Khánh thành Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, sau 12 năm vướng mắc
Sáng 27/4, tại huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự lễ khánh thành Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 do Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (Petrovietnam) tổ chức.
Nhiệt điện Thái Bình 2 là một trong những dự án trọng điểm với quy mô lớn của ngành điện do Petrovietnam làm chủ đầu tư, được khởi công từ đầu năm 2011, tổng vốn đầu tư 41.799 tỷ đồng, công suất 1.200 MW.
Trải qua 12 năm đầu tư xây dựng với nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, do nhiều nguyên nhân có giai đoạn dự án phải dừng triển khai trong thời gian dài. Tới nay, dự án đã được hồi sinh.
Theo Tổng giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng, đến nay 2 tổ máy đã hoàn thành quá trình chạy thử nghiệm thu và đã phát điện, cung cấp cho hệ thống điện quốc gia trên 1 tỷ kWh.
Sau khi hoàn thành đưa vào vận hành, hàng năm Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 sẽ cung cấp khoảng 7,2 tỷ kWh lên lưới điện quốc gia, với doanh thu khoảng 18.000 tỷ đồng/năm, sử dụng trực tiếp và gián tiếp trên 400 lao động tại địa phương, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và phát triển kinh tế khu vực Đồng bằng Bắc Bộ nói chung, tỉnh Thái Bình nói riêng.
Tại sự kiện, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, đây là sự kiện rất đáng mừng bởi nhà máy có tổng đầu tư và công suất lớn, dự án đã kéo dài 12 năm, người dân có nhiều lo lắng về dự án.
Việc hồi sinh nhà máy được thực hiện trong điều kiện khó khăn, các quy định pháp luật còn nhiều chồng chéo, vướng mắc và chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19. Tại cuộc họp về phương hướng hồi sinh nhà máy vào giữa tháng 7/2021, các đại biểu đề nghị phải tăng thêm 4.800 tỷ đồng từ ngân sách cho dự án.
Tuy nhiên, Thủ tướng đã kết luận, không dùng thêm ngân sách, mà phải cơ cấu lại trong tổng vốn đầu tư, vận dụng sáng tạo các quy định hiện hành, nếu thiếu vốn thì sẽ sử dụng nguồn vốn của Petrovietnam.
Đến nay, việc hồi sinh dự án không những không phải sử dụng thêm vốn của Nhà nước, của tập đoàn, mà ngược lại, có thể tiết kiệm hơn 200 tỷ đồng tổng mức đầu tư đã được phê duyệt.
Theo Thủ tướng, sự kiện khánh thành Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 mang nhiều ý nghĩa to lớn trên nhiều khía cạnh gồm góp phần thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và tỉnh Thái Bình (vốn là một tỉnh thuần nông); góp phần bảo đảm an ninh năng lượng cho Đồng bằng sông Hồng, khu vực miền Bắc và cả nước; đóng góp cho kinh tế tuần hoàn, tận dụng tối đa các chất thải để sản xuất các sản phẩm.
Tạo công ăn, việc làm, sinh kế cho người dân, với khoảng 75% nhân lực của nhà máy trong quá trình xây dựng và vận hành là người địa phương; đóng góp ngân sách địa phương (khoảng 1.000 tỷ đồng mỗi năm khi chạy hết công suất).
Thủ tướng tổng kết những bài học kinh nghiệm quý báu từ việc hồi sinh dự án, đó là "được người, được việc, được của, được tổ chức, được lòng dân".
Thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục rà soát lại công việc, bảo đảm nhà máy vận hành theo tiêu chí hiện đại, hiệu quả, an toàn theo quy định của pháp luật, bảo đảm vệ sinh môi trường; tăng cường ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số, tiết kiệm chi phí, giảm giá thành.
Đặc biệt là không để xảy ra sự cố do yếu tố chủ quan; khi có vấn đề phát sinh, các cơ quan cần phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, hiệu quả để xử lý kịp thời; bảo đảm an ninh, an toàn cho nhà máy và người dân; tiếp tục tạo công ăn, việc làm và sinh kế người dân, ổn định, nâng cao đời sống cho những người dân đã nhường mặt bằng.
Thủ tướng cũng lưu ý, việc phát triển hệ thống điện phải bảo đảm 5 yếu tố gồm nguồn điện, tải điện, phân phối điện, sử dụng điện và giá điện hợp lý.