Công trình Khu di tích lịch sử “Nơi ở và làm việc của đồng chí Võ Văn Kiệt” được khởi công ngày 31/3/2022 trên diện tích hơn 1.800 m2 đất do hộ gia đình ông Đỗ Văn Thuần hiến tặng. Tổng mức đầu tư dự án trên 6,3 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước và nguồn vốn xã hội hóa.
Trong thời gian 1970 - 1973, bác Võ Văn Kiệt nhận nhiệm vụ của Trung ương bí mật về U Minh để triển khai nghị quyết và chỉ đạo cách mạng tại Khu ủy.
Tại đây, bác Võ Văn Kiệt đã bàn bạc kế hoạch xây dựng, củng cố lực lượng của Khu ủy T3 kết hợp lực lượng địa phương tiếp tục thực hiện chiến tranh nhân dân chống địch bình định nông thôn, kiên trì bám dân, bám đất, xây dựng lực lượng chính trị, vũ trang, binh vận… tạo ra cao trào cách mạng mới tiến công địch, nhằm tiêu diệt các đồn bót, căn cứ của địch ở tại U Minh và các vùng lân cận.
Sau ngày giải phóng, nơi ở và làm việc của bác Võ Văn Kiệt được chính quyền địa phương cùng gia đình ông Đỗ Văn Biện cùng con cháu bảo quản, giữ gìn cẩn thận. Các địa điểm được xác định rõ ràng, từng vị trí được bảo quản tránh bị xâm hại.
Vào ngày 7/11/2016, di tích “Nơi ở và làm việc của đồng chí Võ Văn Kiệt” được Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau ban hành quyết định số 1929/QĐ-UBND xếp hạng di tích cấp tỉnh.
Phát biểu tại buổi lễ khánh thành, ông Huỳnh Minh Nguyên, Chủ tịch UBND huyện U Minh cho biết, công trình di tích lịch sử “Nơi ở và làm việc của đồng chí Võ Văn Kiệt” được khánh thành vào ngày hôm nay, có ý nghĩa sâu sắc để tôn vinh và tri ân những cống hiến to lớn, quan trọng của bác đối với sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc; đồng thời góp phần giáo dục truyền thống lịch sử cách mạng, lòng yêu nước, tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, ý chí, khát vọng vươn lên, cống hiến cho các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ hôm nay.
"Tôi đề nghị Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Khánh Hòa cùng chung tay bảo tồn và phát huy giá trị di tích “Nơi ở và làm việc của đồng chí Võ Văn Kiệt” xứng tầm với vị thế của một di tích cấp tỉnh; đồng thời cùng quản lý, khai thác thật khoa học và hiệu quả của di tích, coi đó là niềm vinh dự, tự hào và cũng là trách nhiệm lớn lao đối với sự nghiệp bảo tồn và phát huy di sản văn hóa của dân tộc Việt Nam”, ông Nguyên chia sẻ.
Tân Lộc