Khảo sát pháp luật về thiết chế văn hóa thể thao tại Trung tâm Văn hóa TP. Hồ Chí Minh
Sáng 11.8, tiếp tục hoạt động khảo sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư, xây dựng, quản lý và sử dụng thiết chế văn hóa thể thao tại TP. Hồ Chí Minh, Đoàn khảo sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục do Phó Chủ nhiệm Ủy ban Phan Viết Lượng làm Trưởng đoàn đã làm việc với Trung tâm Văn hóa TP. Hồ Chí Minh.
Giám đốc Trung tâm Văn hóa TP. Hồ Chí Minh Lê Cao Đạt cho biết, là trung tâm văn hóa của một thành phố lớn, đông dân, mọi hoạt động của Trung tâm đều thực hiện với mục tiêu quan trọng là định hướng, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân thành phố, đồng thời bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống.
Trung tâm thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu, sưu tầm các di sản văn hóa nghệ thuật Việt Nam nhằm góp phần bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa dân tộc. Hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ đối với các hoạt động của các Nhà Văn hóa, Trung tâm Văn hóa quận, huyện, các đơn vị văn hóa cơ sở trên địa bàn.
Đồng thời, tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ văn hóa thông tin của các đơn vị; tổ chức các lớp đào tạo năng khiếu cho các hạt nhân phong trào văn hóa nghệ thuật quần chúng cơ sở. Tổ chức và tham gia các hoạt động văn hóa nghệ thuật quần chúng đỉnh cao của thành phố như các liên hoan, hội diễn nghệ thuật quần chúng cấp thành phố và của Cục Văn hóa cơ sở và các tỉnh thành trong cả nước tổ chức. Tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa giữa các Nhà Văn hóa của thành phố, giữa thành phố và các tỉnh, thành phố khác, tiến tới giao lưu với các nước khu vực ASEAN và quốc tế; các chương trình nghệ thuật phục vụ nhân dân thành phố, khu công nghiệp, khu chế xuất, các trường đại học.
Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, Trung tâm Văn hóa TP. Hồ Chí Minh vẫn còn gặp một số tồn tại, hạn chế. Đơn cử, do Trung tâm không có địa điểm để tổ chức các hoạt động văn hóa thường xuyên tại chỗ phục vụ cộng đồng theo chức năng, nhiệm vụ được quy định, nên gặp rất nhiều khó khăn trong việc chủ động về địa điểm và kinh phí.
Cụ thể, khi tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ văn hóa, lớp đào tạo cho hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở quận, huyện, xã, phường, không bảo đảm về địa điểm tổ chức, mà thường xuyên phải nhờ địa điểm hoặc ghi danh hạn chế số lượng học viên tham gia. Trong khi đó, khi tổ chức các hoạt động, sự kiện văn hóa nghệ thuật quần chúng, như các lễ hội, hội diễn nghệ thuật, liên hoan giao lưu nghệ thuật quần chúng cấp khu vực, toàn quốc và quốc tế, sân chơi, chương trình gameshow... nhằm tuyển truyền, định hướng về chính trị, tư tưởng, thẩm mỹ, phục vụ nhu cầu vui chơi giải trí của người dân, Trung tâm đều phải đề xuất với các đơn vị thuộc Sở hỗ trợ, thuê hoặc phối hợp với các đơn vị để tổ chức.
Phát biểu tại cuộc làm việc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Phan Viết Lượng ghi nhận những kết quả Trung tâm đạt được trong thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư, xây dựng, quản lý và sử dụng thiết chế văn hóa thể thao. Theo đó, dù có nhiều khó khăn, như cơ sở vật chất xuống cấp, thiếu trang thiết bị, nguồn nhân lực..., song Trung tâm đã quan tâm triển khai nhiều công việc thuộc chức năng, nhiệm vụ khá toàn diện ở các lĩnh vực.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đề nghị, Trung tâm cần đề xuất, kiến nghị cụ thể hơn với việc ban hành các cơ chế, chính sách phù hợp và đặc thù để phát triển thiết chế văn hóa, thể thao tại TP. Hồ Chí Minh.
+ Tại TP. Hồ Chí Minh, Đoàn công tác cũng đã khảo sát thực tế tại Rạp Cầu Bông (Quận 1) về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư, xây dựng, quản lý và sử dụng thiết chế văn hóa, thể thao.