Khánh Hòa trên hành trình đi tới

Tỉnh Khánh Hòa nằm ở vị trí trung tâm của các tỉnh Nam Trung bộ với dân số 1,240 triệu người, gồm 9 đơn vị hành chính cấp huyện. Đến nay, tỉnh Khánh Hòa đã trải qua 370 năm đấu tranh, xây dựng và phát triển.

Với hệ sinh thái núi rừng biển đảo phong phú, đa dạng, Khánh Hòa được xem là hình ảnh thu nhỏ của đất nước Việt Nam. Cùng với những lợi thế về điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội, các giá trị lịch sử văn hóa của tỉnh Khánh Hòa đã và đang trở thành nguồn lực đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Những tiềm năng lợi thế này đã được chính quyền và Nhân dân tỉnh Khánh Hòa khai thác, tạo nên những thành tựu lớn trên hành trình đi tới.

Khánh Hòa trong tiến trình lịch sử dân tộc

Theo Đại Nam nhất thống chí, năm 1653, đời chúa Nguyễn Phúc Tần, vua Chăm đem quân đánh lấn vùng đất Phú Yên ngày nay. Chúa Nguyễn Phúc Tần sai Cai cơ Hùng Lộc làm Tổng binh đem quân nghênh chiến. Vua Chăm thua chạy, nộp lễ xin hàng và dâng đất từ Phan Rang trở ra cho chúa Nguyễn. Chúa đặt dinh Thái Khang, chia làm hai phủ Thái Khang và Diên Ninh, giao cho Hùng Lộc hầu trấn thủ.

Thành cổ Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa nay còn nguyên vẹn

Thành cổ Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa nay còn nguyên vẹn

Như vậy, năm 1653 là cột mốc lịch sử đánh dấu miền đất Thái Khang xưa- Khánh Hòa nay, thuộc Nam Trung bộ ngày nay là một phần lãnh thổ của nước Việt Nam. Ở nơi đầu sóng ngọn gió chống lại các lực lượng xâm lược, Thái Khang cũng là nơi rất thuận lợi cho việc giao thương quốc tế, có địa thế hiểm trở về quân sự. Vì vậy, ngay sau khi sáp nhập vào Đại Việt, bằng những chính sách ưu đãi của chúa Nguyễn đối với vùng đất mới, đông đảo người Việt, chủ yếu là những binh lính đồn trú cùng gia đình của họ từ vùng Nam - Ngãi - Bình - Phú chuyển vào sinh sống, xây dựng Thái Khang thành một miền đất trù phú, với những xóm làng ngày càng đông đúc. Nguồn nhân lực và vật lực của vùng đất mới đã làm tăng nhanh thanh thế và nội lực của triều đình chúa Nguyễn.

Đường nối Quốc lộ 1 A vào Đầm Môn, Khu Kinh tế Vân Phong vừa được đầu tư gần 1000 tỷ đồng

Đường nối Quốc lộ 1 A vào Đầm Môn, Khu Kinh tế Vân Phong vừa được đầu tư gần 1000 tỷ đồng

Đến năm 1690, chúa Nguyễn Phúc Tranh cho đổi tên phủ Thái Khang thành phủ Bình Khang. Năm 1742, chúa Nguyễn Phúc Khoát đổi phủ Diên Ninh thành phủ Diên Khánh và lập dinh Bình Khang cai quản 2 phủ Bình Khang và Diên Khánh. Từ năm 1773 đến năm 1793, dinh Bình Khang thuộc quyền cai quản của nhà Tây Sơn. Đến năm 1793, vùng đất này lại thuộc nhà Nguyễn. Sau khi lên ngôi, lấy niên hiệu Gia Long, vua Nguyễn cho đổi dinh Bình Khang thành phủ Bình Hòa vào năm 1803. Năm 1808, triều Nguyễn lại đổi dinh Bình Hòa thành trấn Bình Hòa. Đến năm 1831, vua Minh Mạng cho đổi phủ Bình Hòa thành phủ Ninh Hòa. Năm 1832, trấn Bình Hòa được đổi thành tỉnh Khánh Hòa như tên gọi ngày nay.

Khánh Hòa khẩn trương thi công hạ tầng giao thông

Khánh Hòa khẩn trương thi công hạ tầng giao thông

Theo PGS.TS Chu Đình Lộc, Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Khánh Hòa: Trong suốt chiều dài lịch sử 370 năm (1653-2023), dù có nhiều tên gọi khác nhau nhưng Khánh Hòa luôn là bộ phận lãnh thổ, đơn vị hành chính cấp tỉnh của nước ta. Các thế hệ người dân tỉnh Khánh Hòa có nhiều đóng góp quan trọng trong tiến trình xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước, viết nên những trang sử vẻ vang trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Tiến sĩ Chu Đình Lộc khẳng định: “Hòa vào dòng chảy lịch sử dân tộc Việt Nam cuối thế kỷ XVIII và XIX, các dân tộc anh em cùng sinh sống trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa luôn đoàn kết chung sức, chung lòng vượt qua bao hy sinh, gian khổ trong các cuộc kháng chiến chống phong kiến, thực dân, đế quốc.”

