Khánh thành cầu Tân Kỳ - Tân Quý, kết nối Quốc lộ 1 với sân bay Tân Sơn Nhất
Sáng 21/1, UBND TP.HCM tổ chức lễ khánh thành cầu Tân Kỳ - Tân Quý, cùng với việc hoàn thành dự án mở rộng đường Tân Kỳ - Tân Kỳ trước đó, trục đường mới kết nối Quốc lộ 1 tới sân bay Tân Sơn Nhất đã hoàn thành, giúp tăng cường kết nối giao thông.
Dự án xây dựng mới cầu Tân Kỳ - Tân Quý (quận Bình Tân) có tổng mức đầu tư gần 500 tỷ đồng, trong đó chi phí xây lắp khoảng 178 tỷ đồng, chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng khoảng 190 tỷ đồng và các chi phí khác.
Dự án có điểm đầu là nút giao đường Tân Kỳ Tân Quý – Quốc lộ 1, điểm cuối là nút giao đường Tân Kỳ Tân Quý – đường Mã Lò. Cầu được xây mới bằng bê-tông cốt thép thay thế cầu cũ với tổng chiều dài 385m, mặt cắt ngang 30m, 6 làn xe, xây dựng đường gom hai bên, hệ thống thoát nước…
Trước đó, cầu Tân Kỳ - Tân Quý cũ bị sụp lún hồi tháng 8/2016. Sau đó từ tháng 9/2016 – 9/2022, dự án được triển khai theo hình thức đối tác công tư (hợp đồng BOT). Tuy nhiên do có sự thay đổi về các quy định pháp luật nên ngày 21/9/2022, UBND Thành phố đã có quyết định chấm dứt triển khai dự án BOT để chuyển sang đầu tư công Dự án.
Có 43 hộ dân bị ảnh hưởng với tổng kinh phí bồi thường là 190 tỷ đồng. Bên cạnh việc triển khai công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, công tác di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật (điện, cấp nước, viễn thông) cũng đã được triển khai đồng bộ với quá trình chuẩn bị mặt bằng để tiếp tục triển khai Dự án.
"Việc thông xe cầu Tân Kỳ - Tân Quý hôm nay cùng với tuyến đường Tân Kỳ - Tân Quý đã thông xe trong tháng vừa qua sẽ mở ra cánh cửa cho khu vực phía Tây thành phố và hình thành trục đường nối giữa Quốc lộ 1, Vành đai 2 với đến Cảng hàng không Tân Sơn Nhất cũng như trung tâm thành phố", ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TPHCM cho hay.
Tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Bùi Xuân Cường cho biết, TP đang phải đối mặt với việc áp lực giao thông ngày một tăng cao, đòi hỏi sự phát triển hạ tầng để qua đó thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Theo ông Bùi Xuân Cường, thời gian qua các dự án đã phải vượt qua nhiều khó khăn, nhất là trong công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Một số dự án như cầu Tân Kỳ - Tân Quý phải chuyển đổi phương thức đầu tư từ hình thức đối tác công tư sang đầu tư công, dẫn đến nhiều vướng mắc pháp lý. Các công trình khác như đường Lương Định Của, Dương Quảng Hàm… vẫn còn một số hạng mục chưa hoàn thành do phải di dời hạ tầng kỹ thuật.
Do đó, ông Bùi Xuân Cường đề nghị cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ giữa chủ đầu tư, các sở ngành và chính quyền địa phương để tháo gỡ khó khăn. Chủ đầu tư cần chú trọng hơn đến công tác quản lý tiến độ, chất lượng và điều phối nguồn vật liệu cho các nhà thầu.
Cần ưu tiên nguồn vốn và tập trung triển khai các dự án trọng điểm trong năm 2025, đặc biệt là các dự án phục vụ kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Lãnh đạo thành phố ghi nhận và cảm ơn sự chia sẻ và đồng hành của người dân, doanh nghiệp trong quá trình bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Đồng thời mong muốn sự tiếp tục hỗ trợ và đồng hành của các sở, ngành và chính quyền địa phương trong thời gian tới.
Từ nay đến trước Tết Nguyên Đán Ất Tỵ 2025, TPHCM sẽ tiếp tục hoàn thành đưa vào khai thác phục vụ người dân Thành phố các công trình giao thông trong điểm, bao gồm:
Đường Hoàng Hoa Thám, thông xe ngày 23/1/2025.
Đường nối đường Trần Quốc Hoàn – đường Cộng Hòa (Giai đoạn 1), thông xe ngày 23/1/2025 (đoạn từ đường Phan Thúc Duyện đến đường Hoàng Hoa Thám và hoàn thành toàn bộ 3 vị trí trên cao, dưới đất nối kết giao thông với Nhà ga T3).
Đường Dương Quảng Hàm (Giai đoạn 1), thông xe ngày 27/1/2025.
Đường Lương Định Của (Giai đoạn 1) hoàn thành ngày 26/1/2025 (đoạn từ đường Trần Não đến Nguyễn Hoàng).
Toàn bộ nút giao Nguyễn Văn Linh – Nguyễn Hữu Thọ, thông xe toàn bộ giao lộ ngày 27/1/2025.
Cầu Bà Hom, thông xe ngày 27/1/2025.