Khánh Hòa trước 'vận hội lớn chưa từng có'
'Khánh Hòa đang đứng trước vận hội lớn chưa từng có' - phát biểu ngắn gọn nhưng chất chứa nhiều tầng hàm nghĩa của Bí thư Tỉnh ủy Nghiêm Xuân Thành tại hội thảo ngày 25/07 vừa qua như là một lời cam kết đối với vùng đất cửa ngõ Biển Đông.
Từ một tỉnh ven biển có quy mô trung bình, Khánh Hòa đang đứng trước bước ngoặt mang tính tái định hình toàn bộ không gian phát triển: một cú bẻ lái chiến lược khi chính thức sáp nhập với Ninh Thuận, theo Nghị quyết số 202/2025/QH15 được Quốc hội thông qua ngày 12/6/2025.
Lần đầu tiên, hai địa phương có những khác biệt về địa lý – kinh tế – xã hội lại cùng hội tụ trong một cấu trúc hành chính – kinh tế mới, rộng hơn 10.000 km², dân số vượt mốc 2 triệu người. Đây không đơn thuần là sự mở rộng địa giới, mà là cơ hội hiếm hoi để định hình một mô hình đô thị đa trung tâm, nơi các cực tăng trưởng được hình thành trên nền tảng kết nối chiến lược, thay vì phân mảnh địa phương.
Không phải ngẫu nhiên mà ngày 28/01/2022, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TW, đặt ra mục tiêu đưa Khánh Hòa trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trước năm 2030. Nhưng với quy mô dân số, diện tích và hệ sinh thái phát triển cũ, chiếc áo này dường như quá rộng. Việc sáp nhập Ninh Thuận không chỉ là giải pháp để “đủ tiêu chí”, mà sâu xa hơn, là cách để mở rộng không gian chiến lược, tổ chức lại toàn bộ hạ tầng, quy hoạch, liên kết vùng và cấu trúc thể chế vận hành.

Hội thảo “Khánh Hòa – Hiện thực hóa tầm nhìn thành phố trực thuộc Trung ương và các bước đột phá trong kỷ nguyên mới” diễn ra vào ngày 25/07 vừa qua. Ảnh: Tiền Phong
Khánh Hòa vốn đã là điểm sáng của miền Trung với các thương hiệu vịnh biển như Nha Trang, Cam Ranh, Vân Phong, cùng cảng biển nước sâu, sân bay quốc tế và các khu công nghiệp đang hình thành. Trong khi đó, Ninh Thuận là thủ phủ năng lượng sạch – nơi gió và mặt trời hội tụ – với hàng chục dự án điện gió, điện mặt trời, và từng được quy hoạch xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của cả nước.
Hai thế mạnh tưởng như tách biệt ấy – biển và năng lượng – nay đã nối liền thành một hành lang phát triển liên hoàn: một bên là cửa ngõ logistics và du lịch, bên kia là trung tâm sản xuất năng lượng chiến lược cho quốc gia. Việc hợp nhất này không chỉ tăng quy mô, mà còn mở ra cơ hội thiết kế lại cơ cấu kinh tế toàn vùng, từ hạ tầng cảng – sân bay, đến năng lượng, dịch vụ, khoa học công nghệ.
Cần nhấn mạnh: Khánh Hòa hiện là tỉnh có chiều dài cao tốc Bắc – Nam đi qua lớn nhất cả nước, đường bờ biển trên 490km, và tương lai sẽ là địa phương đầu tiên có tới 4 sân bay. Theo ông Lê Quang Trung – Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC), cảng Cam Ranh hiện có thể tiếp nhận tàu đến 70.000 DWT với độ sâu tự nhiên từ -22 đến -30m, sản lượng hàng hóa đạt 3 triệu tấn mỗi năm. Nếu cao tốc, cảng cạn và khu công nghiệp ven biển được hoàn thiện, sản lượng có thể vọt lên 10 triệu tấn/năm – một con số đủ sức định vị Khánh Hòa là cửa ngõ hậu cần chiến lược của cả dải duyên hải Nam Trung Bộ ra quốc tế.
Nhưng tham vọng không dừng lại ở đó. Khánh Hòa đang đặt nền móng cho bốn mũi đột phá trong thập kỷ mới: du lịch – dịch vụ chất lượng cao với thương hiệu toàn cầu cho Nha Trang, Vân Phong, Cam Ranh; hạ tầng cảng biển và logistics với cảng trung chuyển quốc tế làm hạt nhân; năng lượng tái tạo và điện hạt nhân, tận dụng lợi thế từ Ninh Thuận; và cuối cùng, khoa học công nghệ gắn với đô thị thông minh và chuyển đổi số.

