Khánh thành đồng loạt 4 dự án trọng điểm giao thông là dấu mốc lịch sử *
Sáng 24/12, tại Điện Biên, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ khánh thành 4 dự án: Dự án đầu tư xây dựng mở rộng Cảng Hàng không Điện Biên, Dự án đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ kết nối với cao tốc Nội Bài - Lào Cai, Dự án đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, Dự án cầu Mỹ Thuận 2. Cổng TTĐT Chính phủ trân trọng giới thiệu phát biểu của Thủ tướng Chính phủ tại sự kiện này.
Thưa các đồng chí lãnh đạo và nguyên lãnh đạo Đảng,Nhà nước, các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương và địa phương!
Thưa đồng chí, đồng bào!
1. Hôm nay, tại thành phố Điện Biện, địa danh lịch sử với Chiến thắng Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu", chúng ta cùng các địa phương Tuyên Quang, Tiền Giang, Vĩnh Long - những vùng đất lịch sử, có văn hóa bản sắc và truyền thống lịch sử hào hùng, vẻ vang, nhưng đời sống của nhân dân các vùng này còn gặp nhiều khó khăn.
2. Lễ khánh thành đồng loạt các dự án trọng điểm giao thông gồm sân bay, cầu lớn qua sông Tiền và đường cao tốc ở cả hai đầu đất nước với tổng số vốn đầu tư gần 18 nghìn tỷ là dấu mốc lịch sử khi lần đầu tiên tổ chức khánh thành 04 công trình trọng điểm trong cùng một thời điểm bằng hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. Chúng ta càng xúc động hơn nữa khi được gặp mặt 20 đồng chí, cách đây 70 năm, là những chiến sĩ góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu".
Thay mặt Lãnh đạo Chính phủ, tôi xin nhiệt liệt chào mừng và gửi tới các quý vị đại biểu, khách quý và toàn thể đồng chí, đồng bào lời chào thân ái, lời thăm hỏi thân thiết, lời chúc sức khỏe và những lời chúc mừng tốt đẹp nhất!
Thưa đồng chí và quý vị đại biểu!
Thực tiễn đã chứng minh, giao thông vận tải nói chung và đường bộ cao tốc, sân bay, bến cảng nói riêng mang lại hiệu quả rõ nét về phát triển kinh tế - xã hội. Giao thông phát triển đến đâu sẽ mở ra không gian phát triển mới đến đó, nhiều khu đô thị, khu công nghiệp, dịch vụ, du lịch được hình thành, quỹ đất được khai thác hiệu quả với giá trị gia tăng cao hơn và đặc biệt là giảm chi phí logistics, giảm chi phí đầu vào, nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm Việt Nam. Đặc biệt, tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân đi lại dễ dàng hơn, tiết kiệm thời gian và chi phí, qua đó đẩy mạnh giao lưu, hoạt động sinh hoạt và sản xuất kinh doanh.
04 công trình hôm nay được đưa vào sử dụng, khai thác, góp phần vào kết quả từ đầu nhiệm kỳ đến nay đã đưa vào khai thác thêm gần 730 km đường cao tốc; đưa tổng chiều dài đường cao tốc cả nước hiện nay là gần 1.900 km và đang triển khai thi công gần 1.700 km đường cao tốc kết nối trục Bắc – Nam và Đông - Tây, tạo tiền đề quan trọng để chúng ta có thể đạt và vượt mục tiêu mà Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đề ra là phấn đấu đến năm 2025 có khoảng 3.000 km đường cao tốc và đến năm 2030 có 5.000 km đường cao tốc.
Thưa đồng chí và quý vị đại biểu!
04 Dự án khánh thành ngày hôm nay có đặc điểm chung: (1) Có vướng mắc pháp lý; (2) Kinh phí đầu tư có hạn, phải huy động kinh phí của cả Trung ương và địa phương, nguồn tăng thu, tiết kiệm chi, nguồn vốn của Chương trình phục hồi và phát triển KTXH; (3) Gặp khó khăn về nguồn cung và giá cả biến động của nguyên vật liệu; khan hiếm vật liệu xây dựng thông thường; nền đất yếu ở các tỉnh phía Nam…; (4) Thi công trong điều kiện đại dịch bệnh COVID-19 và ảnh hưởng của biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp; (5) Giải phóng mặt bằng khó khăn, phải bảo đảm bảo vệ môi trường.
Nhưng với trách nhiệm cao của các bộ, ngành như các Bộ Giao thông vận tải, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Tài chính và tỉnh Điện Biên, Tuyên Quang, Phú Thọ, Tiền Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ; sự nỗ lực của các chủ đầu tư, nhà thầu, các kỹ sư, công nhân; sự giúp đỡ của nhân dân có dự án đi qua; với tinh thần "vượt nắng, thắng mưa", "ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương, ý chí kiên cường, chiến thắng đại dịch COVID-19", "làm việc 3 ca, 4 kíp, xuyên Tết, xuyên ngày nghỉ", đặt lợi ích của quốc gia, dân tộc lên trên hết, trước hết… để có kết quả như ngày hôm nay.
