Khánh Hòa vượt qua 'cơn gió ngược', sớm trở thành đô thị trực thuộc Trung ương
Sau gần 40 năm đổi mới, tỉnh Khánh Hòa đã theo kịp tiến trình đổi mới của đất nước. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, tỉnh đã vượt qua 'cơn gió ngược', khôi phục kinh tế, từng bước hiện thực hóa mục tiêu trở thành đô thị trực thuộc Trung ương vào năm 2030. Đây là nền tảng để địa phương cùng đất nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.
Đón vị khách du lịch thứ 9 triệu, tỉnh Khánh Hòa đã về đích trước 3 tháng về chỉ tiêu tăng trưởng du lịch năm 2024. "9 triệu lượt khách, doanh thu hơn 44.000 tỷ đồng" là con số kỷ lục mà tỉnh Khánh Hòa vừa đạt được trong năm nay.
Ông Bùi Minh Thắng, Giám đốc Công ty TNHH Du lịch Phương Thắng lý giải, lượng khách tăng mạnh do cao tốc Bắc - Nam từ Khánh Hòa vào các tỉnh phía Nam thông suốt, ngành hàng không mở mới nhiều tuyến bay quốc tế tạo thuận lợi cho phát triển du lịch.
"Kết nối giữa các tỉnh lân cận về Nha Trang không còn quá khó khăn, chỉ cần 2 tiếng đồng hồ họ đã đến được Nha Trang, rất dễ dàng. Sau này, đường cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột hoàn thành, cao tốc Nha Trang - Đà Lạt được hoàn thành, việc đi lại sẽ rất nhanh chóng, hiệu quả trong phát triển kinh tế", ông Bùi Minh Thắng nói.
9 tháng qua, chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh Khánh Hòa tăng đến 36% do Nhà máy Nhiệt điện BOT Vân Phong 1, thị xã Ninh Hòa phát điện. Tỉnh này xuất khẩu hơn 1,6 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay, trong đó, chủ yếu các mặt hàng công nghiệp như tàu biển, đồ hộp, nước giải khát, thuốc lá.
Ông Nguyễn Thanh Hải, Tổng Giám đốc Công ty Yến sào Khánh Hòa cho hay, doanh nghiệp đã có nhiều thành công khi xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Trung Quốc, hiện đang tìm kiếm các thị trường mới, góp phần tạo việc làm ổn định cho khoảng 5.000 lao động.
"Tín hiệu thị trường Trung Quốc hiện rất tốt, các tháng tới, có thể mỗi tháng họ lấy đến 10 container. Đối với thị trường Trung Quốc, sản phẩm đưa qua cần phải có thời gian quảng bá, tiếp thị, sau đó, mới có thị trường để phát triển mạnh được. Chuẩn bị cho việc này, Công ty đã khánh thành 2 nhà máy, đón đầu thị trường, xuất khẩu khởi sắc hơn".
Là địa phương có tốc độ tăng trưởng cao nhưng tỉnh Khánh Hòa vẫn còn 2 huyện miền núi thuộc huyện nghèo, đời sống người dân gặp nhiều khó khăn. Từ đầu nhiệm kỳ này, tỉnh Khánh Hòa dành nguồn lực lớn đầu tư cho 2 huyện miền núi này. Tổng nguồn kinh phí đầu tư từ Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 của tỉnh Khánh Hòa lên tới gần 800 tỷ đồng, gấp 5,5 lần so với giai đoạn trước đó. Trong đó, có đóng góp từ nguồn tăng thu ngân sách của các địa phương.
Ngoài ra, mỗi năm, tỉnh này cũng dành hàng trăm tỷ đồng hỗ trợ tiền ăn, học bổng, miễn giảm học phí cho học sinh hộ nghèo, vùng dân tộc thiểu số, miền núi. Tỉnh Khánh Hòa phấn đấu đến hết nhiệm kỳ 2020-2025, đưa 2 huyện miền núi Khánh Sơn, Khánh Vĩnh ra khỏi huyện nghèo.
Ông Trần Mạnh Dũng, Phó Chủ tịch thường trực HĐND tỉnh Khánh Hòa cho biết: "Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa nhiệm kỳ 2020-2025 đặt ra, chúng tôi tin tưởng sẽ thực hiện rất tốt. Bởi vì hiện nay các chỉ số giảm nghèo, chỉ số về thu nhập đều tăng hơn 1 lần, cải thiện rất đáng kể. Từ nay đến cuối nhiệm kỳ, giai đoạn nước rút, các chương trình, dự án tiếp tục triển khai có hiệu quả, sẽ về đích đúng kế hoạch đặt ra".
