Khảo sát đầu vào tiếng Anh tại Hà Tĩnh: Phân lớp, xây dựng giáo trình phù hợp

Việc khảo sát đầu vào môn Tiếng Anh tại các trường học ở Hà Tĩnh mấy năm gần đây diễn ra chặt chẽ, dựa trên kiểm tra các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết để phân lớp theo năng lực người học.

GV, HS tăng cường trao đổi, đối thoại trên lớp luôn được đặt lên hàng đầu đối với môn Tiếng Anh.

GV, HS tăng cường trao đổi, đối thoại trên lớp luôn được đặt lên hàng đầu đối với môn Tiếng Anh.

Phân lớp theo năng lực

Thầy Nguyễn Nam Thắng, Hiệu trưởng Trường THPT Phan Đình Phùng (TP Hà Tĩnh) cho biết: Đầu mỗi năm học, trường tổ chức khảo sát chất lượng môn Tiếng Anh theo 4 kỹ năng: Nghe, nói, đọc, viết để phân loại năng lực HS theo 3 mức độ: Khá, đại trà, yếu. Từ trình độ của HS, GV nhà trường có giáo trình, giáo án và phương pháp hợp lý để nâng cao chất lượng, hiệu quả trong mỗi giờ học.

Việc chia lớp học môn ngoại ngữ theo năng lực không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho HS phát huy năng lực mà còn tạo áp lực tích cực cho GV trong các hoạt động đổi mới phương pháp giảng dạy, linh hoạt trong xây dựng giáo trình, giáo án phù hợp với từng lớp.

Thầy Nguyễn Văn Quang, Hiệu trưởng Trường THPT Cẩm Bình (huyện Cẩm Xuyên) cho hay: Để có những giờ dạy hiệu quả, ngoài việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chúng tôi đã chọn lựa những nội dung phù hợp trong từng bài giảng.

Với HS có năng lực khá giỏi, GV tăng cường các hoạt động trao đổi nhóm, thuyết trình để phát triển các kỹ năng đọc, viết, nghe, nói. Với lớp trung bình, yếu, chú trọng việc củng cố kiến thức cơ bản cho các em.

Cùng với tăng cường các hoạt động đối thoại, trao đổi nhóm, thuyết trình, việc tổ chức những giờ học Toán bằng tiếng Anh, giờ Địa lý kết nối với các trường học ở nhiều nước cũng giúp giờ học trở nên hấp dẫn; HS cũng được củng cố kỹ năng nghe, nói.

Em Nguyễn Mai Hoa, HS lớp 12A1, Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (huyện Đức Thọ) chia sẻ: Những giờ học Địa lý kết nối với các trường học ở nước ngoài không chỉ củng cố, hiểu rõ và nhớ lâu kiến thức bài học mà còn giúp em rèn luyện được kỹ năng nghe, nói, thuyết trình bằng tiếng Anh khi trao đổi, giới thiệu với các bạn nước ngoài về quê hương mình.

Chính sách nào cho môn Tiếng Anh?

Để môn Tiếng Anh trở thành nhu cầu, yêu thích với từng GV, HS, ngoài việc trau dồi, nâng cao kiến thức, đổi mới sáng tạo, điều quan trọng là có chính sách tạo động lực. Mấy năm gần đây, ngành Giáo dục Hà Tĩnh có quyết định đặc cách công nhận HS giỏi tỉnh môn Tiếng Anh cho HS đạt chứng chỉ IELTS từ 6.5 trở lên. Đến nay, toàn tỉnh đã có 114 HS được công nhận đặc cách và phong trào tự học để thi chứng chỉ IELST tiếp tục lan tỏa.

Em Trần Thị Quỳnh Chi – HS lớp 12 A4, Trường THPT Kỳ Anh, có trình độ IELTS 8.0 cho biết: Ngoài việc được đặc cách HS giỏi tỉnh, em xác định thi IELTS để nâng cao trình độ tiếng Anh và rèn luyện cho mình các kỹ năng mềm. Điều này rất cần cho tương lai khi đất nước bước vào thời kỳ hội nhập.

Ngoài ra, với chứng chỉ IELTS 8.0 trở lên, cơ hội tìm kiếm học bổng du học ở các nước trên thế giới, được tuyển thẳng vào một số trường đại học trong nước cũng rộng mở hơn.

Với GV, việc nâng chuẩn tiếng Anh cũng được tỉnh, nhà trường tạo mọi điều kiện động viên, khuyến khích. Nhờ vậy, nhiều GV bộ môn này tại các trường THPT trong tỉnh chủ động nâng cao kiến thức để phù hợp với sự phát triển cũng như công tác dạy học.

Để động viên, khuyến khích, nâng cao năng lực theo chuẩn quốc tế, ngoài chính sách của tỉnh hỗ trợ mỗi GV 15 triệu đồng khi đạt chứng chỉ IELST từ 6.5 trở lên, các trường cũng động viên, tạo điều kiện hỗ trợ thêm 2 triệu đồng/GV. Ý thức trách nhiệm của GV đối với nghề, HS và những chính sách của trường, tỉnh là động lực để GV tiếng Anh rèn luyện, trau dồi thêm kiến thức, kỹ năng môn học này.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/giao-duc/khao-sat-dau-vao-tieng-anh-tai-ha-tinh-phan-lop-xay-dung-giao-trinh-phu-hop-hjH2fXbGg.html