Khảo sát, đánh giá tác động chính sách một cách kỹ lưỡng về rút bảo hiểm xã hội một lần

Cho ý kiến về dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) tại phiên thảo luận tổ chiều nay, 2.11, các đại biểu Quốc hội tại tổ 10 (gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh Thái Bình, Bạc Liêu, Ninh Thuận) cho rằng, cần có sự khảo sát, đánh giá tác động chính sách một cách kỹ lưỡng đối với quy định về rút bảo hiểm xã hội một lần để bảo đảm tính khả thi trong tổ chức thực hiện.

Quang cảnh buổi thảo luận Tổ 10

Quang cảnh buổi thảo luận Tổ 10

Bảo đảm minh bạch, dễ nhận diện

Qua thảo luận, các ĐBQH tại tổ 10 cơ bản đánh giá cao hồ sơ dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đã được cơ quan chủ trì soạn thảo và cơ quan thẩm tra chuẩn bị kỹ lưỡng, dày dặn. Các đại biểu cũng bày tỏ đồng tình với các căn cứ và quan điểm, mục tiêu đặt ra để sửa đổi luật, đồng thời cho rằng, dự thảo Luật cũng đã khắc phục để sửa đổi căn bản những hạn chế, bất cập trong thực tiễn thi hành Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014.

Đáng lưu ý, dự luật lần này đã bổ sung những nội dung mới về: trợ cấp hưu trí xã hội; quy định về quản lý thu, đóng bảo hiểm xã hội; cơ cấu đầu tư Quỹ bảo hiểm xã hội; đặc biệt, mở rộng diện bao phủ đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc để bảo đảm tính khả thi trong tổ chức thực hiện. Dự thảo Luật cũng đề xuất bổ sung hình thức trợ cấp hưu trí xã hội dành cho người cao tuổi mà không có lương hưu; trợ cấp hàng tháng dành cho người tham gia bảo hiểm xã hội nhưng không đủ năm đóng để hưởng lương hưu. Với những bổ sung như vậy, các đại biểu nhận định, có thể bảo đảm đa số người dân khi về già được hưởng chế độ hưu trí và trợ cấp hàng tháng và đây cũng là nguyện vọng tha thiết của cử tri.

Đại biểu Quốc hội Đàng Thị Mỹ Hương (Ninh Thuận) phát biểu tại tổ

Đại biểu Quốc hội Đàng Thị Mỹ Hương (Ninh Thuận) phát biểu tại tổ

Góp ý vào nội dung cụ thể, ĐBQH Đàng Thị Mỹ Hương (Ninh Thuận) nêu rõ, khoản 1 Điều 7 dự thảo Luật quy định về chính sách của Nhà nước đối với bảo hiểm xã hội đa tầng, song, khái niệm hệ thống bảo hiểm xã hội đa tầng là như thế nào, các tầng sắp xếp ra sao, cơ chế và chính sách đi kèm với từng tầng cũng chưa được quy định rõ và rất khó hiểu. Do đó, đại biểu đề nghị trong dự thảo Luật cần bổ sung nội dung giải thích từ ngữ về hệ thống bảo hiểm xã hội đa tầng để bảo đảm minh bạch, dễ nhận diện và từ đó Nhà nước có chính sách đầu tư phù hợp.

Liên quan đến các hành vi bị nghiêm cấm được quy định tại Điều 8, đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương nêu thực tế, gần đây có tình trạng một số người lao động mượn hồ sơ, giấy tờ của người khác để tham gia bảo hiểm xã hội. Vì vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung vào dự thảo Luật để nghiêm cấm hành vi này.

Hài hòa quyền lợi trước mắt của người lao động và chính sách an sinh xã hội lâu dài

Góp ý về nội dung hưởng bảo hiểm xã hội một lần, ĐBQH Trần Thị Hoa Ry (Bạc Liêu) ghi nhận Chính phủ đã rất nỗ lực thể chế nội dung này trong dự thảo Luật. Tuy nhiên, qua nghiên cứu 2 phương án Chính phủ trình, đại biểu cho rằng quan trọng là phải tìm được nguyên nhân của tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần, phải chăng chính là liên quan đến vấn đề kinh tế của người lao động?

Thời gian vừa qua, với tác động của đại dịch Covid-19, người lao động không có nguồn thu nên phải rút bảo hiểm xã hội một lần để giải quyết những khó khăn trước. “Nếu chỉ như vậy thì trong nội dung này nên kèm theo phương án giải quyết bằng tín dụng như cho vay ưu đãi thì sẽ phù hợp hơn”, đại biểu Trần Thị Hoa Ry nói.

Một số đại biểu bày tỏ đồng tình với phương án 2, quy định: “Sau 12 tháng không thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, không tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và có thời gian đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 20 năm mà người lao động có yêu cầu thì được giải quyết một phần, nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian đóng bảo hiểm xã hội còn lại được bảo lưu để người lao động tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội”.

Đại biểu Quốc hội Trần Khánh Thu (Thái Bình) phát biểu tại tổ

Đại biểu Quốc hội Trần Khánh Thu (Thái Bình) phát biểu tại tổ

Lý giải vì sao chọn phương án này, ĐBQH Trần Khánh Thu (Thái Bình) cho biết, quy định như vậy là bảo đảm đúng tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW, giúp hài hòa quyền lợi trước mắt của người lao động và chính sách an sinh xã hội lâu dài. Ngoài ra, người lao động khi tiếp tục tham gia sẽ được cộng nối thời gian đóng để hưởng chế độ bảo hiểm xã hội với quyền lợi hưởng cao hơn; có nhiều cơ hội hơn để đủ điều kiện hưởng lương hưu khi đến tuổi nghỉ hưu. Vì vậy, đại biểu Trần Khánh Thu nhấn mạnh, đây là phương án vừa đáp ứng được nhu cầu nhận bảo hiểm xã hội một lần của người lao động trong thời điểm cần thiết, song cũng đáp ứng được yêu cầu bảo đảm sự ổn định của hệ thống và quyền lợi của người lao động trong dài hạn.

Tuy nhiên, đại biểu cũng bày tỏ băn khoăn về việc chưa thực sự có một đánh giá tác động việc áp dụng phương án này vì mục đích của chính sách là tốt, nhưng vấn đề đặt ra là người lao động chưa được làm sáng tỏ việc nếu họ không quay lại làm việc để tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội thì 50% thời gian bảo lưu trên hệ thống bảo hiểm sẽ được giải quyết như thế nào?

Do đó, các đại biểu đề nghị, cần có sự khảo sát, đánh giá tác động chính sách một cách kỹ lưỡng đối với quy định về rút bảo hiểm xã hội một lần để bảo đảm khả thi trong tổ chức thực hiện.

Minh Trang

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/thoi-su-quoc-hoi/khao-sat-danh-gia-tac-dong-chinh-sach-mot-cach-ky-luong-ve-rut-bao-hiem-xa-hoi-mot-lan-i348531/