Khảo sát sâu, cụ thể trước khi giám sát
Phát huy tinh thần đổi mới sáng tạo, quyết liệt, năm 2023, HĐND tỉnh Thái Nguyên đã ban hành số lượng lớn nghị quyết bảo đảm tính khả thi, thiết thực và phát huy hiệu quả trong thực tiễn, là căn cứ quan trọng để hiện thực hóa các mục tiêu phát triển của tỉnh. Hoạt động giám sát được đổi mới theo hướng tập trung vào những vấn đề liên quan trực tiếp đến đời sống dân sinh; khảo sát sâu, khảo sát vụ việc cụ thể trước khi tổ chức giám sát. Kết luận, kiến nghị giám sát cụ thể và thường xuyên theo dõi, đôn đốc, giám sát kết quả thực hiện.
Quyết sách đáp ứng yêu cầu thực tiễn
Năm 2023, HĐND tỉnh Thái Nguyên tổ chức 6 kỳ họp, xem xét, thảo luận 146 báo cáo, tờ trình và thông qua 105 nghị quyết quan trọng, quyết định cơ chế, chính sách, biện pháp, giải pháp, góp phần ổn định xã hội, tạo môi trường thu hút đầu tư, thúc đẩy kinh tế phát triển đúng định hướng, tăng thu ngân sách, bảo đảm an sinh xã hội.
Tại các hội nghị thẩm tra các báo cáo, tờ trình, dự thảo nghị quyết trình kỳ họp, các Ban HĐND tỉnh đều nêu rõ quan điểm, chính kiến, phản biện mang tính xây dựng cao. Qua đó, khẳng định rõ những nội dung thống nhất, những vấn đề cần được bổ sung, làm rõ, là căn cứ để cơ quan soạn thảo điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện. Vì vậy, những nội dung trình HĐND được các đại biểu đồng thuận, thống nhất cao, các nghị quyết bảo đảm tính khả thi, thiết thực và phát huy hiệu quả trong thực tiễn. Số lượng nghị quyết ban hành lớn, chất lượng bảo đảm, phù hợp với thực tiễn là căn cứ quan trọng để Thái Nguyên hiện thực hóa các mục tiêu phát triển, ngày càng đáp ứng tốt hơn kỳ vọng của cử tri và nhân dân.
Đơn cử như tại Kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh đã thông qua Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 24/2021/NQ-HĐND tỉnh. Theo đó, sửa đổi Điều 2 trong Nghị quyết số 24, nâng mức hỗ trợ kinh phí đối với giáo viên hợp đồng tại các cấp học và nhân viên nấu ăn tại cấp học mầm non từ tổng hệ số nhân với 1,49 triệu đồng (mức lương cơ sở cũ) lên mức lương cơ sở hiện hành 1,8 triệu đồng. Nghị quyết ban hành giúp đội ngũ giáo viên, nhân viên hợp đồng định mức tăng thêm thu nhập; đồng thời, tạo điều kiện để ngành giáo dục hợp đồng đủ số giáo viên, nhân viên trong điều kiện tinh giản biên chế.
Hay tại Kỳ họp thứ 12 (kỳ họp chuyên đề) HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ đầu tư nhà văn hóa - khu thể thao xóm, tổ dân phố, giai đoạn 2023 - 2025 được người dân đánh giá cao. Với mức hỗ trợ theo thứ tự ưu tiên từ 250 - 500 triệu đồng/công trình xây mới; từ 150 - 300 triệu đồng/công trình sửa chữa và 50 triệu đồng/nhà văn hóa, khu thể thao mua sắm trang thiết bị, quyết sách kịp thời này đã góp phần tháo gỡ những bất cập sau khi thực hiện sáp nhập xóm, tổ dân phố.
Giám sát những vấn đề liên quan trực tiếp đến đời sống dân sinh
Cùng với thực hiện tốt chức năng quyết định, hoạt động giám sát được quan tâm đổi mới, nâng cao chất lượng. Không chỉ tổ chức giám sát những nội dung thường kỳ về giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri; giám sát lại những nội dung đã được HĐND tỉnh kiến nghị, HĐND tỉnh còn thực hiện các cuộc giám sát tập trung vào những vấn đề liên quan trực tiếp đến đời sống dân sinh, gắn với việc thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Năm vừa qua, HĐND tỉnh đã tổ chức 1 cuộc giám sát chuyên đề quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường giai đoạn 2017 - 2022 trên địa bàn tỉnh. Thường trực HĐND tỉnh tổ chức 3 cuộc giám sát, trong đó có 2 cuộc giám sát kết quả giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri; 1 cuộc giám sát chuyên đề kết quả thực hiện một số kiến nghị tại nghị quyết giám sát chuyên đề của HĐND tỉnh và kết luận, kiến nghị giám sát của Thường trực, các ban, Tổ đại biểu, đại biểu HĐND tỉnh Khóa XIV. Các Ban của HĐND tỉnh cũng lựa chọn nhiều nội dung được đông đảo cử tri quan tâm để giám sát như tình hình dân cư sinh sống ở nơi thường xuyên xảy ra thiên tai, có nguy cơ xảy ra thiên tai cần phải bố trí, sắp xếp ổn định dân cư trên địa bàn tỉnh từ năm 2016 đến nay; Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh từ năm 2021 đến nay; việc chấp hành các quy định của pháp luật trong công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả... Kết quả giám sát và kiến nghị của các ban HĐND tỉnh là căn cứ quan trọng để HĐND tỉnh xem xét, nghiên cứu và ban hành nhiều nghị quyết chuyên đề, phù hợp với tình hình thực tế, đáp ứng nguyện vọng của cử tri và nhân dân.
Thường trực HĐND tỉnh yêu cầu đoàn giám sát nghiên cứu sâu các quy định của pháp luật; khảo sát sâu, khảo sát vụ việc cụ thể trước khi tổ chức giám sát. Kết luận, kiến nghị giám sát cụ thể và thường xuyên theo dõi, đôn đốc, giám sát kết quả thực hiện các kiến nghị sau giám sát.
Đơn cử như giám sát chuyên đề công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường giai đoạn 2017 - 2022 trên địa bàn, Đoàn giám sát đã chỉ ra những tồn tại, hạn chế như một số cơ sở y tế thiết lập và tổ chức cụm lưu trữ chất thải nguy hại chưa bảo đảm yêu cầu; một số xã chưa thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt (2 xã của huyện Đồng Hỷ, 6 xã của huyện Võ Nhai, 5 xã của huyện Phú Lương); môi trường không khí xung quanh các cơ sở sản xuất công nghiệp, khai thác khoáng sản, khu, cụm công nghiệp, khu dân cư, khu đô thị tại một số thời điểm có hàm lượng bụi vượt giới hạn cho phép… HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo; quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu nếu để xảy ra tình trạng ô nhiễm môi trường kéo dài, gây bức xúc trong nhân dân. Khẩn trương nghiên cứu, ban hành hướng dẫn cụ thể đối với việc tiếp nhận, vận hành quản lý hệ thống xử lý nước thải tập trung tại các khu dân cư, khu đô thị để bàn giao về địa phương quản lý theo phân cấp bảo đảm thống nhất trong quá trình thực hiện…