Sự hồi phục kỳ diệu của người ngưng tim, ngưng thở trên bãi biển

Sau ít ngày được cấp cứu, hồi sức và điều trị tích cực, ông T.V.T. – người đàn ông từng bị ngưng tim, ngưng thở trên bãi biển Nha Trang (Khánh Hòa) đã hồi phục một cách kỳ diệu.

Theo các bác sĩ Khoa Hồi sức tích cực – Chống độc, Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Khánh Hòa, ông T. (67 tuổi, trú tại phường Nha Trang) là một trong những trường hợp hiếm hoi hồi phục nhanh sau khi ngưng tim, ngưng thở.

Đến hết ngày 26/7, ông T. đã tỉnh táo, tiếp xúc tốt, có thể tự uống nước, ăn nhẹ và nhịp tim dần ổn định. Ông cũng có thể ngồi dậy và thực hiện một số động tác như người bình thường; các chỉ số sinh tồn đã trở lại ổn định. Tuy nhiên, ông T. vẫn còn đau nhẹ vùng ngực khi hít sâu và có đờm khi ho nên được các nhân viên y tế tiếp tục theo dõi, chăm sóc chu đáo.

Với tiến triển tích cực, ông T. được kỳ vọng sẽ sớm trở lại cuộc sống bình thường sau sự cố ngưng tim.

Bác sĩ chuyên khoa I Trần Minh Thành (Khoa Hồi sức tích cực – Chống độc, BVĐK Khánh Hòa) cho biết, ngay từ khi nhập viện, ông T. đã được cấp cứu khẩn trương và theo dõi sát sao từng chỉ số sinh tồn.

Ông T. thời điểm vừa bị ngưng tim.

Ông T. thời điểm vừa bị ngưng tim.

Trước đó, vào ngày 20/7, sau khi tắm biển, ông T. bất ngờ tím tái toàn thân, ngưng tim, ngưng thở và ngã sấp xuống bãi biển Trần Phú (Nha Trang). Chứng kiến tình huống nguy cấp, anh Trần Đỗ Trọng Đại – nhân viên bảo vệ BVĐK Khánh Hòa – đã lập tức chạy đến sơ cứu, tiến hành ép tim và hô hấp nhân tạo. Anh Đại cũng nhờ người xung quanh gọi Trung tâm Cấp cứu 115 Khánh Hòa để xin hướng dẫn trong lúc chờ bác sĩ đến.

Ngay sau đó, đội cấp cứu 115 có mặt, xác định ông T. ngưng tim, ngưng thở nên nhanh chóng đặt nội khí quản, bóp bóng o xy, tiêm Adrenaline và tiếp tục ép tim trong 10 phút.

Ông T. sau đó bắt đầu phục hồi nhịp tim, có phản xạ thở và được chuyển đến khu cấp cứu của BVĐK Khánh Hòa. Tại đây, ông tiếp tục được bóp bóng, theo dõi qua monitor và chuyển lên Khoa Hồi sức tích cực – Chống độc.

Ông T. đã tự ngồi dậy uống nước và ăn nhẹ bình thường.

Ông T. đã tự ngồi dậy uống nước và ăn nhẹ bình thường.

Tại thời điểm nhập khoa, chỉ số SPO₂ của ông T. là 95%, phổi có ran rít, bụng mềm – chướng, có dấu hiệu xuất huyết tiêu hóa (dịch dạ dày màu nâu đen). Các bác sĩ chẩn đoán ông bị ngừng tuần hoàn hô hấp nặng kèm tăng huyết áp.

Để cứu bệnh nhân, các bác sĩ tiến hành cho thở máy kết hợp điều trị bằng kháng sinh, corticoid, bù dịch, khí dung... Đồng thời, y bác sĩ túc trực theo dõi sát các chỉ số sinh tồn.

Đến ngày 21/7, ông T. qua giai đoạn nguy hiểm, phổi có ran ẩm và được rút nội khí quản. Đến ngày 23/7, ông đã thở êm, không còn co kéo và huyết động ổn định nên được chuyển về Khoa Nội Cán bộ của bệnh viện.

Hiện tại, ông T. đi lại, vận động tốt.

Hiện tại, ông T. đi lại, vận động tốt.

Từ trường hợp của ông T., bác sĩ Lê Trần Anh Thi – Giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115 Khánh Hòa cho biết, với các ca ngừng tuần hoàn, việc ép tim và sơ cứu kịp thời đóng vai trò sống còn. Nếu chậm trễ, bệnh nhân có nguy cơ cao bị tổn thương não không hồi phục.

Vì vậy, bác sĩ khuyến cáo người dân khi gặp các tình huống khẩn cấp về sức khỏe hãy gọi ngay Trung tâm cấp cứu 115 và tiến hành sơ cứu cơ bản trong thời gian chờ xe cấp cứu đến.

Đông Hưng

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/su-hoi-phuc-ky-dieu-cua-nguoi-ngung-tim-ngung-tho-tren-bai-bien-169250727091034921.htm