Khánh thành Đền thờ Vua Hàm Nghi và các tướng sĩ Cần Vương

Hôm nay 13/7/2020, kỷ niệm 135 năm Ngày Vua Hàm Nghi ban Dụ Cần Vương chống Pháp 13/7 (1885-2020), huyện Cam Lộ tổ chức Lễ khánh thành công trình Đền thờVua Hàm Nghi và các tướng sĩ Cần Vương tại Khu di tích lịch sử quốc gia Thành Tân Sở, thôn Mai Đàn, xã Cam Chính, huyện Cam Lộ. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Đức Dũng; Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam; Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hồ Đại Nam; Phó Chủ tịch- Tổng Thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam Dương Trung Quốc; Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, PGS-TS Đỗ Bang; đại diện Hội đồng trị sự Nguyễn Phước tộc- TP. Huế; Phòng Quốc huy công Nguyễn Phúc tộc- hậu duệ của Binh bộ Thượng thư Tôn Thất Thuyết;họ Nguyễn Văn- hậu duệ của Kỳ vỹ Quận công Nguyễn Văn Tường; cùng đông đảo cán bộ và Nhân dân huyện Cam Lộ, xã Cam Chính tham dự buổi lễ.

 Lễ cắt băng khánh thành Đền thờ vua Hàm Nghi và các tướng sĩ Cần Vương tại thôn Mai Đàn, xã Cam Chính, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị

Lễ cắt băng khánh thành Đền thờ vua Hàm Nghi và các tướng sĩ Cần Vương tại thôn Mai Đàn, xã Cam Chính, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị

Cách đây hơn 1 thế kỷ, triều đình nhà Nguyễn đã cho xây dựng căn cứ Tân Sở, thuộc xã Cam Chính, huyện Cam Lộ làm nơi phòng bị cho kinh thành Huế khi thất thủ. Tân Sở trở thành “Kinh đô kháng chiến”, “Trung tâm dấy nghĩa Cần Vương” khi dụ Cần Vương được vua Hàm Nghi ban bố ngày 13/7/1885 hiệu triệu toàn dân tộc chống lại sự xâm lăng của thực dân Pháp.

Mặc dù “Kinh đô kháng chiến” của triều đình nhà Nguyễn tồn tại thời gian không dài, nhưng Dụ Cần Vương và tên tuổi của nhà vua yêu nước Hàm Nghi mãi gắn liền với tên gọi Thành Tân Sở, với mảnh đất Cam Lộ.

Để tri ân Vua Hàm Nghi và các tướng sĩ phong trào Cần Vương, đồng thời góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ, huyện Cam Lộ cùng với các cơ quan chuyên môn của tỉnh, các nhà khoa học tiến hành nghiên cứu, lập hồ sơ đề nghị và Thành Tân Sở được công nhận Di tích lịch sử cấp quốc gia năm 1995.

Do Thành Tân Sở bị phá hủy trong hai cuộc chiến tranh nên dấu tích không còn trên mặt đất. Năm 2011, UBND huyện Cam Lộ phối hợp với Bảo tàng Tổng hợp tỉnh và Trường Đại học Khoa học Huế tiến hành khai quật, khảo cổ, xác định vị trí và tiến hành cắm mốc quản lý, lập quy hoạch chi tiết Di tích lịch sử quốc gia Thành Tân Sở trên diện tích 25 ha, trong đó phần di tích 22,9 ha và phần vành đai bảo vệ xung quanh 2,1 ha. Năm 2019, UBND tỉnh Quảng Trị phê duyệt đầu tư xây dựng công trình Đền thờ Vua Hàm Nghi và các tướng sĩ Cần Vương.

Đền thờ được xây dựng trên diện tích 243m2 trong khu vực di tích, nhưng không chồng lấn các vị trí công trình di tích cần được phục hồi, tôn tạo. Tổng mức đầu tư công trình hơn 7 tỉ đồng, được thiết kế theo kiến trúc văn hóa tâm linh truyền thống triều Nguyễn, bao gồm các hạng mục: Đền thờ, tường rào, sân vườn, hệ thống hạ tầng kỹ thuật và các công trình phụ trợ.

Phần nội thất bên trong đền thờ như: Án thờ, long vị, bài vị được một nghệ nhân quốc gia ở T.P Huế thi công, bài trí đảm bảo đăng đối, trình tự; phần trưng bày do Trung tâm Quản lý di tích và Bảo tàng tỉnh thực hiện…Công trình hoàn thành thể hiện tâm huyết, tình cảm tri ân, trách nhiệm của lãnh đạo huyện Cam Lộ, đáp ứng nguyện vọng đông đảo cán bộ và Nhân dân địa phương.