Thay mặt Chính phủ, tôi xin trân trọng cảm ơn sự lãnh đạo của Ban chấp hành Trung ương, thường xuyên, trực tiếp là Bộ Chính trị, Ban Bí thư và nhất là đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; sự đồng hành của Quốc hội, các ủy ban của Quốc hội; HĐND các địa phương; các bộ, ngành, UBND các địa phương; các chủ đầu tư, ban quản lý, các nhà đầu tư, nhà tư vấn, nhà thầu và các kỹ sư, công nhân trên công trường; Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và đặc biệt là nhân dân có vùng dự án đi qua.
Chúng ta nhớ lại Cầu Mỹ Thuận 1 xây dựng trước đây: (1) Chiều dài 1,5 km, chiều rộng 23,7 m, cao 120 m; (2) Tổng vốn đầu tư khoảng hơn 2 nghìn tỷ đồng (gần 100 triệu USD); (3) Thiết kế, thi công, giảm sát cơ bản phải thuê nước ngoài và thi công hết 36 tháng; (4) Suất đầu tư là 5 nghìn USD/m2.
Cầu Mỹ Thuận 2 ngày nay: (1) Chiều dài gần 6,7 km (gồm cầu là 1,9 km; đường dẫn 4,7 km); rộng 28,3 m, cao 125 m; (2) Tổng vốn đầu tư gần 5 nghìn tỷ (đây là tiền của nhân dân ta, đất nước ta); (3) Thiết kế, thi công, giám sát do người Việt Nam thực hiện và thi công 39 tháng trong điều kiện đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp; (4) Suất đầu tư là 2,4 nghìn USD/m2.
Thưa các đồng chí và quý vị đại biểu!
Từ kết quả và ý nghĩa của các công trình khánh thành hôm nay, càng củng cố thêm cho chúng ta những kinh nghiệm quý trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội nói chung và phát triển hạ tầng nói riêng, trong đó:
(1) Nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, động lực bắt nguồn từ sự đổi mới, sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân.
(2) Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực thực hiện và tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc.
(3) Phát huy tính tự lực, tự cường, tự vươn lên từ bàn tay khối óc của mình, dám nghĩ, dám làm, chủ động, kịp thời, không trông chờ, ỷ lại.
(4) Trong quá trình tổ chức thực hiện, nhất là khi gặp khó khăn, vướng mắc thì tư tưởng phải thông, quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động phải quyết liệt, hiệu quả, làm việc nào dứt việc đó.
(5) Tăng cường sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương, giữa các cơ quan trong hệ thống chính trị.
(6) Tranh thủ sự ủng hộ, vào cuộc của nhân dân.
Thưa các đồng chí và quý vị đại biểu!
Thời gian tới, tôi đề nghị Bộ Giao thông vận tải và các bộ, ngành, địa phương:
(1) Khai thác hiệu quả các dự án đã được khánh thành, đưa vào sử dụng; thanh quyết toán dự án công khai, lành mạnh; kiểm tra, duy tu, bảo dưỡng thường xuyên, theo đúng kế hoạch; nghiên cứu, đánh giá tính đầy đủ của các công trình đi kèm (như nơi dừng nghỉ…).
(2) Đặc biệt quan tâm đến công tác tái định cư, hỗ trợ ổn định sản xuất để người dân có nơi ở mới, có công việc mới bằng và tốt hơn nơi cũ.
(3) Các bộ, ngành, địa phương, các nhà thầu, nhà đầu tư, nhà tư vấn rút kinh nghiệm từ các dự án đã thực hiện để nâng cao hiệu quả trong việc triển khai các công trình, dự án tiếp theo.
Mỗi cá nhân tham gia dự án cần nâng cao ý thức trách nhiệm với công việc, với ngành và cao hơn nữa với nhân dân, với Tổ quốc; đổi mới tư duy, cách nghĩ, cách làm để hoàn thành tốt nhiệm vụ góp phần triển khai các dự án đúng tiến độ với tinh thần "tất cả vì nhân dân, vì sự hùng cường, thịnh vượng của đất nước".
Trên tinh thần đó, tôi tuyên bố khánh thành, đưa vào khai thác đồng loạt 04 Dự án:
(1) Dự án đầu tư xây dựng mở rộng Cảng Hàng không Điện Biên.
(2) Dự án đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ kết nối với cao tốc Nội Bài - Lào Cai.
(3) Dự án đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ.
(4) Dự án cầu Mỹ Thuận 2.
Nhân dịp năm mới 2024, chúc các đồng chí lãnh đạo và nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước; lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, các quý vị đại biểu, khách quý cùng bà con nhân dân sức khỏe, hạnh phúc và thành công!
Xin trân trọng cảm ơn./.
*Tiêu đề do Cổng TTĐT Chính phủ đặt