Khánh Hòa thêm mùa muối 'đắng'

Vụ muối năm 2017 ở Khánh Hòa bị mất mùa đã dồn thêm khó khăn lên diêm dân, vốn đã lâm vào cảnh khốn đốn sau hai vụ liên tiếp năm 2015 – 2016 muối 'được mùa, mất giá'.

Ruộng muối ở thị xã Ninh Hòa chưa thể sản xuất do nước biển bị ngọt hóa. Ảnh: Nguyên Lý-TTXVN Qua nửa vụ… vẫn chưa sản xuất được muối

Tỉnh Khánh Hòa hiện có 975 ha ruộng sản xuất muối; trong đó, thị xã Ninh Hòa là “thủ phủ” sản xuất muối của tỉnh với gần 800 ha, tập trung ở các phường Ninh Diêm, Ninh Hải, Ninh Thủy và xã Ninh Thọ.

Đến hết tuần đầu của tháng 5, vụ muối ở Khánh Hòa đã đi qua được một nửa thời gian nhưng diêm dân vẫn chưa sản xuất được muối. Trên các cánh đồng muối của người dân và hợp tác xã vắng bóng người, thay vì không khí sản xuất nhộp nhịp cảnh người cào, người gánh muối… như ở những vụ trước.

Đã quá trưa, dưới cái nắng gay gắt của những ngày đầu tháng 5, chúng tôi mới gặp được ông Nguyễn Tấn Cường, 56 tuổi, thôn Phú Thọ, phường Ninh Diêm, thị xã Ninh Hòa, đi thăm 2 ha ruộng sản xuất muối.

Ở cùng thời điểm này năm ngoái, ông Cường đã sản xuất được khoảng 100 tấn muối. Năm ngoái, mặc dù giá muối chỉ bán được 300 đồng/kg, nhưng ông Cường vẫn có thu nhập dù ít ỏi để trang trải cuộc sống.

Còn năm nay, nửa vụ muối đã đi qua nhưng ông Cường vẫn chưa thu được một đồng tiền nào từ muối, mặc dù đây là nghề chính.

Phóng tầm mắt về phía ruộng sản xuất muối còn ngập nước, ông Cường bày tỏ, nửa vụ muối vừa qua, bà con diêm dân đều “thất nghiệp”.

Vì từ đầu năm 2017 đến nay, nguồn nước bị ngọt hóa do mưa trái mùa nên không thể sản xuất được muối. Người dân đi khắp nơi tìm việc làm, ai kêu gì làm nấy.

Trái ngược với sự đìu hiu trên các cánh đồng muối rộng lớn, là cảnh nhộn nhịp đánh bắt cá, tôm, ốc… ở con sông nhỏ nằm giữa hai cánh đồng muối lớn của phường Ninh Thủy và Ninh Diêm. Những người mưu sinh trên sông này phần nhiều là diêm dân. Một trong số đó là ông Ngô Văn Được, 40 tuổi, phường Ninh Diêm.

Đứng ở ven sông xếp lưới rồi đưa lên chiếc thuyền thúng để chuẩn bị đi đánh bắt cá, ông Được cho biết, làm muối cực nhọc nhưng ngày công ít nhất cũng được 100.000 đồng.

Từ đầu vụ đến nay, do không làm được muối, ông phải mua lưới, mượn thuyền để đi đánh bắt cá. Ngày trúng cá cũng kiếm được 50.000 – 70.000 đồng. Có ngày cá chỉ đủ cho gia đình ăn, không có để bán.

Các hợp tác xã sản xuất muối ở thị xã Ninh Hòa cũng lao đao vì chưa thể sản xuất. Hợp tác xã Muối 1/5 Ninh Diêm có 90 ha ruộng sản xuất muối. Thời điểm này năm ngoái, đơn vị này đã sản xuất được khoảng 2.000 tấn muối, nhưng năm nay chưa thu được hạt muối nào.

Vụ muối trước, giá muối xuống quá thấp khiến đời sống 500 xã viên của hợp tác xã gặp khó khăn. Năm nay, muối lại mất mùa khiến đời sống của họ khó khăn thêm chồng chất.

Tương tự, Hợp tác xã sản xuất muối Ninh Thủy có 13 ha ruộng sản xuất muối, đến nay cũng chưa làm được mẻ muối nào. Theo ông Nguyễn Thành Công, Giám đốc Hợp tác xã sản xuất muối Ninh Thủy, từ đầu vụ muối đến nay, tháng nào cũng có mưa trái mùa làm nước biển nhạt đi nên không sản xuất được muối.

Nếu thời tiết thuận lợi khoảng 10 ngày nữa mới có thể sản xuất mẻ muối đầu tiên.

Đại diện Phòng Kinh tế, thị xã Ninh Hòa cho hay, thời gian qua, địa phương hay có mưa trái mùa nên diêm dân và hợp tác xã hầu như chưa sản xuất được muối.

Địa phương đã tổ chức phổ biến cho diêm dân biết những chính sách của UBND tỉnh Khánh Hòa về hỗ trợ vay vốn ngân hàng để sản xuất muối.

Theo ông Trương Hữu Lan, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Khánh Hòa, việc chưa thể sản xuất được muối, bên cạnh nguyên nhân vì mưa trái mùa, một phần còn do đầu tư nâng cấp đồng muối chậm được triển khai, quy hoạch sản xuất muối cũng chưa bài bản.