Năm 2020, lần đầu tiên kinh tế tỉnh Khánh Hòa có mức tăng trưởng tổng sản phẩm xã hội (GRDP) âm 10,5%, ngân sách hụt thu đến 30%. Sau dịch Covid-19, kinh tế tỉnh Khánh Hòa hồi phục mạnh mẽ, thuộc nhóm tăng trưởng cao của cả nước. 9 tháng năm 2024, GRDP tỉnh Khánh Hòa tăng 10,45% so cùng kỳ năm trước. Với kết quả này, Khánh Hòa có mức tăng trưởng xếp thứ 6 cả nước, thứ 2 toàn vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung. Đến nay, một số chỉ tiêu quan trọng về kinh tế - xã hội đạt kết quả cao so với mục tiêu Nghị quyết Đại hội đảng bộ tỉnh đề ra như: tăng trưởng bình quân GRDP đạt 8,7%/năm so với mục tiêu 7,5%/năm; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tiếp tục tăng tỷ trọng các ngành dịch vụ, công nghiệp, xây dựng và giảm tỷ trọng các ngành nông, lâm, thủy sản. Tỉnh Khánh Hòa từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, từng bước trở thành đô thị trực thuộc Trung ương, một cực tăng trưởng của khu vực duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.
Ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa khẳng định, sau gần 40 năm đổi mới, tỉnh Khánh Hòa có 5 yếu tố đột phá trong kỷ nguyên vươn mình cùng dân tộc. Đó là: vị trí đặc biệt, chiến lược, quan trọng về quốc phòng, an ninh, đối ngoại, kinh tế, kết nối các vùng trên cả nước; có hạ tầng tương đối đồng bộ với 5 phương thức vận tải; có tương đối đầy đủ, hoàn chỉnh các cơ chế, chính sách đặc thù; có điều kiện phát triển hài hòa giữa kinh tế, xã hội với bảo vệ vững chắc quốc phòng, an ninh; có bề dày lịch sử hào hùng, truyền thống và bản sắc văn hóa phong phú.
Ông Nguyễn Tấn Tuân cho biết, địa phương đang hướng đến xây dựng đô thị biển tầm cỡ khu vực: "Tỉnh đang xây dựng các quy hoạch, hướng đến một đô thị biển mang tầm khu vực. Quốc phòng, an ninh, chủ quyền biển đảo phải được giữ vững. Khánh Hòa có huyện đảo Trường Sa, địa bàn rất chiến lược. Xây dựng huyện đảo Trường Sa thực hiện chiến lược bảo vệ an ninh, quốc phòng, bảo vệ chủ quyền biển, đảo gắn với phát triển kinh tế biển".
Tỉnh Khánh Hòa đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương; là trung tâm dịch vụ, du lịch biển quốc tế; một cực tăng trưởng, trung tâm của khu vực duyên hải Trung Bộ, Tây Nguyên và cả nước về kinh tế biển... Trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, đến năm 2050, Khánh Hòa sẽ là một trung tâm kinh tế biển lớn của cả nước, là đô thị thông minh, thân thiện với môi trường, ngang tầm khu vực Châu Á. Du lịch vẫn là ngành kinh tế mũi nhọn nhưng được tái cơ cấu, đa dạng các loại hình, sản phẩm du lịch gắn với bảo vệ môi trường và phát triển các ngành, nghề phụ trợ, gồm du lịch biển, đảo, du lịch núi rừng, sinh thái cộng đồng, du lịch chăm sóc sức khỏe. Với lợi thế kinh tế biển, tỉnh Khánh Hòa chú trọng các dịch vụ logistics chất lượng cao, các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, năng lượng, công nghệ thông tin và viễn thông, công nghiệp hỗ trợ.
Tại Hội nghị công bố quy hoạch tỉnh Khánh Hòa, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu tỉnh này khẩn trương hoàn thiện, triển khai hiệu quả các Quy hoạch, bảo đảm tính liên kết, đồng bộ, thống nhất, hiệu quả và phát triển bền vững với tầm nhìn dài hạn. Qua đó, biến tiềm năng, lợi thế thành động lực phát triển mạnh mẽ kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường. Thủ tướng cũng yêu cầu tỉnh Khánh Hòa cần phát triển mạnh hệ thống đô thị, đẩy mạnh đầu tư kết cấu hạ tầng, trong đó ưu tiên đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông chiến lược kết nối vùng; nghiên cứu, hoàn thiện, tạo cơ chế chính sách đột phá và bố trí nguồn lực hợp lý để dẫn dắt, thu hút, đa dạng các nguồn lực cho đầu tư phát triển vùng động lực, các dự án trọng điểm của quốc gia, của tỉnh.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: "Chính phủ sẽ chỉ đạo các bộ, các ngành tiếp tục nghiên cứu có những cơ chế, chính sách phù hợp, tạo thuận lợi cho Khánh Hòa, các tỉnh miền Trung, cả nước nói chung huy động cao nhất các nguồn lực, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy hợp tác công tư. Tập trung vào phát triển những ngành mới nổi, như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, dựa trên đổi mới sáng tạo. Chúng ta tin tưởng với nền tảng, dư địa chúng ta có, Khánh Hòa phát triển nhanh và bền vững trong tương lai".