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng nhấn mạnh: Lịch sử đã chọn vùng đất Cam Lộ địa linh nhân kiệt là nơi ban Dụ Cần Vương chống giặc Pháp để cứu nước, vì vậy Khu di tích lịch sử quốc gia Thành Tân Sở tại huyện Cam Lộ có vị trí quan trọng cần được trân trọng, giữ gìn và phát huy, trở thành niềm tự hào dân tộc, phát triển nơi đây thành một địa chỉ giáo dục lịch sử, truyền thống yêu nước cho các thế hệ người dân Việt Nam; đồng thời là điểm hấp dẫn về du lịch văn hóa lịch sử tâm linh đối với Nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế.

Sau khi Đền thờ Vua Hàm Nghi và các tướng sĩ Cần Vương hoàn thành, cán bộ và Nhân dân huyện Cam Lộ nói chung và xã Cam Chính nói riêng cần có phương án quản lý, sử dụng, phát huy giá trị của công trình trong đời sống xã hội; gắn kết với các chuỗi di tích trên địa bàn tỉnh để tạo ra một sản phẩm du lịch hấp dẫn, góp phần đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của địa phương.

Bày tỏ cảm ơn sâu sắc đến các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong cả nước đã dành nhiều tình cảm, trí tuệ trong quá trình nghiên cứu phong trào Cần Vương và đóng góp ủng hộ xây dựng công trình Đền thờ Vua Hàm Nghi và các tướng sĩ Cần Vương, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, đóng góp công sức, trí tuệ, cùng với Nhà nước để bảo vệ, phát huy hiệu quả giá trị Khu di tích lịch sử quốc gia Thành Tân Sở trên quê hương huyện Cam Lộ xứng tầm với di tích cấp quốc gia; xem đây là niềm vinh dự, tự hào và cũng là trách nhiệm đối với sự nghiệp bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của dân tộc. Giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Trung tâm Quản lý di tích và Bảo tàng tỉnh phối hợp chặt chẽ với huyện Cam Lộ tổ chức quản lý, khai thác, sử dụng một cách có hiệu quả nhất công trình có ý nghĩa này.

Tại buổi lễ, Phó Chủ tịch- Tổng Thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam Dương Trung Quốc đã phát động kêu gọi chương trình “Giọt đồng đúc tượng danh nhân”, để mỗi người đóng góp một giọt đồng làm bức tượng ghi dấu công ơn của vị vua yêu nước và các vị phụ chính đại thần phong trào Cần Vương chống Pháp cứu nước.

Sau lễ khánh thành công trình Đền thờ Vua Hàm Nghi và các tướng sĩ Cần Vương, huyện Cam Lộ tổ chức lễ an vị long vị, bài vị của Vua Hàm Nghi, Binh bộ Thượng thư Tôn Thất Thuyết và Kỳ vỹ Quận công Nguyễn Văn Tường tại đền thờ theo phong tục của địa phương.

Trước đó, ngày 12/7/2020, tỉnh Quảng Trị và huyện Cam Lộ phối hợp với Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế tổ chức lễ rước long vị Vua Hàm Nghi từ Thế Miếu trong kinh thành Huế về an vị tại Đền thờ Vua Hàm Nghi và các tướng sĩ Cần Vương ở Di tích lịch sử quốc gia Thành Tân Sở, huyện Cam Lộ.

Lễ rước long vị Vua Hàm Nghi được tổ chức theo nghi thức truyền thống, đội hình rước xây dựng trên mô hình rước vua trong nghi thức cung đình Huế. Huyện Cam Lộ cũng tổ chức các đoàn rước bài vị Binh bộ Thượng thư Tôn Thất Thuyết từ phủ thờ ngài ở làng Vân Thế Trung, xã Thủy Thanh, huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên - Huế và bài vị Kỳ vỹ Quận công Nguyễn Văn Tường tại đền thờ và lăng mộ của ngài ở làng An Cư, xã Triệu Phước, huyện Triệu Phong về Đền thờ Vua Hàm Nghi và các tướng sĩ Cần Vương theo nghi thức truyền thống trong niềm xúc động, tự hào của cán bộ và Nhân dân huyện Cam Lộ.

Nguyễn Thanh Hải

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=82&modid=445&itemid=149852