Khảo sát học sinh lớp 12: Đánh giá thực chất

Trong hai ngày 7 và 8-4, hơn 90.000 học sinh lớp 12 của các trường trung học phổ thông, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên thuộc thành phố Hà Nội làm bài khảo sát năm học 2022-2023 với các bài kiểm tra tương tự như kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Tổ chức kiểm tra, đánh giá thực chất để xác định mức độ đáp ứng về kiến thức, kỹ năng của học sinh theo 'thước đo chung', tránh tâm lý chủ quan và tăng cường hỗ trợ học sinh trong thời gian còn lại của năm học là mục tiêu của toàn ngành.

Cuộc tập dượt ý nghĩa

Học sinh Trường Trung học phổ thông Việt Đức (quận Hoàn Kiếm) xem số báo danh.

Học sinh Trường Trung học phổ thông Việt Đức (quận Hoàn Kiếm) xem số báo danh.

Việc tổ chức khảo sát toàn thành phố đối với học sinh lớp 12 được Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tổ chức hằng năm vào tháng 4 và được các nhà trường đón đợi, xác định đây là cuộc tập dượt nhiều ý nghĩa với cả giáo viên, học sinh. Toàn thành phố chia làm 16 cụm trường với hơn 120 điểm kiểm tra đặt tại các trường. Các cụm trường chủ động lập kế hoạch chi tiết, thành lập ban sao in đề, thành lập các điểm coi, chấm kiểm tra và giám sát các khâu theo đúng quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Cán bộ giám sát được đổi chéo giữa các trường trong cụm để bảo đảm khách quan trong khâu coi.

Gần 7h sáng, gần 700 học sinh Trường Trung học phổ thông Việt Đức (quận Hoàn Kiếm) đã có mặt tại sân trường, xem sơ đồ phòng và số báo danh, sẵn sàng bước vào kỳ khảo sát. Em Lê Trí Thức, học sinh lớp 12D cho biết: Kỳ kiểm tra này giúp chúng em không chỉ biết được năng lực học tập của mình đến đâu, mà còn là cơ hội làm quen với không khí trường thi, rèn các kỹ năng cần thiết khi thi thật. Việc bình tĩnh, ghi nhớ và tuân thủ quy chế, không mang các vật dụng trái phép vào phòng và phân bổ thời gian làm bài hợp lý... cũng là điều chúng em được tập dượt để đến khi chính thức dự thi bớt lúng túng.

Trong khi đó, hơn 300 học sinh Trường Trung học phổ thông Phan Huy Chú – Đống Đa (quận Đống Đa) cũng bước vào kỳ khảo sát với tâm thế tự tin. Em Vũ Khánh Toàn, học sinh lớp 12A1 chia sẻ: Em đã ôn tập rất kỹ và cố gắng làm bài nghiêm túc, thực chất. Kết quả kiểm tra là dịp để em tự đánh giá năng lực của mình, biết được những điểm mình còn yếu để có lộ trình ôn tập phù hợp để đạt kết quả cao hơn.

Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Phạm Xuân Tiến kiểm tra tại Trường Trung học phổ thông Việt Đức (quận Hoàn Kiếm).

Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Phạm Xuân Tiến kiểm tra tại Trường Trung học phổ thông Việt Đức (quận Hoàn Kiếm).

Được phân công làm nhiệm vụ giám sát tại Trường Trung học phổ thông Phúc Lợi (quận Long Biên), cô giáo Đinh Thị Phương Nga, giáo viên Trường Trung học phổ thông Nguyễn Gia Thiều bày tỏ, đây cũng là dịp để giáo viên tập dượt, sẵn sàng tham gia làm nhiệm vụ trong kỳ thi chính thức, nhất là với những điểm mới áp dụng trong quy chế thi năm nay.

Tránh tâm lý chủ quan

Để tổ chức khảo sát, cụm trường trung học phổ thông Hoàn Kiếm - Hai Bà Trưng gồm 13 trường đã họp, thống nhất kế hoạch, chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất, nhân lực, tổ chức in sao đề kiểm tra... Tinh thần được quán triệt tới tất cả các thành viên làm nhiệm vụ tại các nhà trường là bảo đảm tổ chức kiểm tra nghiêm túc, khách quan để kết quả phản ánh thực chất chất lượng dạy, học, tránh tâm lý chủ quan của học sinh, nhất là với các em có học lực tốt, hoặc đã tham gia và có nhiều khả năng trúng tuyển theo phương thức xét tuyển sớm (bằng học bạ, chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế) ở các trường đại học.

Học sinh nghiêm túc làm bài.

Học sinh nghiêm túc làm bài.

Bà Nguyễn Bội Quỳnh, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Việt Đức (quận Hoàn Kiếm) chia sẻ, thế mạnh của hầu hết học sinh nhà trường là năng lực ngoại ngữ. Năm học 2022-2023, khoảng 70% học sinh lớp 12 của trường đã có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế. Đây là một lợi thế rất lớn khi học sinh tham gia xét tuyển đại học, tuy nhiên cũng có thể khiến một số em chủ quan với kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông dẫn đến lơ là. Bên cạnh đó, kỳ khảo sát còn giúp học sinh tập dượt với những điều tưởng chừng nhỏ, nhưng rất quan trọng để tránh bị động, ảnh hưởng đến tâm lý như kỹ năng xem sơ đồ phòng thi, số báo danh. Do số lượng học sinh dự thi ở từng bài thi không giống nhau, nên với các bài độc lập như toán, ngữ văn, học sinh ngồi làm bài ở phòng thi A, nhưng đến bài ngoại ngữ và bài tổ hợp (khoa học tự nhiên, khoa học xã hội), các em lại ngồi làm bài ở phòng thi B...

Em Nguyễn Khánh Chi, Trường Trung học phổ thông Trương Định (quận Hoàng Mai) cho biết, em được thầy, cô giáo nhắc nhở, dù có trúng tuyển đại học theo phương thức xét tuyển sớm, thì điều kiện bắt buộc vẫn phải tốt nghiệp trung học phổ thông. Bên cạnh đó, nếu đạt kết quả thi tốt nghiệp cao, em còn có thêm cơ hội trúng tuyển đại học, vì hầu hết trường đại học hiện nay đều dành tỷ lệ chỉ tiêu lớn cho phương thức xét tuyển bằng kết quả kỳ thi tốt nghiệp. Thực tế ở năm trước đã có học sinh điểm xét tuyển đại học rất cao nhưng lại trượt tốt nghiệp. Đó là bài học kinh nghiệm để chúng em phải thật nghiêm túc, không được chủ quan.

Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Phạm Xuân Tiến cho biết, việc tổ chức khảo sát học sinh lớp 12 toàn thành phố không chỉ giúp các nhà trường nắm được tình hình học tập của học sinh đơn vị mình so với mặt bằng chung, mà còn là dịp để học sinh có những trải nghiệm tương tự như khi tham dự kỳ thi thật. Học sinh phải chấp hành các quy định tương tự như tại kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, từ việc ngồi theo số báo danh, khoảng cách trong phòng thi, các vật dụng được mang vào phòng... Căn cứ kết quả khảo sát, các nhà trường sẽ có các giải pháp để tổ chức ôn tập cho phù hợp với từng nhóm đối tượng học sinh, bảo đảm sử dụng hiệu quả thời gian còn lại của năm học để học sinh đạt kết quả tốt nhất trong kỳ thi.

Thống Nhất

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/giao-duc/1060620/khao-sat-hoc-sinh-lop-12-danh-gia-thuc-chat