Khánh thành đường ống dẫn nước sinh hoạt phục vụ hơn 250 hộ dân tại huyện Gò Công Tây
Sáng 18-2, UBND huyện Gò Công Tây (tỉnh Tiền Giang) tổ chức Lễ khánh thành Dự án Lắp đặt đường ống dẫn nước sinh hoạt đạt tiêu chuẩn cho người dân xã Đồng Thạnh, huyện Gò Công Tây (gọi tắt là Dự án) do Chính phủ Ấn Độ tài trợ.
Tham dự Lễ khánh thành, về phía Chính phủ Ấn Độ có ngài Pranay Verma, Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam; ngài Madan Mohan Sethi, Tổng Lãnh sự Ấn Độ tại TP. Hồ Chí Minh.
Về phía tỉnh Tiền Giang, có Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Vĩnh; cùng lãnh đạo các sở, ngành và địa phương.
Theo UBND huyện Gò Công Tây, Dự án có tổng chiều dài 4.748,9 m, phục vụ cho khoảng 250 hộ dân thuộc ấp Hòa Bình, xã Đồng Thạnh.
Tổng kinh phí đầu tư hơn 1,119 tỷ đồng từ nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của Đại sứ quán nước Cộng hòa Ấn Độ tại Hà Nội.
Sau khi tiếp nhận vốn tài trợ Dự án, UBND huyện Gò Công Tây đã khẩn trương triển khai thực hiện.
Đến giữa tháng 4-2021, Dự án hoàn thành theo đúng kế hoạch và đảm bảo dẫn nước ngọt từ nguồn nước BOO đến các hộ dân chất lượng và đạt tiêu chuẩn.
* Trưa cùng ngày, đồng chí Nguyễn Văn Vĩnh cùng lãnh đạo các sở, ngành có buổi làm việc với ngài Pranay Verma, Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam về việc hợp tác kết nối tiêu thụ nông sản.
Theo đồng chí Nguyễn Văn Vĩnh, hiện toàn tỉnh có khoảng 10.000 ha thanh long với sản lượng khoảng 200 ngàn tấn/năm.
Tuy nhiên, hiện tỉnh đang gặp khó khăn là chưa xuất khẩu bằng đường chính ngạch nhiều, 80% là xuất khẩu sang Trung Quốc bằng đường tiểu ngạch, 10% là tiêu thụ nội địa.
Do đó, thông qua buổi làm việc, UBND tỉnh Tiền Giang mong muốn ngài Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam kết nối giữa tỉnh với các bang tại Ấn Độ trong xuất khẩu nông sản, mà cụ thể là trái thanh long. Hiện ở tỉnh, ngành xuất khẩu thủy sản tương đối lớn và mạnh.
Tỉnh có khoảng 6.000 ha nuôi trồng thủy sản và nhiều doanh nghiệp (DN) xuất khẩu thủy sản lớn sản xuất đạt tiêu chuẩn quốc tế.
Tỉnh mong muốn ngài Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam kết nối các DN của tỉnh xuất khẩu thủy sản sang thị trường Ấn Độ nói chung và các bang của Ấn Độ nói riêng, đặc biệt là các sản phẩm từ cá da trơn.
Hiện Tiền Giang đang có chủ trương thu hút đầu tư với nhiều khu, cụm công nghiệp hiện có. Tỉnh mong muốn ngài Pranay Verma kết nối để các DN tại Ấn Độ đến đầu tư tại Tiền Giang, đặc biệt là DN sản xuất dược phẩm.
Chính sách thu hút đầu tư của tỉnh rất thông thoáng, do đó, đồng chí Nguyễn Văn Vĩnh cho rằng nếu DN Ấn Độ đầu tư tại Tiền Giang sẽ thành công. Ngoài ra, đồng chí Nguyễn Văn Vĩnh mong muốn ngài Pranay Verma kết nối hợp tác trong việc đào tạo nguồn nhân lực để phục vụ cho phát triển các khu, cụm công nghiệp tới đây.
Qua trao đổi, ngài Pranay Verma cho biết, về việc xuất khẩu thanh long sang thị trường Ấn Độ, ngài cam kết sẽ kết nối trong việc xuất khẩu giữa các DN của Ấn Độ và tỉnh Tiền Giang.
Ngài Pranay Verma khuyến khích kêu gọi các DN của tỉnh tham dự hội nghị xúc tiến giữa 2 nước để giao lưu, xuất khẩu nông sản mà Tổng Lãnh sự quán Ấn Độ sẽ tổ chức.
Về xuất khẩu thủy sản, ngài Pranay Verma cho rằng, đây là lĩnh vực có thể kết nối được. Đồng thời, ghi nhận đề xuất này.
Trong tương lai, phía Ấn Độ sẽ tiếp tục tổ chức các hội nghị giao lưu thương mại, xúc tiến về thủy sản và sẽ mời các DN của tỉnh tham dự.
Về đào tạo nguồn nhân lực, có những suất học bổng của Chính phủ Ấn Độ tài trợ toàn phần với các khóa học ngắn hạn và dài hạn.
Sắp tới đây, phía Ấn Độ sẽ thông báo tuyển sinh và sẽ gửi thông tin đến tỉnh để gửi hồ sơ ứng viên của mình.
Về xúc tiến đầu tư Ấn Độ vào Tiền Giang, ngài Pranay Verma cho rằng, khi những chuyến bay thương mại mở cửa, tỉnh Tiền Giang nên thành lập đoàn gồm DN, sở, ban, ngành đến Ấn Độ để kết nối thu hút đầu tư…