Khảo sát tình hình sản xuất lúa Đông - Xuân muộn
Ngày 1/3, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Sóc Trăng tổ chức đoàn khảo sát lúa Đông - Xuân muộn và nguồn nước trong hệ thống thủy lợi Long Phú - Tiếp Nhật. Đồng chí Trần Tấn Phương - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm trưởng đoàn; tham gia đoàn có đại diện lãnh đạo các đơn vị liên quan trực thuộc sở; lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các huyện: Long Phú, Trần Đề.
Theo đó, đoàn khảo sát đã đến kiểm tra và đo độ mặn một số đoạn kênh Băng Long (từ xã Tân Thạnh đến thị trấn Long Phú, huyện Long Phú) để kiểm tra độ mặn của nước trong thời gian cao điểm mặn tháng 3. Theo đó, độ mặn đo được tại đoạn kênh Băng Long bình quân từ 1.70‰ - 2.30‰, tùy đoạn kênh.
Cùng với đó, đoàn khảo sát cũng đã đến xem tình hình sản xuất lúa Đông - Xuân muộn tại một số xã trên địa bàn huyện Long Phú. Thông tin từ lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Long Phú, trong vụ lúa Đông - Xuân muộn, toàn huyện xuống giống hơn 6.000ha, cao hơn cùng kỳ năm trước hơn 50%.
Tiếp đến, đoàn đã đến khảo sát thực tế tình hình sản xuất lúa Đông - Xuân muộn tại các xã: Đại Ân 2, Liêu Tú (Trần Đề). Tại huyện Trần Đề, diện tích lúa gieo sạ toàn huyện hơn 500ha, lúa đang trong giai đoạn từ đẻ nhánh đến chuẩn bị trổ. Thông tin với đoàn khảo sát, trước tình hình xâm nhập mặn diễn ra gay gắt như hiện tại và kéo dài thì diện tích lúa bị ảnh hưởng do mặn gây ra khoảng 200ha.
Đồng chí Trần Vĩnh Nghi - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Sóc Trăng cho biết, đến nay, lúa Đông - Xuân muộn trên địa bàn tỉnh đã xuống giống 41.000ha, cao hơn so với khuyến cáo 10.500ha. Hiện nay, độ mặn tại các sông, kênh, rạch lên cao và tình trạng thiếu nước ở đồng ruộng đang gia tăng. Để có biện pháp quản lý tốt đối với diện tích lúa Đông - Xuân muộn, đơn vị đã chỉ đạo các trạm trồng trọt và bảo vệ thực vật tại các địa phương trên địa bàn tỉnh thường xuyên theo dõi diễn biến độ mặn trên các sông, kênh, rạch và khi có nước ngọt thông báo bà con bơm nước vào ruộng. Để chăm sóc lúa Đông - Xuân muộn, khuyến cáo bà con là tùy từng giai đoạn sinh trưởng của lúa để đưa nước vào ruộng.
Cụ thể, khi lúa ở giai đoạn mạ khi lấy nước đưa vào ruộng, nước có độ mặn phải dưới 1‰ và nước khi đưa vào ruộng không được giữ nước lâu mà phải xả ra để giữ ẩm cho đất; lúa giai đoạn đẻ nhánh lấy nước có độ mặn dưới 2‰ và tiến hành xả nước ra ngay, nhằm tạo độ ẩm cho ruộng tránh tình trạng khô nứt ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của cây lúa; lúa giai đoạn đòng - trổ lấy nước đưa vào ruộng có độ mặn dưới 1‰. Đặc biệt lưu ý bà con nông dân khi phun thuốc cho ruộng lúa, tuyệt đối không sử dụng nước mặn pha thuốc để phun xịt lúa mà phải sử dụng nước ngọt…