Khảo sát dấu tích nhà Mạc ở đồi Diệm Xuân (Vĩnh Tường -Vĩnh Phúc): Dự án Cụm di tích lịch sử - văn hóa Chùa, Đền, Đình Diệm Xuân bao giờ thành hiện thực?
Vấn đề bức xúc hiện nay là các cấp có thẩm quyền, cụ thể là UBND huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc) cần sớm vào cuộc cùng UBND xã Việt Xuân giải quyết dứt điểm tranh chấp ngôi mộ cổ ở phía sau chùa Xuân Sơn giữa dòng họ Nguyễn Đình không phải gốc Mạc và dòng họ Nguyễn Chùa gốc Mạc.
Ảnh: Tiến Dũng chụp đầu năm 2021.
Tiếp chúng tôi tại đền thờ Nhà Mạc ở thôn Diệm Xuân, xã Việt Xuân, các ông Nguyễn Ngọc Sĩ 86 tuổi (thứ hai từ trái sang) , trưởng chi gốc Mạc xóm 5, thôn Diệm Xuân; Nguyễn Tiến Quốc 66 tuổi (ngồi hàng đầu bên trái) cũng ở thôn Diệm Xuân là Phó chủ tịch Hội đồng Mạc tộc Vĩnh Phúc cho biết: Bằng nguồn xã hội hóa, công đức của bà con 20 chi họ Mạc tỉnh Vĩnh Phúc và các địa phương trong cả nước, trong đó có công đức 750 triệu đồng của bà Thái Hương, Chủ tịch Tập đoàn TH True Milk, đền thờ họ Mạc ở thôn Diệm Xuân khởi công ngày 21/8/2016 đến ngày 21/4/2017 thì khánh thành. Đền thờ nhà Mạc ở Diệm Xuân với tổng mức đầu tư 2,3 tỷ đồng, có 12 ban Tượng thờ Đức Tiên vương, Tiên đế nhà Mạc trị vì thời kì ở Thăng Long, thời kì ở Cao Bằng, hậu Cao Bằng, 4 ban thờ Hoàng hậu, Hoàng tử, Công chúa, Văn quan Võ tướng Mạc triều với diện tích nhà Đền 65m2, khuôn viên 210m2. Nằm trong quần thể khu di tích đồi Diệm Xuân hiện có 3 ngôi mộ cổ họ Mạc.
Ảnh: Tiến Dũng chụp đầu năm 2021.
Như vậy, cùng với đền thờ Nhà Mạc mới xây dựng ở đồi thôn Diệm Xuân, xã Việt Xuân (ảnh trên), còn có khu tưởng niệm các vua triều Mạc ở thành phố Hải Phòng do con cháu họ Mạc và nhân dân địa phương hưng công xây dựng. Từ đường Nhà Mạc ở đây có 12 tượng thờ. Đánh giá đúng vị thế của Vương triều Mạc, năm 2004, Bộ VH-TT- DL quyết định xếp hạng di tích, công nhận “Từ đường họ Mạc ở Cổ Trai, huyện Kiến Thụy, TP Hải Phòng là Di tích Lịch sử, Văn hóa Quốc gia”. Ngoài ra, một chùa ở thành phố Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn cũng thờ bài vị 12 tiên vương triều Mạc.
Ảnh: Tiến Dũng chụp đầu năm 2021.
Khu vực đồi chùa Diệm Xuân còn có Xuân Sơn Tự hay còn gọi là chùa Trống, được xây dựng mới trên nền chùa cũ cũng bằng phương thức xã hội hóa từ năm 2014 đến nay đang trong giai đoạn hoàn thiện (ảnh trên), là nơi lưu giữ nhiều dấu tích của vị Vua thứ 10 nhà Mạc - Mạc Kính Vũ, cùng các vị hoàng tộc Mạc triều. Đáng chú ý ở đồi chùa có 3 ngôi mộ cổ gồm: Nhà vua - Nhà tu hành Mạc Kính Vũ, Công chúa Mạc Chính Lan và Nguyễn Hữu Nhẫn (cháu nội vua Mạc Kính Vũ - con trai Thái tử Nguyễn Hữu Pháp). Mộ Nguyễn Hữu Nhẫn xây như mái nhà, có 2 trụ dùng xích sắt treo ngôi mộ lên, năm 1936 có xây sửa lại. Năm 2017 tiếp tục phát lộ ngôi mộ cổ Công chúa Mạc Chính Lan (trong quan ngoài quách) trước sân đền Nhà Mạc hiện nay, đã được chuyển xuống khu đất trong khuôn viên một nhà dân ở trước đền.
