Khảo sát: Thanh niên Việt Nam và Singapore lạc quan nhất về chính trị ở Đông Nam Á
Theo một khảo sát từ Viện ISEAS-Yusof Ishak của Singapore, thanh niên tại Việt Nam và Singapore có cái nhìn lạc quan hơn về tình hình chính trị và kinh tế so với các quốc gia khác trong khu vực.
Theo khảo sát, 72,4% thanh niên Singapore và 68,2% thanh niên Việt Nam đánh giá tích cực về tình hình chính trị, gấp hơn 4 lần so với Indonesia (15,1%) và Thái Lan (16,4%).
Đối với Malaysia và Philippines, tỷ lệ này lần lượt là 31,9% và 25,9%. Dữ liệu cho thấy hệ thống chính trị ổn định ở Singapore và Việt Nam góp phần khuyến khích sự hài lòng và lạc quan. Gần 9/10 thanh niên tại hai quốc gia này bày tỏ hài lòng hoặc rất hài lòng với cách vận hành chính trị.
Ngược lại, chỉ 27% thanh niên Indonesia và 36,8% ở Philippines cảm thấy hài lòng. Ở Malaysia, dù từng trải qua bất ổn chính trị với 4 lần thay đổi thủ tướng giai đoạn 2018 - 2022, hơn một nửa số người trẻ vẫn giữ thái độ lạc quan nhờ sự lãnh đạo của Thủ tướng Anwar Ibrahim.
Trung bình, 76,5% thanh niên tại Singapore, Malaysia, Indonesia, Thái Lan, Việt Nam và Philippines tin tưởng vào triển vọng kinh tế trong năm năm tới. Thanh niên Việt Nam, Singapore và Malaysia đứng đầu về mức độ lạc quan với gần 9/10 người có triển vọng lạc quan, trong khi Indonesia có tỷ lệ thấp nhất với 62,6%.
Báo cáo nhận định rằng sự lạc quan thấp tại Indonesia bắt nguồn từ suy giảm tầng lớp trung lưu, thất nghiệp và tình trạng nghèo đói gia tăng. Tính đến tháng 2/2024, hơn 25,22 triệu người Indonesia sống trong cảnh nghèo đói và khoảng 369.500 thanh niên từ 15 - 29 tuổi bị xem là "vô vọng trong việc làm".
Khảo sát cũng chỉ ra thất nghiệp, tham nhũng và khoảng cách kinh tế - xã hội là ba vấn đề được thanh niên quan tâm nhất, với hơn 80% số người trả lời bày tỏ lo ngại.
Thanh niên Singapore ít lo lắng nhất về tham nhũng, với 63,7% bày tỏ quan ngại, so với 97% tại Indonesia. Về quyền LGBT, thanh niên Thái Lan ủng hộ mạnh mẽ nhất, với 69,7% đồng tình rằng nhà nước nên bảo vệ quyền này, trong khi tỷ lệ tại Malaysia và Indonesia chỉ lần lượt là 15,2% và 10,8%.
Báo cáo nhấn mạnh, những quốc gia có hệ thống chính trị ổn định và kinh tế tăng trưởng như Việt Nam và Singapore có xu hướng thúc đẩy sự lạc quan mạnh mẽ hơn ở thế hệ trẻ. Singapore được Đảng Hành động Nhân dân (PAP) lãnh đạo từ năm 1959, còn Việt Nam được Đảng Cộng sản lãnh đạo từ năm 1945.