận có sự gia tăng ở tất cả các địa phương trong tỉnh. Trong đó, Ninh Hòa, Khánh Vĩnh, Nha Trang, Diên Khánh có sự gia tăng mạnh.
Đánh giá nguyên nhân, CDC Khánh Hòa cho biết, mặc dù số ca mắc sốt xuất những tháng cuối năm 2022 đã giảm, tuy nhiên vẫn còn ghi nhận mức cao, tháng 12/2022 là 599 ca. Chính vì thế, đến những tháng đầu năm 2023, số ca mắc vẫn còn ở mức cao, còn hơn 300 ca/tháng.
Bên cạnh đó, công tác giám sát phát hiện bệnh còn muộn, xử lý dịch không kịp thời. Nguyên nhân là vẫn còn một số người dân chủ quan, tự mua thuốc về nhà điều trị do đó đã gây khó khăn cho việc giám sát, phát hiện sớm ca bệnh, xử lý các ổ dịch kịp thời, hạn chế lây lan.
Ngoài ra, vẫn còn sự chủ quan, lơ là của người dân trong việc phòng bệnh sốt xuất huyết chưa tự giác thực hiện các biện pháp phòng chống.
Qua các đợt kiểm tra giám sát của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật cho thấy, tại các hộ gia đình mặc dù có người bệnh sốt xuất huyết nhưng vẫn còn tồn tại các vật chứa có bọ gậy trong các vật dụng chứa nước.
Các chiến dịch diệt bọ gậy do các địa phương tổ chức không hiệu quả. Các nhóm diệt bọ gậy chủ yếu thực hiện tuyên truyền vận động người dân tự diệt bọ gậy là chính chứ chưa thực hiện việc tìm, diệt bọ gậy.
Kết quả giám sát của Trung tâm kiểm soát bệnh tật tại một số địa phương cho thấy, các chỉ số vẫn còn cao, không hiệu quả.
Công tác truyền thông chưa đạt hiệu quả, người dân chưa hiểu được bệnh sốt xuất huyết và cách phòng chống như thế nào dẫn đến người dân trữ nước trong các dụng cụ chứa nước nhưng không che đậy kín tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi sinh sản.
Các thông tư, văn bản hướng dẫn chi cho công tác diệt bọ gậy hiện không có. Vì vậy, các địa phương rất lúng túng, khó khăn khi thực hiện chi trả công cho các nhóm/tổ diệt bọ gậy khi tổ chức các hoạt động xử lý dịch.
Các giải pháp trong thời gian tới
Ngoài các công tác tổ chức, chỉ đạo, CDC Khánh Hòa đã tổ chức đoàn, kiểm tra, giám sát, đánh giá hiệu quả các đợt xử lý tại các xã, phường có ổ dịch đang hoạt động tại 7/8 huyện (trừ huyện Khánh Sơn).
Qua đó, đã kiến nghị cùng ban chỉ đạo phòng chống dịch các xã, phường tiếp tục thực hiện các giải pháp phòng chống dịch nhằm khống chế các ổ dịch còn đang hoạt động.
Trung tâm Y tế các địa phương tăng cường công tác giám sát, phát hiện bệnh nhân, xử lý kịp thời các ổ dịch phát sinh. Ban chỉ đạo phòng chống dịch xã, phường huy động lực lượng tổ chức diệt bọ gậy tại các điểm nguy cơ cao với tần suất 1 tuần/lần theo Chỉ thị 15 của UBND tỉnh...
Để phòng chống sốt xuất huyết trong thời gian tới, CDC Khánh Hòa cho biết sẽ thực hiện nhiều giải pháp.
Trong đó, tiếp tục tuyên truyền các biện pháp phòng chống sốt xuất huyết, đặc biệt là diệt muỗi vằn và lăng quăng, bọ gậy tại các hộ gia đình bằng nhiều hình thức, nhiều kênh truyền thông giúp người dân hiểu rõ nguy hiểm của bệnh, tích cực chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống.
Tổ chức diệt lăng quăng, bọ gậy hàng tuần hoặc mỗi 2 tuần/lần tại các địa bàn, khu vực có nguy cơ cao. Trong đó, chú ý kế hoạch triển khai cần cụ thể, chi tiết, phân công trách nhiệm cụ thể nhằm không để sót các hộ gia đình, các dụng cụ không được xử lý.
Tiếp tục giám sát, phát hiện sớm, xử lý ổ dịch kịp thời, triệt để theo đúng quy định của Bộ Y tế. Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm ở người tuyến huyện xã tổ chức đoàn kiểm tra giám sát việc thực hiện xử lý dịch tại địa phương.
Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới tỉnh Khánh Hòa tập huấn phác đồ điều trị sốt xuất huyết mới nhất của Bộ Y tế cho các bệnh viện tuyến huyện.
Phòng Y tế kiểm tra việc điều trị sốt xuất huyết tại các phòng khám tư, khuyến cáo các bác sĩ khám phòng khám tư nhân lưu ý bệnh nhân sốt xuất huyết trong mùa dịch, chuyển bệnh viện kịp thời, hạn chế để bệnh nặng nguy cơ tử vong…