Các ông Nguyễn Ngọc Sĩ và Nguyễn Tiến Quốc cho biết vướng mắc tranh chấp sở hữu ngôi mộ cổ ở đồi Chùa, khu đất phía sau Xuân Sơn tự hay còn gọi là chùa Trống (thôn Diệm Xuân) giữa dòng họ Nguyễn Chùa gốc Mạc và dòng họ Nguyễn Đình không phải gốc Mạc mà đại diện là ông Nguyễn Đình Nhuận. Trước năm 2012, ông Nguyễn Đình Nhuận, là cựu chiến binh về hưu, đã xây mồ mả, trong đó có tu bổ ngôi mộ cổ ở phía sau chùa Xuân Sơn, coi đó là mộ của dòng họ Nguyễn Đình, mà nhiều người cho là mộ Mạc Kính Vũ.
Tác giả bài viết thắp hương ngôi mộ cổ ở phía sau chùa Diệm Xuân hay còn gọi là chùa Trống (Xuân Sơn Tự) đang tranh chấp giữa dòng họ Nguyễn Đình không phải gốc Mạc và dòng họ Nguyễn Chùa gốc Mạc mà truyền ngôn cho là mộ vua Mạc Kính Vũ. Ănh: Tiến Dũng chụp đầu năm 2021...
Tác giả thắp hương tại đài hương do Hội đồng Mạc tộc Vĩnh Phúc dựng lên phía ngoài vòng quanh mộ cổ (ảnh trên) được coi là mộ Mạc Kính Vũ đang tranh chấp. Ảnh: Tiến Dũng chụp đầu năm 2021.
Nhưng từ khi có Hội thảo khoa học “Nhà Mạc và Hậu Duệ nhà Mạc trên đất Vĩnh phúc” ngày 21/9/2012, các nhà nghiên cứu bước đầu đi đến thống nhất cho rằng: Việt Xuân là vùng đất Vương triều Mạc ẩn cư sau thời kỳ ở Cao Bằng. Hoàng đế Mạc Kính Vũ (1638-1677) có tài liệu ghi Mạc Kính Diệu (Trạc), Mạc Kính Hoàn, là đời Vua thứ 10 triều Mạc, niên hiệu Thuận Đức ở Cao Bằng, được triều nhà Thanh phong Quy Hóa Tướng Quân đến khi mất chưa kịp nhận sắc phong An Nam Đô thống sứ. Mạc Kính Vũ lựa chọn đồi thôn Diệm Xuân làm nơi mai danh ẩn tích, xuất gia xây Chùa quy y nơi cửa Phật và mất tại đây.
Từ sau kết luận Hội thảo khoa học nói trên, con cháu nhà Mạc ở Vĩnh Phúc, nhất là ở các huyện Vĩnh Tường và Lập Thạch cũ (nay thành 2 huyện Sông Lô và Lập Thạch) chú tâm hơn đến 3 ngôi mộ ở đồi Diệm Xuân, trong đó có ngôi mộ Mạc Kính Vũ ở sau Xuân Sơn Tự. Nhưng thật oái oăm, ngôi mộ cổ được cọi là Mạc Kính Vũ thì ông Nguyễn Đình Nhuận không phải là gốc Mạc đã tu sửa trước năm 2012 coi đó là mộ của dòng họ Nguyễn Đình, dẫn đến tranh chấp giữa dòng họ Nguyễn Chùa gốc Mạc và dòng họ Nguyễn Đình không phải gốc Mạc.
UBND xã Việt Xuân đã mời đại diện hai dòng họ Nguyễn Chùa gốc Mạc và Nguyễn Đình không phải gốc Mạc để trao đổi, xác định chủ đích thực ngôi mộ cổ ở sau chùa Xuân Sơn mang tính hòa giải nhưng không thành, tạm đi đến quyết định: Do tranh chấp, ngôi mộ cổ ở phía sau chùa Trống (Xuân Sơn Tự) cứ để nguyên, không được ai đụng đến, chưa được tôn tạo. Hai bên tranh chấp không thắp hương ở ngôi mộ đó, đồng thời báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo của cấp trên. Hai dòng họ Nguyễn Chùa gốc Mạc và Nguyễn Đình không phải gốc Mạc đều tuân thủ ý kiến nói trên của UBND xã Việt Xuân về ngôi mộ cổ ở phía sau chùa Xuân Sơn, chờ quyết định phân xử của cấp có thẩm quyền.