Cảng Bắc Vân Phong, huyện Van Ninh, tỉnh Khánh Hòa là cảng nước sâu

Cảng Bắc Vân Phong, huyện Van Ninh, tỉnh Khánh Hòa là cảng nước sâu

Khánh Hòa là vùng đất được thiên nhiên ưu đãi với nhiều loại hình tài nguyên phong phú, đa dạng, là vùng đất giàu tài nguyên khoáng sản với nhiều chủng loại. Nổi bật nhất là tài nguyên biển của Khánh Hòa với tính đa dạng loài, có thể coi là cao nhất so với các vùng biển ven bờ khác ở Việt Nam. Do đặc điểm về địa hình, Khánh Hòa có cả 3 vùng văn hóa: Văn hóa núi rừng, văn hóa đồng bằng và văn hóa biển - đảo, trong đó văn hóa biển - đảo nổi trội và đậm nét hơn cả. Những tiềm năng, lợi thế này đã được chính quyền và Nhân dân tỉnh Khánh Hòa khai thác, tạo nên những thành tựu to lớn trên hành trình đi tới.

Từ tăng trưởng âm trở thành tỉnh dẫn đầu cả nước về tăng trưởng GRDP

Thực hiện công cuộc đổi mới, tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, Nhân dân Khánh Hòa tạo dựng nền tảng phát triển nhanh trong xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội. Ngày 10/3/1997, Câu lạc bộ những Vịnh đẹp nhất thế giới đã bình chọn Vịnh Nha Trang là một trong những vịnh đẹp nhất thể giới, mở ra cơ hội mới cho sự phát triển của Khánh Hòa. Năm 2012, sân bay Quốc tế Cam Ranh được đầu tư xây dựng theo tiêu chuẩn 4 sao, được bình chọn thứ 2 trong top nhà ga được khách hàng hài lòng nhất. Các di sản, giá trị văn hóa, lịch sử được giữ gìn phát huy. Nhiều dự án bảo tồn biển, bảo vệ môi trường được triển khai.

Thành phố Nha Trang được xây dựng khang trang hiện đại

Thành phố Nha Trang được xây dựng khang trang hiện đại

Sau gần 10 năm thực hiện Kết luận số 53 ngày 24-12-2012 của Bộ Chính trị khóa XI về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, tỉnh Khánh Hòa đã khai thác và phát huy tốt các tiềm năng, lợi thế, nhất là lợi thế về biển, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Kinh tế tăng trưởng khá, thu ngân sách tăng nhanh, bảo đảm tự cân đối ngân sách địa phương và có điều tiết về Trung ương.

Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông tỉnh Khánh Hòa được chú trọng đầu tư, nâng cấp. Hệ thống đô thị ven biển được hình thành tương đối hiện đại. Khu kinh tế Vân Phong từng bước tác động tích cực đến phát triển kinh tế của tỉnh và cả vùng. Du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Khánh Hòa là trung tâm du lịch biển quốc gia, có thương hiệu quốc tế; từng bước trở thành một cực tăng trưởng trong khu vực.

Khu vực bắc bán đảo Cam Ranh với nhiều khu nghỉ dưỡng đẳng cấp

Khu vực bắc bán đảo Cam Ranh với nhiều khu nghỉ dưỡng đẳng cấp

Những năm gần đây, tỉnh Khánh Hòa đã huy động được nhiều nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước với chính sách ưu đãi đầu tư để phát triển cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện thuận lợi thu hút các dự án đầu tư vào 3 vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh. Đến cuối tháng 9/2022, tổng vốn đầu tư phát triển xã hội trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đạt 41 ngàn tỷ đồng. Hiện nay, nguồn vốn đầu tư công được tỉnh Khánh Hòa phân bổ cho các dự án có tính chất lan tỏa, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh như: Đập ngăn mặn sông Cái Nha Trang, Môi trường bền vững các thành phố Duyên Hải - Tiểu dự án thành phố Nha Trang, Tỉnh lộ 2, Tỉnh lộ 3, Bệnh viện đa khoa Nha Trang, Bệnh viện Ung bướu, Đường D30 - Kết nối đường 23 tháng 10 với đường Võ Nguyên Giáp, Đường giao thông từ QL1A đến Đầm Môn…