Khánh Hòa cần đẩy nhanh quá trình chuẩn bị Đề án thành phố trực thuộc Trung ương, xây dựng cơ chế thu hút đầu tư chiến lược, chuẩn bị nguồn nhân lực cho công nghệ cao. Ảnh: Hoàng Hà
Theo TS. Hoàng Sỹ Thân – Viện Năng lượng nguyên tử, chỉ riêng một dự án điện hạt nhân có thể tạo ra từ 11.000 đến 17.000 việc làm mỗi năm trong giai đoạn xây dựng và vận hành. Nếu tỉnh có chiến lược đào tạo sớm, thì lao động địa phương hoàn toàn có thể chiếm tới 60% – một con số không nhỏ nếu so với các khu công nghiệp truyền thống.
Tuy nhiên, tất cả những viễn cảnh ấy sẽ sụp đổ nếu tỉnh không kịp thời hành động. Vận hội lớn có thể biến thành lời hứa bỏ ngỏ nếu bộ máy hành chính không đủ tinh gọn để xử lý vùng địa bàn kéo dài từ Bắc Cam Ranh đến tận Phan Rang. Nếu quy hoạch không kịp điều chỉnh, sẽ xảy ra tình trạng chồng lấn, phân mảnh. Nếu năng lực điều hành không bắt nhịp với mô hình phát triển mới – thì dù có thêm cả Ninh Thuận, Khánh Hòa cũng sẽ loay hoay trong vòng tròn cũ.
Cũng tại hội thảo “Khánh Hòa – Hiện thực hóa tầm nhìn thành phố trực thuộc Trung ương và các bước đột phá trong kỷ nguyên mới” diễn ra vào ngày 25/07 do báo Tiền Phong tổ chức vừa qua, Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng đã nói thẳng: Khánh Hòa không thể tiếp tục phát triển theo lối cũ – không thể phân bổ đầu tư theo địa giới hành chính, không thể để các tiểu vùng cạnh tranh nguồn lực lẫn nhau. Cần định vị lại vai trò Khánh Hòa trong bản đồ phát triển quốc gia, tập trung vào những trụ cột thực sự có khả năng bứt phá: cảng biển nước sâu, năng lượng sạch, dịch vụ cao cấp và đô thị thông minh – được vận hành bằng một thể chế đủ mạnh, đủ linh hoạt, đủ tầm nhìn.
Hiện nhiều bộ ngành trung ương như Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Nội vụ đang phối hợp để hoàn thiện Đề án thành phố trực thuộc Trung ương cho Khánh Hòa. Nhưng hồ sơ đó cần các cam kết hành động để Khánh Hòa bước vào nhóm đô thị lớn nhất quốc gia – không chỉ về quy mô, mà về năng lực tổ chức phát triển.
Lần đầu tiên trong lịch sử, Khánh Hòa có cơ hội “vươn vai”, sánh ngang với Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ. Nhưng cơ hội chỉ gõ cửa một lần. Nếu không có sự chuẩn bị đủ sâu, nếu không có đội ngũ cán bộ đủ bản lĩnh, nếu không dám dấn thân vào thể chế mới – “vận hội lớn chưa từng có” sẽ mãi chỉ là một khẩu hiệu.
Khánh Hòa cần đẩy nhanh quá trình chuẩn bị Đề án thành phố trực thuộc Trung ương, song song với việc xây dựng cơ chế thu hút đầu tư chiến lược, chuẩn bị nguồn nhân lực cho công nghệ cao và quản trị hiện đại. Cộng đồng doanh nghiệp, nhà khoa học, giới trí thức và người dân – cần được đặt vào trung tâm của mọi chính sách, như những người bạn đồng hành, chứ không chỉ là đối tượng thụ hưởng.
Và trên hết, Quốc hội và Chính phủ cần tạo hành lang pháp lý đủ mở để Khánh Hòa thử nghiệm cái mới – thể chế, tài chính, quy hoạch và con người để Khánh Hòa sẽ không chỉ là điểm đến du lịch nữa, mà sẽ là nơi khởi nguồn các mô hình phát triển mới.
Đến năm 2030, nếu mọi việc đúng nhịp, chúng ta hoàn toàn có thể chứng kiến một Khánh Hòa – Ninh Thuận hợp nhất, không chỉ là đô thị thông minh ven biển, mà là một biểu tượng mới – nhà máy điện, cảng biển nước sâu, sân bay và cao tốc, và nhất là con người cùng kiến tạo nên một cực tăng trưởng mới cho Việt Nam.
Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/khanh-hoa-truoc-van-hoi-lon-chua-tung-co-2426093.html