Vì không được thắp hương lên ngôi mộ cổ đang có tranh chấp, Hội đồng Mạc tộc Vĩnh Phúc đã dựng cây hương phía ngoài vòng quanh mộ để con cháu gốc Mạc đến thắp hương tưởng nhớ tiên tổ. Còn hai ngôi mộ Hoàng tử Nguyễn Hữu Nhẫn và Công chúa Mac Chính Lan không có tranh chấp vẫn do con cháu gốc Mạc hương khói cúng bái.
Từ ngày 11/2/2014, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã có Quyết định số 426/QĐ-CT phê duyệt dự án Cụm di tích lịch sử - văn hóa Chùa, Đền, Đình Diệm Xuân, xã Việt Xuân, huyện Vĩnh Tường, liên kết với khu Tiên Lữ, huyện Lập Thạch, có nhiều dấu tích về nhà Mạc để trở thành điểm du lịch văn hóa - tín ngưỡng tâm linh gồm đình, chùa, đền, lăng tẫm Vua Mạc Kính Vũ, Hoàng tử Nguyễn Hữu Nhẫn, Công chúa Mạc Chính Lan…
Ảnh: Tiến Dũng chụp đầu năm 2021.
Đình Diệm Xuân (ảnh trên) thờ An Giang Linh Ứng Đại Vương, người có công trị thủy, bảo vệ mùa màng và cuộc sống của người dân trong vùng dưới thời Hùng Vương. Ngôi đình trước kia được dựng bên dòng sông Phó Đáy. Tuy nhiên, do yêu cầu phải di dời để tạo điều kiện cho việc đắp đê Tả Phó Đáy, cách đây hơn 30 năm, ngôi đình đã được nhân dân thôn Diệm Xuân di chuyển vào khu đất đồi Chùa, xây dựng bên cạnh ngôi chùa Xuân Sơn, hằng năm hương khói phụng thờ. Trải qua thời gian, ngôi đình, ngôi chùa thôn Diệm Xuân đã bị xuống cấp nghiêm trọng, cần được quy hoạch, tu bổ, tôn tạo lại cho tương xứng với một cụm di tích lịch sử - văn hóa thành điểm du lịch văn hóa tín ngưỡng tâm linh.
Thể theo nguyện vọng của nhân dân, mong muốn tôn tạo khu di tích được khang trang, gọn đẹp, xứng tầm với vị thế của khu di tích, ngày 21/3/2014, UBND xã Việt Xuân phối hợp với Ban trị sự Giáo hội Phật giáo huyện Vĩnh Tường tổ chức khởi công chùa Diệm Xuân trên nền chùa Trống, hay còn gọi là Xuân Sơn Tự, nằm trong quy hoạch Cụm di tích Đình – Chùa – Đền thôn Diệm Xuân. Nơi đây sẽ trở thành điểm du lịch văn hóa- tín ngưỡng tâm linh.
Chùa Diệm Xuân được thiết kế kiểu “nội công ngoại quốc” có nhà thờ Tổ 7 gian 2 dĩ cùng dãy hành lang, diện tích xây dựng 1.132 m2. Đình Diệm Xuân được thiết kế kiểu chữ ”đinh” 3 gian 2 dĩ đại bái cùng hậu cung 260m2. Đồng thời, nhà thờ họ Mạc cũng được tu bổ, tôn tạo với diện tích 210 m2. Bên cạnh đó, công trình còn được thiết kế các gian nhà khách, nhà ở tăng, ni và một số hạng mục phụ trợ khác với tổng diện tích xây dựng là 2.300 m2. Toàn bộ công trình được thiết kế bằng chất liệu bê tông, giả gỗ chịu lực, mái lợp ngói mũi truyền thống, nền lát gạch bát, hệ thống cửa bằng gỗ lim kiểu “thượng song hạ bản”.
Tổng mức đầu tư xây dựng Cụm di tích Đình – Chùa – Đền thôn Diệm Xuân, xã Việt Xuân trên 40 tỷ đồng bằng nguồn vốn xã hội hóa do nhân dân đóng góp và các nguồn huy động hợp pháp khác. Đến nay, Chùa Trống (Xuân Sơn Tự) xây dựng trên nền chùa cũ từ năm 2014 đang trong giai đoạn hoàn thiện sắp xong, đình thì chưa có nguồn vốn để trùng tu, tôn tạo. Còn đền thờ Nhà Mạc ở đồi Diệm Xuân xây dựng xong từ tháng 4/2017 (ảnh dưới).
