Khánh thành Nhà bia ghi danh Anh hùng liệt sĩ hy sinh bảo vệ Trường sư phạm Tây Nam bộ và Tiểu ban Giáo dục Khu Tây Nam bộ

Huyện Năm Căn (Cà Mau) vừa tổ chức khánh thành, trùng tu Nhà bia ghi danh Anh hùng liệt sĩ thời kỳ kháng chiến chống Mỹ tại huyện Năm Căn.

Đại diện Trường sư phạm T3 cùng chính quyền địa phương cắt băng khánh thành Nhà bia ghi danh Anh hùng liệt sĩ.

Đại diện Trường sư phạm T3 cùng chính quyền địa phương cắt băng khánh thành Nhà bia ghi danh Anh hùng liệt sĩ.

Nhà bia ghi danh Anh hùng liệt sĩ tọa lạc tại xã Tam Giang, huyện Năm Căn (Cà Mau). Công trình nhà bia ghi danh các anh hùng liệt sĩ xã Tam Giang, trước đây được Nhà nước đầu tư xây dựng từ năm 1997, trải qua 23 năm nhiều hạng mục công trình đã bị xuống cấp.

Bia ghi danh các anh hùng liệt sĩ mới được xây dựng tại vị trí cũ với tổng diện tích trên 300m2, với các hạng mục nhà bia và khuôn viên. Nhà bia là nơi ghi danh 149 anh hùng liệt sĩ đều là những người con của quê hương Tam Giang anh hùng đã anh dũng hi sinh trong công cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc.

Tổng kinh phí xây dựng, trùng tu công trình lần này trên 550 triệu đồng, trong đó có sự đóng góp của Ban lãnh đạo Trường Sư phạm Tây Nam bộ, Sở GD&ĐT tỉnh Cà Mau, Hội Cựu giáo chức tỉnh Cà Mau, Huyện ủy - UBND huyện Năm Căn cùng cán bộ và nhân dân xã Tam Giang.

Trước kia, xã Tam Giang, huyện Năm Căn là khu rừng đước thuộc huyện Duyên Hải xưa, địa điểm đặt Trường sư phạm Tây Nam bộ (Trường sư phạm T3) và Tiểu ban Giáo dục Khu Tây Nam bộ “dừng quân, hạ trại” lâu nhất và an toàn nhất trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, giai đoạn 1961 - 1975.

Trường Sư phạm T3 được thành lập do sáng kiến của Khu ủy và Ban Tuyên huấn Tây Nam bộ, nhằm đáp ứng kịp thời ngồn nhân lực cán bộ, nhà giáo phục vụ trước mắt và lâu dài cho cuộc kháng chiến. Sau Đồng Khởi 1960, các trường Nội trú và Trường Sư phạm trong vùng kháng chiến đã nở rộ giai đoạn này cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất.

Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, Trường Sư phạm T3 chỉ cách căn cứ Mỹ, Ngụy khoảng 30km. Trong 14 khóa học thì có 6 khóa trường đóng tại nơi đây. Lứa học sinh năm nào, sau giải phóng đã giữ nhiều vị trí quan trọng trong các cơ quan Đảng, Nhà nước khu vực Tây Nam bộ.

Tại buổi lễ, hàng trăm thầy và trò năm nào cùng chính quyền địa phương đã nhắc lại một thời đã qua, như: Đội Du kích săn tàu trên Kênh 17, những người mẹ Tam Giang vượt qua mưa bom bão đạn cùng bộ đội ngăn chặn quân thù sau những trận càn ác liệt. Đặc biệt là những chiến dịch tận diệt căn cứ cách mạng, như: Chiến dịch “Nhổ cỏ U Minh", "Hạm đội nhỏ trên sông", "B52 rải thảm” đã luồn sâu vào rừng tràm, rừng đước Cà Mau. Sau ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, nhiều học sinh Trường sư phạm T3 trưởng thành, đã giữ những vị trí quan trọng trong các cơ quan Đảng, Nhà nước.

Mỗi lần họp mặt là mỗi lần nhắc nhớ một thời khó khăn, gian khổ đã qua. Những đề xuất về công tác trồng người trong hiện tại và tương lai cho quê hương đất nước, cùng với việc đề ơn đáp nghĩa được thầy và trò trường sư phạm T3 quan tâm.

Việc chọn xã Tam Giang dựng bia ghi danh anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống vì nền độc lập, tự do dân tộc cùng những người địa phương xưa đã chở che cho thầy, trò Trường T3 và Tiểu ban giáo dục Khu Tây Nam bộ “dừng quân, hạ trại” lâu nhất và an toàn nhất trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, giai đoạn 1961 - 1975 là ý tưởng đẹp thể hiện rõ đạo lý “Uống nước, nhớ nguồn” của dân tộc ta.

Hàng năm, thầy và trò Trường sư phạm T3 cùng chính quyền địa phương chọn ngày Thương binh, liệt sĩ 27/7 và ngày Mùng 1 Tết Nguyên đán để dâng hương tưởng nhớ đến vong linh những người đã vì nước quên mình.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/ket-noi/khanh-thanh-nha-bia-ghi-danh-anh-hung-liet-si-hy-sinh-bao-ve-truong-su-pham-tay-nam-bo-va-tieu-ban-giao-duc-khu-tay-nam-bo-Mt1FdhvGR.html