Tàu vận chuyển xăng dầu vào kho dầu ngoại quan Nam Vân Phong

Tàu vận chuyển xăng dầu vào kho dầu ngoại quan Nam Vân Phong

Hiện, Khánh Hòa đã phát triển được hệ thống giao thông với cả 4 loại hình góp phần thúc đẩy quá trình hội nhập và phát triển của địa phương. Đó là: Đường bộ; đường sắt; hàng không và đặc biệt là đường biển với các vịnh Cam Ranh, Vân Phong, Nha Trang có giá trị quan trọng về địa - chính trị, địa - kinh tế, đem lại lợi thế cho Khánh Hòa trong quá trình hội nhập quốc tế vượt trội so với các tỉnh, thành khác.

Tuy nhiên, trong giai đoạn 2011-2021, đặc biệt từ 2016, quá trình phát triển của Khánh Hòa có phần chững lại, do phát sinh các vấn đề liên quan đến bộ máy, cán bộ và do tác động của đại dịch Covid-19. Năm 2020, thu nhập đầu người của Khánh Hòa chỉ bằng 74,5% so với bình quân cả nước. Tăng trưởng GRDP năm 2020 của tỉnh âm 10,5% và năm 2021 âm 5,6%.

Nhà máy Nhiệt điện BOT Vân Phong đang xây dựng

Nhà máy Nhiệt điện BOT Vân Phong đang xây dựng

Đánh giá đúng tình hình, tỉnh Khánh Hòa đề xuất những giải pháp mang tính đột phá và tranh thủ sự ủng hộ mạnh mẽ của Trung ương trên mọi phương diện. Năm 2022, GRDP Khánh Hòa tăng trưởng 20,7% , mức tăng cao nhất cả nước và cao nhất trong lịch sử tăng trưởng kinh tế của tỉnh.

PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng: Năm 2022, thực sự là dấu hiệu “chuyển làn”, hay đúng hơn, xu thế “đảo phách, đổi nhịp” phát triển của tỉnh Khánh Hòa. Ông Thiên dẫn chứng, trong 2 năm 2021-2022, đã có nhiều “đại bàng Việt Nam” tìm đến Khánh Hòa để tìm hiểu, đề xuất và triển khai dự án đầu tư mới. Đó đều là những dự án mới và lớn, sẽ giúp định hình chân dung phát triển tương lai của tỉnh. Tiến sĩ Trần Đình Thiên ví von: “Những con “đại bàng” Việt này là lực lượng chủ công, đang “biến” Khánh Hòa thành tọa độ hấp dẫn đầu tư bậc nhất.”

Nhà máy đóng tàu Huyndai Khánh Hòa, tại thị xã Ninh Hòa là nhà máy đóng tàu lớn nhất Đông Nam Á

Nhà máy đóng tàu Huyndai Khánh Hòa, tại thị xã Ninh Hòa là nhà máy đóng tàu lớn nhất Đông Nam Á

Khánh Hòa hướng tới thành phố trực thuộc Trung ương

Đảng bộ và Nhân dân tỉnh Khánh Hòa hướng tới mục tiêu xây dựng và phát triển Khánh Hòa trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030, trên cơ sở phát huy cao độ tiềm năng và lợi thế về biển, là đô thị thông minh, bền vững, bản sắc và kết nối quốc tế; là trung tâm dịch vụ, du lịch biển quốc tế; là một cực tăng trưởng, trung tâm của khu vực duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và cả nước về kinh tế biển, công nghiệp công nghệ cao, khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, đào tạo nguồn nhân lực và chăm sóc sức khỏe chất lượng cao; là nơi nhân dân có mức sống cao, hiền hòa và hạnh phúc.

Khu vực Bắc bán đảo Cam Ranh trở thành khu du lịch hiện đại cao cấp

Khu vực Bắc bán đảo Cam Ranh trở thành khu du lịch hiện đại cao cấp

Nghị quyết 09 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 xác định “Xây dựng và phát triển Khánh Hòa phải trên cơ sở phát triển bền vững kinh tế biển và khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên biển. Khai thác và phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế cho phát triển với kinh tế biển là nền tảng, du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn; công nghiệp chế biến, chế tạo công nghệ cao, dịch vụ logistics, công nghiệp năng lượng, kinh tế số là đột phá; Phát triển đột phá vùng ven biển; đẩy mạnh xây dựng và phát triển huyện đảo Trường Sa trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội trên biển của cả nước; là pháo đài vững chắc bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc”.