Hỗ trợ và tái cơ cấu nghề muối

Hiện nay, chỉ có một số ít công ty, xí nghiệp ở Khánh Hòa mới sản xuất được muối do có hạ tầng tốt và ứng dụng kỹ thuật cao vào làm muối, nhưng sản lượng cũng thấp. Xí nghiệp Muối xuất khẩu Hòn Khói có khoảng 400 ha ruộng sản xuất muối, tập trung ở các phường Ninh Thủy, Ninh Diêm, Ninh Hải và xã Ninh Thọ. Do mưa trái mùa nên vụ muối năm 2017, đơn vị phải sản xuất muộn hơn so với các vụ trước.

Ruộng muối ở phường Ninh Diêm, thị xã Ninh Hòa chưa thể sản xuất được, do nước biển bị ngọt hóa. Ảnh: Nguyên Lý-TTXVN

Ruộng muối ở phường Ninh Diêm, thị xã Ninh Hòa chưa thể sản xuất được, do nước biển bị ngọt hóa. Ảnh: Nguyên Lý-TTXVN

Ông Lê Hữu Lượng, Trưởng phòng Kế hoạch, Kỹ thuật Xí nghiệp Muối xuất khẩu Hòn Khói cho biết, thời tiết không thuận lợi khiến vụ muối năm 2017 bị muộn khoảng hơn 2 tháng so với những năm trước. Diện tích ruộng sản xuất được muối cũng không nhiều nên sản lượng muối đạt thấp.

Giá muối ở Khánh Hòa hiện nay đang khá cao. Cụ thể, muối sản xuất trên ruộng đất bán được 600 - 700 đồng/kg, tăng gấp đôi so với cùng thời điểm năm ngoái. Muối sản xuất trên bạt bán được 850 đồng/kg, cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái từ 200 – 250 đồng/kg.

Trong khi đó, thị trường muối ở Khánh Hòa đang trong tình trạng “cung không đủ cầu”. Bà Lê Thị Ất, 62 tuổi, thương lái thu muối ở Xí nghiệp Muối xuất khẩu Hòn Khói trong những ngày qua cho biết: Hiện nay, muối rất khan hiếm vì không sản xuất được nhiều. Trong khi đó, giá muối khá cao và đang được tiêu thụ mạnh.

Để giúp diêm dân thoát khỏi vòng luẩn quẩn “được mùa, mất giá”, từ cuối vụ muối 2015, tỉnh Khánh Hòa hỗ trợ lãi suất cho các doanh nghiệp vay vốn ngân hàng để thu mua muối tạm trữ. Tuy nhiên, việc triển khai mua muối tạm trữ có nhiều bất cập nên hiệu quả của chính sách này mang lại không cao.

Đến vụ muối năm 2017, tỉnh đã ban hành chính sách mới hỗ trợ diêm dân và hợp tác xã sản xuất muối. Theo đó, UBND tỉnh Khánh Hòa đã ban hành Quyết định số 661/QĐ-UBND về chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp và dịch vụ nông thôn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017 - 2020.

Tỉnh hỗ trợ diêm dân, hợp tác xã 100% lãi suất vốn vay ngân hàng để đầu tư sản xuất muối kết tinh trên bạt; định mức cho vay không quá 50 triệu đồng/ha; hạn mức vay tối đa đối với cá nhân không quá 250 triệu đồng, đối với hợp tác xã không quá 500 triệu đồng; thời hạn hỗ trợ lãi suất tối đa 2 năm tính từ ngày giải ngân vốn.

Điểm mới trong chính sách này là tỉnh trực tiếp hỗ trợ cho diêm dân và hợp tác xã sản xuất muối, thay vì hỗ trợ cho doanh nghiệp thu mua muối tạm trữ như trước đây.

Đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Khánh Hòa cho biết, các ban, ngành đang phối hợp với ngân hàng gấp rút hoàn tất các thủ tục, để diêm dân và hợp tác xã sản xuất muối có thể tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi trong tháng 5 này.

Về lâu dài, để nghề muối phát triển bền vững, tỉnh Khánh Hòa chủ trương tái cơ cấu lại nghề này. Theo đó, đến năm 2020 tỉnh thu hẹp diện tích sản xuất muối còn 510ha, sản lượng đạt khoảng 61.000 tấn.

Để thực hiện được mục tiêu này, tỉnh đầu tư nâng cấp đồng muối, áp dụng cơ giới hóa trong quá trình thu hoạch, vận chuyển… nhằm nâng cao sản lượng và chất lượng muối.

Từ năm 2017 - 2018, tỉnh thực hiện nâng cấp cơ sở hạ tầng cho Đồng muối Hòn Khói, trải rộng trên địa bàn xã Ninh Thọ và các phường Ninh Thủy, Ninh Diêm, Ninh Hải, diện tích khoảng 470 ha có tổng mức đầu tư 65 tỷ đồng do Trung ương hỗ trợ.

Dự án này tiến hành nạo vét hệ thống kênh mương dẫn nước biển vào ruộng để làm muối, kiên cố hóa kênh mương nội đồng, xây dựng kênh thoát nước mưa...

Đồng muối Hòn Khói đã có gần 100 năm, nơi này không chỉ nổi tiếng với nghề làm muối truyền thống, mà còn là một điểm du lịch nổi tiếng ở Khánh Hòa. Tuy nhiên, việc tái cơ cấu lại nghề muối ở Khánh Hòa cũng đang gặp khó khăn.

Hiện nay, diện tích sản xuất muối của tỉnh không những không giảm mà còn có chiều hướng tăng, do những hộ có ao, đìa nuôi trồng thủy sản thua lỗ nên chuyển sang làm muối. Bên cạnh đó, tiến độ nâng cấp đồng muối còn chậm do khó khăn về nguồn vốn.

Nguyên Lý/TTXVN

Nguồn Bnews: http://bnews.vn/khanh-hoa-them-mua-muoi-dang-/44010.html