Vấn đề bức xúc hiện nay là các cấp có thẩm quyền, cụ thể là UBND huyện Vĩnh Tường cần sớm vào cuộc cùng UBND xã Việt Xuân giải quyết dứt điểm tranh chấp ngôi mộ cổ ở phía sau chùa Xuân Sơn giữa dòng họ Nguyễn Đình không phải gốc Mạc và dòng họ Nguyễn Chùa gốc Mạc. Nếu ngôi mộ cổ đó thuộc dòng họ Nguyễn Đình thì phải chứng minh được chủ ngôi mộ đó là ai, có từ bao giờ. Nếu dòng họ Nguyễn Đình không chứng minh được thì ngôi mộ đó thuộc dòng họ Nguyễn Chùa gốc Mạc mà truyền ngôn nơi đây coi đó là mộ Mạc Kính Vũ – vị Vua thứ 10 của nhà Mạc sau khi thất thủ ở Cao Bằng (1677) bí mật di dời xuôi dòng sông Lô về ẩn cư, tu hành ở Xuân Sơn tự và qua đời an táng tại đây.
Tác giả bài viết thắp hương tại mộ Hoàng tử Nguyễn Hữu Nhẫn (cháu nội Mạc Kính Vũ) ở cạnh chùa Diệm Xuân, còn gọi là chùa Trống (Xuân Sơn Tự) bị cây cỏ mọc che khuất. Ảnh: Tiến Dũng chụp đầu năm 2021.
Ngôi mộ táng treo cháu nội Mạc Kinh Vũ là Nguyễn Hữu Nhẫn ở cạnh chùa Diệm Xuân, còn gọi là chùa Trống (Xuân Sơn Tự), xã Việt Xuân đăng tải trên vinhtuong.vinhphuc.gov.vn ngày 13/7/2015 trong bài "Những dấu tích của Nhà Mạc trên đất Diệm Xuân" theo cuốn sách "Vĩnh Tường - Di sản Văn Hóa".
Hương khói, thành tâm cúng bái, thờ phụng đấng sinh thành và tiên tổ liên quan đến mồ mả là truyền thống văn hóa của người Việt nhưng mồ mả phải chính chủ. Nếu nhận mồ mả không chính chủ, rước vong linh không phải là thân tộc, thờ cúng người ngoài ngay tại bàn thờ gia tiên, về tâm linh là điều tối kỵ, sẽ rất phiền toái, không hay ho gì, gặp nhiều tai ách, không khéo lại tự rước họa vào thân.
Ngôi mộ Công chúa Mạc Chính Lan trong khuôn viên một nhà dân ở trước đền thờ Nhà Mạc tại đồi thôn Diệm Xuân, xã Việt Xuân, huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc). Ảnh: Tiến Dũng chụp đầu năm 2021.
Nếu ngôi mộ cổ ở phía sau chùa Trống (Xuân Sơn Tự) thuộc dòng họ Nguyễn Đình không phải gốc Mạc thì không có giá trị về lịch sử. Nhưng ngôi mộ đó thuộc dòng họ Nguyễn Chùa gốc Mạc từng ẩn tích ở đây được xác định là Mạc Kính Vũ thì lại là di tích có giá trị về lịch sử. Đây là vị Vua thứ 10 của nhà Mạc cần được tôn tạo thành lăng tẫm cùng với hai ngôi mộ Hoàng tử Nguyễn Hữu Nhẫn (cháu nội Mach Kính Vũ) và Công chúa Mạc Chính Lan để du khách đến thắp hương, chiêm bái thì điểm du lịch văn hóa tâm linh nơi đây càng thêm ý nghĩa.
Tuy đã được UBND tỉnh Vĩnh Phúc phê duyệt dự án Cụm di tích lịch sử - văn hóa Chùa, Đền, Đình Diệm Xuân, xã Việt Xuân, huyện Vĩnh Tường thành điểm du lịch văn hóa - tín ngưỡng tâm linh từ năm 2014, cách nay đã 7 năm nhưng vẫn chỉ túc tắc đầu tư bằng nguồn xã hội hóa, chưa có đầu tư bằng nguồn ngân sách nhà nước của tỉnh nên dự án nêu trên vẫn chưa đâu vào đâu. Muốn cụm di tích lịch sử này trở thành điểm du lịch văn hóa tâm linh bên cạnh phục dựng lại đình, chùa và xây đền thờ thì song hành phải đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông lên đồi Diệm Xuân đi lại thông thoáng cùng hệ thống dịch vụ, ẩm thực, sản phẩm du lịch đặc trưng và nguồn nhân lực du lịch phục vụ du khách bài bản. Tất cả những tiền đề nói trên đều chưa có thì biết đến bao giờ Dự án Cụm di tích lịch sử - văn hóa Chùa, Đền, Đình Diệm Xuân trở thành hiện thực?
(Hết).
V.X.B - N.T.D