Cảng Cam Ranh ở phía Nam tỉnh Khánh Hòa liên tục đón nhiều tàu hàng

Cảng Cam Ranh ở phía Nam tỉnh Khánh Hòa liên tục đón nhiều tàu hàng

Tiến sĩ Nguyễn Duy Bắc, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh thì cho rằng, chính quyền và Nhân dân tỉnh Khánh Hòa cần thống nhất nhận thức, đổi mới tư duy trong xây dựng và phát triển tỉnh Khánh Hòa trở thành đô thị trực thuộc Trung ương. Trên lĩnh vực kinh tế, chính quyền cần thực hiện các giải pháp cụ thể để phát triển mạnh công nghiệp, du lịch, nông nghiệp công nghệ cao; thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng có thế mạnh của Khánh Hòa và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu…

Thành phố Nha Trang đang phát triển mạnh về phía Tây

Thành phố Nha Trang đang phát triển mạnh về phía Tây

Tỉnh Khánh Hòa cũng đã chủ động phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương triển khai đầu tư các dự án hạ tầng trọng điểm. Trong đó, có nhiều dự án giao thông trọng điểm quốc gia như: Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông đoạn qua địa phận tỉnh Khánh Hòa; Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1… Các công trình này đã góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, tạo thuận lợi trong việc hợp tác, liên kết giữa tỉnh Khánh Hòa với các tỉnh lân cận như Lâm Đồng, Ninh Thuận, Phú Yên và các tỉnh Tây Nguyên.

Kho Xăng dầu ngoại quan Nam Vân Phong

Kho Xăng dầu ngoại quan Nam Vân Phong

Mục tiêu phát triển Khánh Hòa trở thành đô thị trực thuộc Trung ương, trong đó thành phố Nha Trang là đô thị hạt nhân, là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh; các đô thị vệ tinh là thị xã Ninh Hòa, Khu Kinh tế Vân Phong nằm ở phía Bắc; thị trấn Diên Khánh, Khánh Vĩnh nằm ở phía Tây; thị trấn Cam Đức, Tô Hạp, thành phố Cam Ranh, Khu du lịch Bắc Bán đảo Cam Ranh nằm ở phía Nam đã từng bước huy động các nguồn lực để tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng. Đến nay, hệ thống đô thị toàn tỉnh Khánh Hòa được đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ, không gian đô thị được mở rộng, từng bước đáp ứng theo quy hoạch, phù hợp với tình hình phát triển trong giai đoạn mới.

Ông Nguyễn Hải Ninh, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa cho biết: "Mục tiêu đến năm 2030, Khánh Hòa phải trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Thời gian cũng còn rất ngắn, bây giờ, chúng ta phải làm cách nào? Chỉ có dựa vào nguồn lực đầu tư ngoài ngân sách rất quan trọng. Trung ương đã phân cấp, ủy quyền các thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cho Hội đồng Nhân dân tỉnh, Ủy ban Nhân dân tỉnh, thậm chí cả với Ban Quản lý Khu Kinh tế Vân Phong, để đơn giản hóa thủ tục hành chính, góp phần thu hút các nhà đầu tư. Đây là sự đột phá, tạo ra cơ chế để phát huy mạnh mẽ các tiềm năng của tỉnh Khánh Hòa."

Ông Nguyễn Hải Ninh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa

Ông Nguyễn Hải Ninh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa

"Tỉnh Khánh Hòa có nhiều tiềm năng riêng có như huyện đảo Trường Sa, cực Đông trên đất liền của Tổ quốc, các cảng biển nước sâu. Khánh Hòa đang có các tuyến đường giao thông như Sân bay Cam Ranh, các tuyến cao tốc, sắp đến là đường sắt tốc độ cao thành phố Hồ Chí Minh- Nha Trang. Cần phát huy những lợi thế này trên hành trình đi lên", ông Nguyễn Hải Ninh nhấn mạnh.

Để thực hiện mục tiêu đến năm 2030 trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, tỉnh Khánh Hòa tập trung đẩy nhanh tốc độ xây dựng và nâng cao chất lượng đô thị, phát triển đô thị bền vững theo mạng lưới; Xây dựng và phát triển đồng bộ, hiện đại kết cấu hạ tầng của đô thị. Mặt khác, Khánh Hòa tập trung phát triển kinh tế khu vực đô thị tăng trưởng nhanh, hiệu quả và bền vững; Nâng cao chất lượng sống tại đô thị, đáp ứng cơ bản nhu cầu về nhà ở và hạ tầng xã hội cho cư dân đô thị. Kiến trúc đô thị đảm bảo tiêu chí hiện đại, xanh, thông minh, giàu bản sắc, các yếu tố văn hóa đặc trưng, truyền thống được giữ gìn và phát huy…/.

Thanh Hà- Thái Bình/ VOV Miền Trung

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/khanh-hoa-tren-hanh-trinh-di-toi-post1010505.vov